Những tranh cãi về mô hình Trường học mới áp dụng tại Việt Nam (VNEN) thôi thúc người viết tìm hiểu xem, mô hình này đã ra đời, phát triển và thành công như thế nào ở Colombia? Tại sao nó thành công và được UNESCO, WB đánh giá cao, nhân rộng ra nhiều quốc gia khác?
Mô hình Trường học mới ra đời trong hoàn cảnh nào?
Mô hình Trường học mới xuất phát từ Colombia những năm 1970, tiếng Tây Ban Nha là Escuela Nueva, viết tắt là EN. Người xây dựng và phát triển mô hình này là bà Clara Victoria Colbert, con gái của nhà giáo lãnh đạo một trường trường sư phạm và một sĩ quan hải quân Mỹ.
Clara Victoria Colbert nghiên cứu xã hội học tại Đại học Stanford trước khi trở về Colombia làm việc.
Những năm 1970 trở về trước, "cách mạng" không còn là một khái niệm xa lạ với đất nước Colombia, bạo lực liên tục xảy ra và tiếp diễn trong xã hội Colombia trong nhiều thập kỷ.
Khi tốt nghiệp Đại học Stanfrod, Clara Victoria Colbert về nước và làm việc tại Bộ Giáo dục Colombia. Bà nhận thấy, nếu không có một nền giáo dục cơ bản, không hy vọng thay đổi được tương lai.
Cô và trò một lớp học theo mô hình EN tại Colombia, ảnh: npr.org. |
"Các nhà hoạt động xã hội luôn luôn muốn một sự thay đổi xã hội và đánh bại một hệ thống bằng cách nào đó. Tôi nhận ra chỉ có 2 cách để thực hiện sự thay đổi:
Một là làm cuộc cách mạng xã hội, hai là làm một cuộc cách mạng thầm lặng - cách mạng giáo dục.
Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng, nếu chúng ta không có một nền giáo dục cơ bản có chất lượng, sẽ chẳng đạt được gì, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng vậy.
Bạn không thể có sự phát triển xã hội, phát triển kinh tế, hòa bình và dân chủ. Đó là cách duy nhất."
Thời điểm đó, trẻ em nông thôn Colombia thường đi học trong các lớp ghép, với nền giáo dục cơ bản bắt buộc chỉ đến hết lớp 3.
Trong khi đó giáo viên ở Colombia thiếu trầm trọng. Hầu hết họ được đào tạo bằng cách "học vẹt" và sử dụng các biện pháp trừng phạt học sinh trong giáo dục.
Ngay sau khi trở về nước, Clara Victoria Colbert đã làm việc với một nhà giáo tên là Oscar Mogollón, hiệu trưởng một trường "thực nghiệm" ở Pamplona.
Ông đã làm việc với các cố vấn quốc tế để xây dựng một mô hình giáo dục gần như không tưởng:
Cho phép mỗi học sinh trong lớp ghép có thể làm việc theo tốc độ của riêng mình, đồng thời kết hợp thực hành các hoạt động, và ứng dụng vào thực tế các khái niệm trừu tượng một cách dân chủ và hợp tác.
Những ý tưởng này được lấy cảm hứng từ lý thuyết phát triển của Jean Piaget và phương pháp giáo dục tiến bộ của Maria Montessori, Reggio Emilia và John Dewey.
Bà Clara Victoria Colbert, người sáng lập mô hình Trường học mới ở Colomabi (EN), ảnh: Le Monde. |
Năm 1976, Mogollón và Clara Victoria Colbert hợp tác mở rộng hệ thống này. Họ dạy cho các giáo viên vốn không được đào tạo chính quy, cách dạy học sinh lớp ghép ở nhiều độ tuổi khác nhau, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vừa giúp bố mẹ làm việc kiếm sống, vừa đến trường.
Trong bối cảnh cụ thể đó của Colombia, điều này có thể chấp nhận được. [1]
Học sinh Trường học mới Colombia học tập như thế nào?
The New York Times ngày 28/2/2015 có một bài báo tường thuật về hoạt động học tập trong các ngôi trường EN ở Colombia với tiêu đề: "Hãy biến nhà trường trở thành nền dân chủ". [2]
David L. Kirp, tác giả bài báo đã đến một ngôi trường EN ở nông thôn Colombia và chứng kiến 30 đứa trẻ từ 5 tuổi đến 13 tuổi đang hăng say học tập.
Khác với lớp học truyền thống, học sinh cả lớp ngồi quay lên bảng nghe giáo viên giảng bài, ở đây các em ngồi quây thành từng nhóm theo độ tuổi và trao đổi với nhau.
Mỗi nhóm tương đương với một cấp lớp. Sau khi làm xong bài tập của riêng mình, học sinh sẽ xem xét chéo kết quả làm bài của các bạn khác. Nếu một học sinh nào đó đang gặp khó khăn, những học sinh khác sẽ giúp đỡ.
