Người lớn tranh cãi việc "cô giáo bị quỳ gối" chỉ gây tổn thương cho học sinh

10/03/2018 07:46
DU THIÊN
(GDVN) -"Chúng ta không nên tranh cãi theo hướng ai đúng ai sai nữa bởi sự việc đã xảy ra rồi, càng tranh cãi càng gây tổn thương về mặt tâm lý và việc học của các em".

Hành vi bắt cô giáo quỳ là không thể chấp nhận được

Hôm 8/3, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ vì trách phạt học sinh xảy ra tại trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là rất đáng lên án.

Giáo sư Đinh Quang Báo nói rõ: "Tôi không xem hành vi trách phạt học sinh của giáo viên trường tiểu học Bình Chánh trong vụ việc nói trên sẽ gây ảnh hưởng tới nhân cách của các em.

Nếu đặt sự việc này trong bối cảnh sinh hoạt gia đình thì đó là chuyện bình thường. Chắc chắn cũng không ít lần cha mẹ la mắng, thậm chí đánh con vì hành vi không kiểm soát của trẻ.

Cho nên, trong vụ việc này, các em cũng sẽ không nghĩ rằng mình bị cô giáo làm nhục hoặc hành hạ. 

Tuy nhiên, trong sự việc này, giáo viên áp dụng phương pháp dạy học (trách phạt học sinh) theo kiểu cổ điển, chưa phù hợp với thực tế hiện nay.

Ngày nay, khoa học giáo dục, khoa học tâm lý phát triển, người ta không dùng các biện pháp ấy khi giáo dục học sinh có những hành vi không tốt.

Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Xuân Trung.
Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Xuân Trung.

Ngược lại, khi phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi là hành vi rất đáng lên án cần phải có hình thức xử lý nghiêm để làm gương cho xã hội", Giáo sư Đinh Quang Báo nêu ý kiến. 

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, việc Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Chánh thờ ơ, bỏ đi, mặc cho cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh là hành vi đáng buồn trong môi trường sư phạm.

"Thật đáng buồn và không thể chấp nhận được việc giáo viên bị quỳ gối nhưng Hiệu trưởng lại bỏ đi.

Đồng nghiệp cũng đồng thời là cấp dưới của họ đang trong hoàn cảnh như vậy mà họ không có ý kiến gì thì không hiểu nhận thức của họ như thế nào", Giáo sư Đinh Quang Báo chia sẻ.

Nên dừng chuyện tranh cãi đúng sai

Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng, việc giáo dục nói chung và giáo dục trẻ em nói riêng luôn luôn đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng xã hội và nhất là đòi hỏi sự quan tâm đúng cách của nhà trường, gia đình và mọi người trong xã hội.

Trường tiểu học Bình Chánh nơi xảy ra sự việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi vì trách phạt học sinh. Ảnh: Hưng Long/giaoduc.net.vn.
Trường tiểu học Bình Chánh nơi xảy ra sự việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi vì trách phạt học sinh. Ảnh: Hưng Long/giaoduc.net.vn.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, mối quan hệ giữa gia đình nhà trường trong việc giáo dục trẻ đã bị cắt đứt gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và việc học tập của các em.

"Vụ việc giáo viên bị quỳ gối để xin lỗi phụ huynh là hiện tượng vô cùng hy hữu. Từ bé đến lớn tôi chưa bao giờ thấy chuyện này xảy ra trong môi trường giáo dục. 

Nhưng đến thời điểm này, chúng ta không nên tranh cãi theo hướng ai đúng ai sai nữa bởi sự việc đã xảy ra, càng tranh cãi càng gây tổn thương về mặt tâm lý và việc học của các em.

Thay vì việc đổ lỗi cho nhau, người lớn nên cùng nhau tập trung giải quyết sự việc một cách hài hòa, nhanh nhất để ổn định tình hình, tránh gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.

Theo đó, giáo viên cũng phải nhận thấy những điều chưa hợp lý trong việc trách phạt học sinh, từ đó có hướng khắc phục, rút kinh nghiệm.

Người lớn tranh cãi việc "cô giáo bị quỳ gối" chỉ gây tổn thương cho học sinh ảnh 3

Nhân chứng nói vợ chồng ông Võ Hòa Thuận không chỉ ép mà còn ác với cô giáo

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần xem xét lại hành vi không chuẩn mực của mình đối với giáo viên, từ đó phối hợp với nhà trường để giáo dục, uốn nắn, điều chỉnh hành vi của trẻ cho phù hợp", Giáo sư Đinh Quang Báo nêu ý kiến.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, thời gian gần đây, những tiêu cực trong giáo dục, đặc biệt là hành vi vi phạm của trẻ gây tác động xấu tới môi trường giáo dục có nguyên nhân từ công tác quản lý giáo dục của nhà trường, gia đình chưa tốt...

"Xã hội càng phát triển, các em càng có cơ hội sớm tiếp cận với những luồng thông tin đa dạng.

Những vấn đề được cho là "nhạy cảm" của đời sống xã hội được lan truyền với tốc độ chóng mặt, trong khi bản thân các em chưa đủ nhận thức để định hướng bản thân trước những thông tin có tính độc hại.

Điều này sẽ tạo nên những hệ lụy khó lường, thậm chí tác động tiêu cực tới hành vi của học sinh trong thực tế.

Do đó, những hành vi tiêu cực từ phía học sinh xảy ra trong thời gian vừa qua để lại những bài học lớn trong việc giáo dục nhân cách, tri thức cho học sinh, đặc biệt là việc phát huy hơn nữa vai trò của nhà trường, gia đình trong hoạt động này", Giáo sư Đinh Quang Báo đánh giá.

DU THIÊN