LTS: Ủng hộ lời kêu cứu của nhà giáo Hồng Phong ở bài viết này, nhà giáo Tuyết Anh hôm nay đặt thêm nhiều câu hỏi cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương khi lo ngại nhà trường bị biến thành...cái chợ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong bối cảnh thừa 4000 giáo viên và trong đó 1200 giáo viên bị nợ lương đến 3 tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương vẫn cấp phép cho 8 công ty dạy kĩ năng sống hoạt động.
Có phải giáo dục tiểu học là mảnh đất lắm màu khiến các trung tâm kia tìm cách kí sinh trên đó?
Một tiết học kỹ năng sống cho học sinh ở Hải Dương (nguồn apolloedu.vn) |
8 trung tâm đang làm gì trên 12 huyện, thành?
Tranh thủ chủ trương của ngành giáo dục là tăng cường dạy kĩ năng sống cho học sinh, nhiều trung tâm dạy kĩ năng sống ra đời.
Không biết ở các tỉnh khác thế nào chứ ở Hải Dương thì các trung tâm mọc lên như nấm.
Một phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã chỉ ra 8 trung tâm kĩ năng sống đóng trên địa bàn thành phố Hải Dương là:
Trung tâm Đức Trí,
Trung tâm Javico,
Trung tâm Apollo-edu,
Trung tâm Thiên An,
Công ty Việt Anh,
Trung tâm Easy,
Trung tâm Poki,
Tổ Giáo dục Kỹ năng sống của Cao đẳng Hải Dương.
Lợi lộc gì mà Hải Dương cấp phép cho 8 công ty dạy kỹ năng sống? |
Hiện nay, 8 trung tâm này đang dạy thực hành kĩ năng sống chủ yếu ở cấp tiểu học Hải Dương.
Ở Thành phố Hải Dương, hầu hết các trường tiểu học thuê các trung tâm này vào dạy.
Ở 11 huyện của Hải Dương thì các trung tâm phủ song gần như kín (chỉ còn một số đơn vị do hiệu trưởng “cứng đầu” nên chưa thuê công ty vào dạy mà thôi).
Ở Hải Dương, ai cũng biết mỗi học sinh phải đóng 50.000 đồng /tháng cho 1 tiết/tuần dạy kĩ năng sống là quá đắt nhưng vì nhà các nhà trường nói “nếu con bác không học kĩ năng sống thì học nội dung khác” nên các cha mẹ học sinh bấm bụng đóng cho xong.
Giáo viên của các trung tâm thì đúng là “biển trời mênh mông”, chẳng ai biết các thầy cô ấy được đào tạo từ đâu.
Ai cũng hiểu, nếu được đào tạo bài bản, tay nghề cao thì chẳng ai đi dạy thuê cho trung tâm kĩ năng sống.
Còn nội dung các trung tâm kĩ năng sống dạy vào các nhà trường thì toàn “lí thuyết suông”.
Những bài học nghe qua đã thấy chỉ nặng lí thuyết như: Tự tin trong giao tiếp; Quyết định sáng suốt; Hai bán cầu não;… chỉ làm cho học sinh thêm quá tải chứ chẳng ích gì.
Nói không thể từ chối cấp phép có đúng không?
Trả lời báo chí, ông Vũ Văn Lương Giám đốc Sở Giáo dục Hải Dương nói rằng các trung tâm có đủ điều kiện và hồ sơ nên không thể từ chối cấp phép (Báo Giáo dục Việt Nam ngày 22/01).
Nói như ông Giám đốc Sở, tức là cứ có đủ điều kiện là cấp phép cho hoạt động. Còn nhu cầu thực tế giáo dục ông không cần biết!?.
Hơn 2000 giáo viên hợp đồng ở Hải Dương đã "có cơm ăn" đến tháng 5 năm nay |
Nói cách khác, ông cứ kí cấp phép cho hoạt động để rồi sau đó các trung tâm tìm cách xâm nhập vào hoạt động giáo dục của nhà trường.
Trung tâm nào khéo chèo kéo thì thu nhiều lợi. Những vấn đề liên quan, ông không quan tâm.
Vậy là ở Hải Dương, nhà trường bỗng nhiên biến thành một kiểu chợ.
Chợ này khác chợ trời ở chỗ khách hàng toàn cha mẹ học sinh. Khác chỗ nữa là vào chợ này thì không muốn vẫn phải mua với giá đắt.
Thử hỏi, chỉ là một tỉnh lẻ ở Bắc Bộ, kinh tế ở mức trung bình, cha mẹ học sinh chủ yếu làm ruộng, vậy mà cùng lúc 8 trung tâm kĩ năng sống cạnh tranh nhau trên học đường thì còn gì là sự lành mạnh của giáo dục.
Những tháng cuối năm 2017, Hải Dương đang nóng trên các mặt báo về vấn đề nợ lương 1200 giáo viên và dư thừa giáo viên đến nỗi 4000 giáo viên hợp đồng nguy cơ mất việc trong năm 2018.
Vậy mà sao Sở Giáo dục Hải Dương không dành chỗ cho mấy nghìn giáo viên này mà lại cấp phép cho 8 trung tâm ngoài vào nhà trường hoạt động.
Phải chăng, giáo dục Hải Dương là mảnh đất lắm màu để hàng loạt trung tâm và công ty kinh doanh sống kí sinh vào đó?