Gần đây, chuyện giảm biên chế giáo viên theo Nghị quyết số 19 của Trung ương năm 2017 gây ra nhiều tranh cãi, theo lãnh đạo nhiều địa phương thì đây là vấn đề khó khăn, mâu thuẫn.
Nghị quyết này đặt mục tiêu đến năm 2021 "giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính)".
Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết, việc giảm biên chế giáo viên mâu thuẫn với thực tế là tỷ lệ học sinh đến lớp và nhu cầu học tập của các em tăng cao.
Cũng như nhiều tỉnh, Phú Thọ đã tiến hành rà soát quy hoạch bằng sáp nhập các trường, giải thể trường nhỏ…
"Phú Thọ có 24.000 cán bộ giáo viên biên chế, nếu cắt 10% thì phải giảm 2.400. Tuy nhiên, chúng tôi lại thiếu giáo viên mầm non gay gắt. Các thầy cô ở bậc này lương đã thấp mà chúng ta lại không cho hợp đồng, trong khi trẻ có nhu cầu đến lớp cao", ông San nói.
Hơn nữa theo nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành và dẫn tới việc hơn 1.400 giáo viên ở Cà Mau bị xem xét cắt hợp đồng, 500 giáo viên Đắk Lắk, hơn 400 giáo viên Thanh Oai (Hà Nội) bị chấm dứt hợp đồng lao động để minh chứng việc giảm biên chế gây bức xúc.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, đối với vấn đề giáo dục thì yếu tố tiên phong phải là đảm bảo chất lượng. (Ảnh: Thùy Linh) |
Thừa nhận vấn đề này tại phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quy định cắt giảm biên chế đang tạo nên sức ép đối với ngành giáo dục.
Bởi lẽ số lượng giáo viên mầm non, tiểu học thiếu rất nhiều do 3 năm gần đây không tăng biên chế, Bộ Nội vụ không giao cho các địa phương, các địa phương phải căn chỉnh, co kéo mới sinh ra hợp đồng.
Cứ giảm biên chế giáo viên thì vài năm nữa lại đi xóa mù chữ |
Trước khó khăn này của ngành giáo dục, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, đối với vấn đề giáo dục thì yếu tố tiên phong phải là đảm bảo chất lượng.
Trong khi quy định của Bộ Giáo dục về số lượng giáo viên/lớp (không quá 35 học sinh/ lớp đối với Tiểu học; không quá 45 học sinh/ lớp đối với trung học), nếu quy mô lớp học vượt quá số học sinh này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nhưng quy mô lớp học thực tế hiện nay đặc biệt ở các thành phố lớn luôn cao hơn nhiều mức 35 học sinh.
Do đó, khi Bộ Nội vụ quyết định giảm biên chế giáo viên thì cần căn cứ vào định mức đó để xem xét chứ không thể giảm máy móc 10%, không thể giảm giáo viên theo tỷ lệ đầu lớp.
Để ngành giáo dục thực hiện tốt Nghị quyết số 19, ông Nhĩ đề xuất, hiện nay bậc tiểu học, trung học cơ sở đều do xã, phường quản lý nên có thể nhập đội ngũ quản lý của hai bậc học này để tinh giản biên chế mà không ảnh hưởng tới chất lượng.
Nói rõ hơn về ý kiến của mình, ông Nhĩ cho rằng: “Đội ngũ giáo viên thì giữ y nguyên, các tổ bộ môn vẫn như hiện nay, giáo viên cấp nào dạy cấp đó nhưng cả 2 trường này nên chỉ cần 1 Hiệu trưởng quản lý chung và 1 hiệu phó phụ trách cấp Tiểu học, 1 hiệu phó phụ trách cấp Trung học cơ sở.
Như vậy ngoài tinh giản được biên chế về quản lý thì còn giảm được nhân viên thư viện, lao công, y tế học đường mà 2 cơ sở giáo dục lại sử dụng chung được cơ sở vật chất để đảm bảo nâng cao chất lượng”.