Muốn xóa biên chế giáo viên phải xây dựng được Luật nhà giáo

07/06/2017 08:18
Trinh Phúc (thực hiện)
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh: "Việc đưa giáo viên ra khỏi biến chế phải theo lộ trình, tính toán thấu đáo và muốn làm điều đó cần phải sớm có Luật nhà giáo".

LTS: Câu chuyện xóa biên chế giáo viên đang trở thành đề tài tranh luận thời gian qua.

Câu hỏi đặt ra, khi giáo viên không còn là công chức, viên chức nữa thì họ chịu điều chỉnh bởi luật nào?

Những quyền lợi cơ bản của giáo viên sẽ được bảo vệ ra sao khi không còn là biên chế nhà nước?

Theo Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội thì trước khi xóa biến chế với giáo viên, cần thiết phải hoàn thành Luật nhà giáo và các văn bản pháp luật khác liên quan.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).

Xóa biên chế để giảm gánh nặng ngân sách

Hiện, dư luận rất quan tâm đến vấn đề xóa bỏ biên chế đối với giáo viên, bà có thể nói rõ hơn về chủ trương này được không, quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?

- Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh: Chủ trương bỏ biên chế trong giáo dục nằm trong lộ trình, còn lộ trình có được thực hiện hay không ta phải tính toán đến lộ trình Quốc hội xem xét Luật nhà giáo.

 Muốn xóa biên chế giáo viên phải xây dựng được Luật nhà giáo ảnh 2

Bộ Giáo dục chưa thí điểm bỏ biên chế giáo viên mầm non, tiểu học, trung học

Trước đây Luật nhà giáo đã đưa vào nghị quyết 27 của Quốc hội từ năm 2008, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng chỉ cần Luật viên chức là đủ. Đến giờ đã bộ lộ hạn chế nên tôi kiến nghị đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật năm 2018.

Đến giai đoạn này, sự bất cập được thể hiện khi giáo viên là viên chức, nằm trong biên chế nhà nước thì ngân sách nhà nước không đảm bảo được chi. 

Giáo viên hoạt động theo Luật viên chức thì việc sử dụng như hiện nay sẽ còn nhiều bất cập như : Xét bậc lương, các chế độ chính sách, các chế độ giáo viên như viên chức...

Tới đây, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông thì đội ngũ giáo viên sẽ còn phình lớn hơn rất là nhiều. Riêng tỉnh Kiên Giang hiện đang đề nghị thêm đến 1 nghìn giáo viên.

Như vậy, giáo viên cứ vào viên chức, sử dụng tiền ngân sách nhà nước chi trả thì chắc chắn đến lúc nào đó ngân sách sẽ không đáp ứng được và quyền học tập của trẻ em cũng sẽ bị ảnh hưởng. 

Chính vì thế phải tính đến xã hội hóa như nhiều nước đã làm.

Việc xã hội hóa là để giáo viên phát triển ở các cơ sở ngoài công lập, học sinh có điều kiện cũng phải ra ngoài các cơ sở ngoài công lập học tập.

 Muốn xóa biên chế giáo viên phải xây dựng được Luật nhà giáo ảnh 3

Biên chế hay Hợp đồng thì thầy cô tốt vẫn được cả xã hội kính trọng

Theo như bà nói, tới đây không chỉ xóa biên chế đối với giáo viên mà còn xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ hơn, vậy làm sao để đảm bảo được quyền lợi và địa vị của nhà giáo?

 - Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh: Khi bỏ biên chế đối với giáo viên, phát triển xã hội hóa trong giáo dục sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần phải tính toán kỹ lưỡng như:

Chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, cân nhắc, đề bạt làm sao bảo vệ được quyền lợi của các nhà giáo; 

Giám sát chất lượng các trường ngoài công lập phải đảm bảo; vấn đề đầu tư xây dựng, chính sách đối với các nhà đầu tư, đối với người học, người dạy các cơ sở ngoài công lập...

Việc đưa giáo viên ra khỏi biến chế phải theo lộ trình, tính toán thấu đáo và muốn làm điều đó cần phải sớm có Luật nhà giáo.

 Muốn xóa biên chế giáo viên phải xây dựng được Luật nhà giáo ảnh 4“Giải cứu giáo viên Tiểu học” đã hạ thấp sự cao quý của nghề giáo

Nghề giáo là nghề cao quý, cái nghề được xã hội tôn vinh, nể trọng, một nghề có tình đặc thù riêng nên khi đưa giáo viên rời biên chế thì phải có cơ sở pháp lý theo luật riêng.