Trong khi nhóm học sinh lớp 2 đang tập viết đoạn văn, thì nhóm học sinh lớp 5 đang làm thí nghiệm về sự khúc xạ của ánh sáng khi đi qua nước.
Giáo viên di chuyển giữa các nhóm, đứng bên cạnh, đọc bài làm của các em và cho ý kiến nhận xét về công việc của chúng.
VNEN - Rằng hay cũng lắm điều hay... |
Ngoài trường học là những luống rau, quả do chính các em trồng và là nguyên vật liệu chủ lực trong các bữa ăn thường được nấu nướng theo cách cha mẹ các em vẫn làm ở gia đình.
Năm 1992, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, mô hình EN của Colombia đã giúp rất nhiều trẻ em nghèo được đến trường theo cách vừa học vừa làm chứ không bị gián đoạn như khi theo học mô hình truyền thống.
Một nghiên cứu của UNESCO năm 2000 phát hiện ra rằng, bên cạnh Cuba thì Colombia đã làm được công việc tốt nhất ở châu Mỹ - Latinh trong việc phổ cập giáo dục đến trẻ em nông thôn.
Đây là quốc gia duy nhất trong đó các trường học ở nông thôn lại tốt hơn trường ở đô thị.
Bởi lẽ trẻ em nghèo ở các nước đang phát triển thường bỏ học chỉ sau 1, 2 năm, vì gia đình các em không nhận thấy mối liên hệ nào giữa giáo dục với cuộc sống thực tế của họ.
Nhiều học sinh nông thôn nhà nghèo có khả năng bỏ học cao hơn khi theo học các trường truyền thống.
EN hầu như chưa được biết đến tại Hoa Kỳ, mặc dù nó dành được nhiều giải thưởng quốc tế, ngay cả khi tác giả của nó, bà Clara Victoria Colbert chính là người đầu tiên nhận giải thưởng Công dân toàn cầu Clinton. [1]
Học sinh học theo mô hình Ngôi trường mới ở Colombia được dạy những gì, và học ra để làm gì?
Năm 1982, Hiệp hội Những người trồng cà phê Colombia (FNC) đã bảo trợ cho dự án EN nhằm mục đích giúp đỡ tất cả các trẻ em ở khu vực nông thôn Colombia được tiếp cận với giáo dục tiểu học.
Điều thú vị nhất là, mô hình sản xuất cà phê đã được đưa vào chương trình giảng dạy của EN, kể cả trong môn tiếng Anh, khoa học xã hội cũng như môn toán. Những kiến thức các em học được sẽ được áp dụng trực tiếp trên các trang trại cà phê.
FNC đã mở rộng mô hình giáo dục EN từ cấp tiểu học lên đến cấp đại học với mô hình Universidad en el Campo (đại học ở thôn quê), đào tạo các kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực cà phê.
Học sinh EN được học các kiến thức về cà phê ở trường, sau đó lại được áp dụng vào công việc và cuộc sống ở nhà. Hoạt động giáo dục trẻ em gần như liên quan đến toàn bộ cộng đồng.
EN thành công ở Colombia một phần là nhờ có FNC đỡ đầu, nhằm tạo nguồn nhân lực cho ngành trồng cà phê tại nước này. Ảnh minh họa: http://stir-tea-coffee.com/ |
Trong khi đó, mô hình Trường học mới EN chỉ là một trong nhiều dự án giáo dục mà FNC bảo trợ để xây dựng nguồn lực dài hạn cho ngành cà phê Colombia, ví dụ như dự án giáo dục Kachalú (niềm hy vọng mới) để đào tạo trẻ em trồng cà phê ở miền Bắc Colombia từ năm 2002. [3]
Những ưu việt và bất cập của mô hình Trường học mới Colombia
Để thực hiện tầm nhìn của mình, bà Clara Victoria Colbert đã phải nỗ lực rất nhiều với các vai trò khác nhau.
Bà thúc đẩy EN khi còn làm trong Bộ Giáo dục Colombia cuối những năm 1980. Sau đó do thay đổi Nội các, mô hình EN được giao cho các địa phương kiểm soát, và nhiều nơi đã từ bỏ mô hình này.
Vì vậy Clara Victoria Colbert đã làm việc với Liên Hợp Quốc để quốc tế hóa EN, cuối cùng nó lan rộng đến 17 quốc gia.
Ưu điểm đầu tiên của mô hình EN là chi phí thấp, rất phù hợp với vùng khó khăn và giải quyết tình trạng lớp ghép.
Hiện nay, EN chỉ phải tiêu tốn 30 USD cho mỗi học sinh một năm, thay vì chi phí trung bình 2000 USD cho một học sinh tiểu học theo mô hình truyền thống ở Colombia. [1]
Ưu điểm nổi bật thứ hai của mô hình EN, học sinh theo học mô hình này rất tự tin, tự lập và có kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Đồng thời những cái các em được học ở trường học EN hoàn toàn được ứng dụng trong cuộc sống.
