Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ngày 24/9 với sự tham dự trả lời trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng về việc trường lớp tăng, học sinh tăng mạnh theo từng năm trong khi giáo viên thiếu nghiêm trọng nhưng lại phải cắt giảm biên chế 10% mỗi năm.
Báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết hiện có 29 tỉnh đề nghị bổ sung 40.447 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2018.
Và tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung nhiều nhất với 7.519 biên chế.
Ông Phan Thanh Bình (đứng) - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đặt vấn đề: “Quan điểm của chúng ta giáo dục là quốc sách, không hiểu Bộ Nội vụ đánh giá “quốc sách” là như thế nào. Và nếu trong trường hợp các quy định đều nói rằng y tế, giáo dục đều cắt giảm 10% như các ngành khác thì không đáp ứng được thực tế. Quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề này như thế nào?..." (Ảnh: Thùy Linh) |
Trong khi đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, tính đến 15/8/2018, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; Trung học cơ sở: 10.143 người và Trung học phổ thông: 3.161 người).
Riêng cấp Trung học cơ sở, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/ thành phố nên đến thời điểm hiện tại mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên trung học cơ sở nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở.
Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định chính quy định chung về viên chức áp vào giáo viên dẫn tới những phức tạp mà hiện nay chúng ta đang phải xử lý.
Cũng theo ông Nhạ, quy định cắt giảm biên chế đang tạo nên sức ép đối với ngành giáo dục. Bởi lẽ số lượng giáo viên mầm non, tiểu học thiếu rất nhiều do 3 năm gần đây không tăng biên chế, Bộ Nội vụ không giao cho các địa phương, các địa phương phải căn chỉnh, co kéo mới sinh ra hợp đồng.
“Tôi đề nghị phải giải quyết dứt điểm”, ông Nhạ dứt khoát.
Chính sách hợp đồng là bất cập và tội nghiệp đối với giáo viên |
Ông Nhạ cũng thẳng thắn cho rằng, đặt vấn đề giáo viên như một viên chức rất bất cập nên có những giáo viên mới ra trường, chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu nhưng lại hưởng mức lương khởi điểm của viên chức, từ đó không tạo động lực cho họ gắn bó và phấn đấu.
“Chúng tôi rất muốn trong Luật Giáo dục tới đây cũng như khi sửa Luật Viên chức sẽ có quy định riêng đối với nhà giáo để thể hiện được được sự quan tâm cũng như khẳng định vai trò, vị thế của giáo viên từ đó mới tạo động lực cho đội ngũ này”, ông Nhạ nói.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giáo viên chắc chắn phải là viên chức đặc thù bởi lẽ người đi truyền thụ kiến thức cho con cái người khác mà quy giống với một nhân viên hành chính hay nhân viên cấp giấy phép lái xe… là không đúng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Duy Thăng lại cho rằng: “Theo phân công lao động thì ngành nào cũng là ngành đặc thù, chứ nói ngành này đặc thù, ngành kia không đặc thù là không đúng”.
Trước ý kiến này, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đặt vấn đề:
“Quan điểm của chúng ta giáo dục là quốc sách, không hiểu Bộ Nội vụ đánh giá “quốc sách” là như thế nào.
Và nếu trong trường hợp các quy định đều nói rằng y tế, giáo dục đều cắt giảm 10% như các ngành khác thì không đáp ứng được thực tế. Quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề này như thế nào?
Hay cứ đánh giá chung đều là viên chức nên “cắt” như nhau khi nhà nước gọi là quốc sách và dành 20% ngân sách cho giáo dục?”.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng việc giảm 10% biên chế thì giao cho địa phương giảm trên tổng biên chế sự nghiệp chứ không phải giảm riêng ngành giáo dục.