Tất cả liên quan đến tuyển dụng, đãi ngộ, cân nhắc, sử dụng cần được điều chỉnh bằng Luật nhà giáo. Trong Luật nhà giáo chúng ta cần có tính toán rất nhiều chiều để đảm bảo quyền lợi của giáo viên.

Luật pháp phải đảm bảo được quyền lợi của giáo viên tốt hơn

Như vậy, để cụ thể hóa việc xóa biên chế đối với giáo viên thì vai trò của Luật nhà giáo là rất quan trọng, bà có thể phân tích thêm về điều này được không?

- Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh: Đúng vậy, khi giáo viên không là viên chức, không tuyển dụng theo viên chức, không là công chức được tuyển dụng theo công chức thì họ phải là nhà giáo tuyển dụng theo Luật nhà giáo.

Điều cần thiết hiện nay là xây dựng Luật nhà giáo để có cơ sở pháp lý đưa giáo viên ra khỏi biên chế nhà nước. 

Phải có Luật nhà giáo để điều chỉnh đội ngũ giáo viên. Điều này xuất phát từ đặc thù của nghề giáo, vì ngoài là người lao động thì nhà giáo rất cao quý. 

Ví như, giáo viên mầm non ngoài dạy học họ còn thay mặt bố mẹ các em bảo vệ các em không bị bạo hành xâm hại, phải gánh vác việc bảo vệ các em không bị buôn bán, bắt cóc. 

Các cô giáo không chỉ dạy học mà còn giáo dục đạo đức lối sống cho các em, là tấm gương thực sự trước mặt các em và kết nối chặt chẽ giữa gia đình, xã hội.

Những đặc thù này là lý do cần thiết phải ra đời Luật nhà giáo.

 Muốn xóa biên chế giáo viên phải xây dựng được Luật nhà giáo ảnh 5Bỏ biên chế, có còn chỗ cho giáo viên dám đấu tranh?


Khi có Luật nhà giáo thì những đặc thù nghề nghiệp sẽ được tính hết và nhà giáo sẽ được hưởng đãi ngộ xứng đáng với những gì mình cống hiến.

Chứ như hiện nay, nhà giáo vẫn chưa được hưởng các phụ cấp tương xứng với những gì đã đóng góp.

Ngoài ra, Luật nhà giáo sẽ hạn chế được những bất cập hiện nay của giáo dục như vấn đề tuyển dụng, cân nhắc, đãi ngộ trong tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Khắc phục được tình trạng bố trí giáo viên bộ môn này đi dạy bộ môn kia. Điều chuyển giáo viên từ dạy các cấp học xuống dạy mầm non…

Với những điểm ưu việt trên, sự ra đời của Luật nhà giáo là rất cần thiết và tôi đang kiến nghị xây dựng Luật nhà giáo vào kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Khóa 14. 

Liên quan đến xóa bỏ biên chế trong giáo viên, bà còn có ý kiến góp gì nữa không?

- Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh: Ngoài Luật nhà giáo cũng cần thiết ban hành Luật hợp tác công tư.

Cần phải quy định rõ trách nhiệm của nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập để đảm bảo sự phát triển bền vững của các cơ sở này.

 Muốn xóa biên chế giáo viên phải xây dựng được Luật nhà giáo ảnh 6Thầy giáo hiến kế bỏ công chức, viên chức giáo viên

Qua đó giúp nhà giáo và đông đảo phụ huynh học sinh yên tâm, tin tưởng khi tham gia giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập. 

Cơ chế “xin – cho” được thay bằng các tiêu chí rõ ràng và làm rõ trách nhiệm của nhà nước, của nhà đầu tư đối với xã hội nói chung và đối với mỗi người dân nói riêng tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.

Ngoài ra, chế độ lương hưu và phụ cấp thâm niên của nhà giáo khi không còn biên chế vẫn phải được duy trì.

Nhà nước sẽ phải có chính sách phù hợp để giúp những thầy cô chuyển đổi nghề nghiệp khi thầy cô không thể thích ứng với yêu cầu đòi hỏi của giai đoạn mới.

Tôi rất mong muốn, Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 để cho ý kiến và thông qua Luật nhà giáo cùng với Luật Hợp tác công tư.

Cần phải cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) vể đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Đặc biệt là việc cụ thể hóa nội dung mà Nghị quyết đã đề cập: "Lương của Nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng..;
Tiến tới bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với người học ở trường công lập và trường ngoài công lập...”.

Trân trọng cảm ơn bà!

Trinh Phúc (thực hiện)