Clara Victoria Colbert cho biết, thay vì dạy học sinh con sông nào dài nhất Ai Cập, EN dạy các em làm thế nào để giúp anh chị em, bạn bè của mình không chết vì bệnh tiêu chảy.
Ba câu hỏi lớn về VNEN chờ câu trả lời chi tiết từ Bộ Giáo dục |
Nội dung mô hình EN giáo dục cho học sinh gắn liền với cuộc sống, như tiêm chủng, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, hoặc làm thế nào để phân biệt cảm lạnh với các bệnh nhiễm trùng nặng đường hô hấp.
Học sinh EN không có nhiều sách giáo khoa, tất cả được tích hợp trong cuốn Hướng dẫn học tập, trông giống như một cuốn truyện tranh. Các khái niệm về ngôn ngữ mẹ đẻ, toán, khoa học xã hội được kết hợp trong mỗi bài học.
Mỗi bài học đều có một câu chuyện minh họa và những câu hỏi mở, những vấn đề thực hành ở lớp và hoạt động về nhà.
Học sinh EN cũng có thể nghỉ học giúp bố mẹ thu hoạch mùa màng, sau đó lại quay trở lại lớp học và tiếp tục, một điều không thể có trong mô hình giáo dục truyền thống.
Bất cập lớn nhất của EN khi đưa vào áp dụng trong thực tế là tính tùy tiện. Các "biến thể" của EN gây ra nhiều khó khăn để theo dõi kết quả. [1]
FNC xuất khẩu mô hình EN sang 17 nước, trong đó có Việt Nam
Phòng Truyền thông của FNC ngày 13/5/2014 cho biết, thông qua chính quyền tỉnh Caldas, Colombia, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã lựa chọn FNC là đơn vị giúp Việt Nam triển khai mô hình Trường học mới (VNEN).
Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định "nhập khẩu" EN vào Việt Nam sau chyến thăm quan đến các trường EN ở Caldas tháng 10 năm 2013. Ngân hàng Thế giới đứng ra tài trợ cho dự án này, thông qua Quỹ Hợp tác toàn cầu vì giáo dục (GPE).
Phòng Truyền thông của FNC dẫn lời ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết lý do tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam lựa chọn mô hình EN:
"Các bạn có một nền giáo dục rất thực tế để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, khuyến khích học sinh hoàn tất việc học của mình, học xong thì ở lại địa phương phát triển kinh tế.
Chúng tôi nhận thấy đây là một chính sách đúng đắn, phù hợp với xã hội hóa giáo dục. Giáo dục rất đa dạng, ví dụ chúng tôi rất quan tâm đến việc tổ chức quản trị lớp học."
Các địa phương đang tự nguyện áp dụng VNEN trong tư thế nào? |
Phòng Truyền thông của FNC cũng dẫn lời ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (thời điểm 2014 - người viết nhấn mạnh) nhận xét:
"Mô hình hợp tác công - tư rất có giá trị. Chúng tôi thấy rằng, giáo viên đã hướng dẫn thực hành và học sinh bây giờ cảm thấy tự tin hơn trong các hoạt động học tập của các em." [4]
Thay cho lời kết
Người viết nhận thấy, EN thành công tại Colombia và được WB, UNESCO đánh giá cao do đáp ứng đúng nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn: Mục tiêu, mục đích rõ ràng, đối tượng phù hợp.
Học sinh nông thôn, nhà nghèo không có điều kiện đến trường, vừa học vừa làm, học xong có thể ứng dụng vào cuộc sống và công việc - trồng cà phê. Đặc biệt mô hình này giải quyết rất tốt vấn đề lớp ghép, học sinh 3 tuổi học chung với học sinh 15 tuổi vẫn hiệu quả.
Mô hình EN không chỉ giúp phổ cập tiểu học, mà quan trọng hơn còn tạo công ăn việc làm cho học sinh nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giải quyết cả bài toán giáo dục lẫn bài toán kinh tế - xã hội tại một số địa phương cụ thể ở các nước đang phát triển.
Những năng lực, kỹ năng mô hình EN mang lại cho học sinh rất cần thiết, tiên tiến và phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống hiện đại mà mô hình truyền thống vẫn còn hạn chế: Tự tin, tự lập, làm việc nhóm, thuyết trình, đàm phán...rất đáng để tham khảo, học tập.
Tuy nhiên EN khó nhân rộng tại chính Colombia nếu không có các hiệp hội doanh nghiệp đỡ đầu, ví như FNC tại tỉnh Caldas.
Các nước tiên tiến như Hoa Kỳ không lựa chọn mô hình EN cho giáo dục của họ, đơn giản chỉ vì mục tiêu giáo dục của Hoa Kỳ khác Colombia.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://www.nytimes.com/2015/03/01/opinion/sunday/make-school-a-democracy.html?_r=0