LTS: Bày tỏ sự bức xúc khi đồng nghiệp buộc phải quỳ trước các phụ huynh 40 phút, thầy giáo Nhật Duy nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo nhà trường cũng như các đoàn thể trong nhà trường trong việc xử lý tình huống này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Mấy ngày qua, dư luận cả nước đều bất bình trước sự việc phụ huynh bắt giáo viên phải quỳ gối suốt 40 phút đồng hồ.
Rõ ràng, đây là một sự tha hóa về đạo đức không chỉ nằm ở những phụ huynh học sinh mà còn liên đới đến rất nhiều người.
Tại sao trong một cơ quan nhà nước mà lại để phụ huynh vào đơn vị của mình quản lý để hành hạ giáo viên suốt một thời gian dài như vậy?
Tại sao có các đoàn thể trong nhà trường mà họ đã ngoảnh mặt làm ngơ trước sự việc?
Thời gian gần đây, chúng ta đã thấy nhiều trường hợp giáo viên bị phụ huynh hành hung hoặc có những thái độ không tốt trong ứng xử.
Dĩ nhiên, những trường hợp như vậy có phần nguyên nhân xuất phát từ phía giáo viên.
Tất cả các đoàn thể nhà trường đi đâu mà để giáo viên quỳ gối 40 phút? (Ảnh mang tính minh họa trên hanoitv.vn) |
Một số thầy cô gặp sự cố này phần lớn đều là những giáo viên trẻ, ít tuổi nghề. Có thể kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy chưa phù hợp mà trường hợp như cô giáo ở Bến Lức, Long An vừa qua là một ví dụ.
Dù nói thế nào đi chăng nữa thì việc giáo viên bắt học sinh phải quỳ trong thời điểm hiện nay cũng điều không phù hợp với môi trường giáo dục. Nhất là các em học sinh đó lại là học sinh tiểu học.
Cô giáo đã sai không chỉ với các quy định hiện hành mà còn cho thấy phương pháp giáo dục này chưa hề phù hợp, có phần phản cảm.
Tuy nhiên, từ những sai sót của cô giáo đã dẫn đến những sai phạm mang tính ác ý của phụ huynh.
Chỉ tiếc, người bắt cô giáo quỳ lại là một luật sư - người đã được học, được tiếp xúc với rất nhiều văn bản luật hiện hành.
Tuy nhiên, sự việc này đã có nhiều bài báo phân tích khá kỹ, chúng tôi không lặp lại.
Điều chúng tôi muốn nói ở đây là tại sao các đoàn thể trong trường lại đứng ngoài cuộc khi biết giáo viên của mình bị người bên ngoài vào hành hạ suốt 40 phút đồng hồ.
Họ sợ trách nhiệm, sợ phụ huynh hay chính là sự dửng dưng, vô cảm, thoái thác vai trò, trách nhiệm mà mình đang đảm nhận.
Cô giáo bị bắt quỳ đã rất mong muốn được cứu giúp nhưng Hiệu trưởng bỏ đi |
Khi sự việc bắt đầu có nhiều người, có hiệu trưởng, có Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, có Trưởng chi hội phụ huynh của lớp cô giáo chủ nhiệm.
Nhưng, Hiệu trưởng đã bỏ mặc giáo viên để đi dự giờ.
Tại sao lại đi dự giờ khi mà mình đóng vai trò thủ trưởng đơn vị, khi mà người gặp nạn lại chính là cấp dưới, là đồng nghiệp của mình?
Việc dự giờ có quan trọng lắm không, xin thưa rằng chẳng có gì quan trọng cả bởi vì đây là công việc thường xuyên của nhà trường.
Nếu dự giờ giáo viên giỏi thì ban giám khảo bao giờ cũng có 3 người, hiệu trưởng vắng vẫn còn 2 người dự.
Nếu là dự giờ để nắm tình hình giảng dạy thì dự lúc nào mà chẳng được.
Cả năm học với 9 tháng trời ròng rã mà trường tiểu học thì có bao nhiêu người đâu mà phải gấp như vậy?
Hoặc nếu cần thiết bắt buộc phải dự giờ thì vẫn còn phó hiệu trưởng nhà trường có thể thay mình cơ mà. Tại sao hiệu trưởng lại bỏ đi giữa lúc nước sôi lửa bỏng như vậy?
Vai trò của Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh có mặt trong lúc đầu cũng bỏ đi luôn.
Tại sao cũng là một người trong cùng địa bàn mà mình lại là Trưởng ban đại diện mà vị này không có những dàn xếp ổn thỏa?
Trưởng ban đại diện phụ huynh của lớp học cũng chẳng giải quyết được gì…Phải chăng tất cả các người có mặt đều sợ phụ huynh Võ Hòa Thuận?
Điều chúng tôi cảm thấy thắc mắc nữa là Ban chấp hành Công đoàn nhà trường đã ở đâu?
Bởi trong quy định nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn là bảo vệ hợp pháp quyền lợi, danh dự công đoàn viên mà cả một Ban chấp hành Công đoàn có nhiều người mà không thấy tăm hơi đâu cả.
Rồi ban Thanh tra nhân dân, Bí thư Chi đoàn, Tổng phụ trách Đội, giáo viên trong nhà trường đều đứng ngoài cuộc…
Cô giáo phải chịu trận để quỳ trong văn phòng (mà khuôn viên trường có lớn lao gì đâu, các phòng thường thiết kế gần nhau) trước mặt cha mẹ học sinh…
Hàng chục con người là đồng nghiệp của cô giáo bị nạn đã dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau của đồng nghiệp.
Thôi thì cứ cho rằng cái ông cha mẹ học sinh kia là đại ca, là đầu gấu, là ông nọ, ông kia nên sợ không dám nói thì tiếc gì một cuộc điện thoại ra Ủy ban nhân nhân, ra công an xã (phường) để nhờ họ vào can thiệp, giải cứu cho đồng nghiệp của mình.
Nhưng, tất cả đã không làm và có lẽ ai cũng cho rằng việc ai làm người đó chịu thì phải!
Từ sự việc này, cho chúng ta thấy rằng tất cả các đoàn thể nhà trường ở đây đã bị tê liệt hoàn toàn.
Vậy, sự tồn tại của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường để làm gì? Lãnh đạo địa phương, giáo viên trong trường đã phân công, giới thiệu bầu bán họ đảm nhận đứng đầu đoàn thể để làm gì?
Thiết nghĩ, sau sự việc này mỗi thầy cô giáo cũng cần xem đây là bài học cho riêng mình khi giảng dạy và uốn nắn học trò. Những hình phạt (nếu có) cũng cần phải phải phù hợp với môi trường giáo dục.
Bởi, nhiều phụ huynh ngày nay họ xem con họ là những “cục vàng, cục ngọc” nên đụng đến con họ là họ làm đến cùng, làm đến khi hả dạ.
Các đoàn thể nhà trường từ Ban giám hiệu trở xuống đã ngoảnh mặt làm ngơ nên không có ai cứu mình mà mình phải tự cứu mình trước đã.