Ngày 2/10/2018, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo, góp ý cho dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Khai mạc hội thảo, bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, sau nhiều lần góp ý, sửa đổi, thì cho đến nay, Luật Giáo dục (sửa đổi) đã có hai điểm mới.
Đó là: Miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, cấp trung học cơ sở công lập, hỗ trợ đóng học phí cho trẻ thuộc diện phổ cập đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non và tiểu học, thêm một số chính sách đối với người học, nhà giáo, nhiệm vụ quyền hạn của nhà trường.
Dưới góc độ của một nhà quản lý ngành giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Luật Giáo dục (sửa đổi) chỉ nên quy định hai loại hình trường là công lập (vốn của Nhà nước), ngoài công lập (vốn của tư nhân, cá nhân hay tổ chức).
Toàn cảnh buổi hội thảo do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/10 (ảnh: P.L) |
Việc phân chia loại hình đầu tư như vậy, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn cho việc quản lý.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng cần định nghĩa thêm nhà giáo ngoài những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, còn có những người làm công tác quản lý như Hiệu trưởng, cán bộ ở Phòng hay Sở Giáo dục.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giải thích: Bởi lẽ, thực tế Hiệu trưởng vẫn phải tham gia làm công tác giảng dạy ở nhà trường, hay hết làm Hiệu trưởng thì lại quay về giảng dạy.
Việc quy định như cũ sẽ làm thiệt thòi cho một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo đang làm công tác quản lý trong ngành giáo dục.
Nêu quan điểm đồng tình với ý kiến này, đại diện lãnh đạo Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 bày tỏ: Thầy cô giáo được lấy lên Phòng, Sở phải là những người có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị tốt.
Tuy nhiên, khi lên đây họ sẽ không còn là nhà giáo nữa, mà chuyển sang ngạch công chức, quyền lợi, phụ cấp của họ mất hết, mà trở về ngạch công chức, thì vô hình chung, thuyết phục họ đi lên đây công tác sẽ rất khó khăn.
Nêu ý kiến của mình tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo – nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn: Các điều trong Luật Giáo dục (sửa đổi) cái nào quy định được, thì nên nêu rõ ràng, chứ nội dung cứ chung chung, khó hiểu, dông dài, phương pháp, chủ trương đổi mới giáo dục có nhiều, nhưng vẫn chưa làm được, vẫn còn cách học từ chương, học thuộc lòng.
“Có những vấn đề đã thấy từ rất lâu, nhưng nếu không nói mạnh hơn, quy định rõ ràng, thì nói hoài sẽ vẫn không hiệu quả” – bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.
Bà Phạm Phương Thảo đề xuất, nên lùi thời hạn nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non và tiểu học (phải có băng cao đẳng, đại học), từ năm 2026 đến 2028.
Việc thực hiện gấp rút như vậy có kịp và đảm bảo chất lượng không? Thành phố thì được, còn các địa phương khác thì sao? Những người chưa được đào tạo kịp thì sẽ như thế nào?
Luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị: Luật Giáo dục (sửa đổi) không nên đưa vào những hiện tượng không phổ biến, việc khen thưởng, xử phạt phải có danh hiệu rõ ràng, không nên đánh giá theo tiêu chí, danh hiệu chung chung như hiện nay, thiếu tính khích lệ với người dạy và người học.