Giám khảo chấm thi quốc gia, tiền công bèo bọt thua cả thợ xây

10/07/2018 07:08
Lư Nguyên
(GDVN) - Thầy cô đi làm thi chẳng khác cửu vạn - người làm thuê, tiền công bèo bọt và trách nhiệm nặng nề nên chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được.

LTS: Chia sẻ về tiền công chấm thi của các thầy cô giáo tham gia vào công tác chấm thi tại kì thi trung học phổ thông quốc gia, thầy giáo Lư Nguyên đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thầy cô giáo chấm thi rất phấn chấn trong buổi khai mạc khi nghe “các thầy cô tự hào là những cốt cán ưu tú, giỏi chuyên môn nghiệp vụ được lãnh đạo tin tưởng cử đến chấm thi…công tâm, công bằng và trách nhiệm cao…hãy coi thí sinh như con em mình…cần vận dụng sáng tạo hướng dẫn chấm…” và còn nhiều mĩ từ nữa.

Sau khai mạc nghiêm túc, là chấm thi căng thẳng, ăn vội ngủ vội, nơm nớp sợ sai và muộn giờ, mong chấm xong lấy tiền, được ít được nhiều anh chị em vội về không ai dám băn khoăn gì.

Chỉ lúc về tới nhà, con cháu ùa ra đòi quà mới thấm thía, thua bác thợ xây rồi.

Giám thị tiến hành chấm thi (Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong).
Giám thị tiến hành chấm thi (Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong).

Chuyện của người chỉ dùng bút đỏ 

Tháng 8/2008, chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vòng 2, Vĩnh Phúc tổ chức trên Tam Đảo núi cho mát, nhờ trường nội trú cấp 2 chứ tiền đâu thuê khách sạn như bây giờ.

Các giám khảo chấm thi cơm nước xong tối nào cũng tản bộ dọc khu Cầu Quỷ.

Mấy em môi đỏ mát như sương núi chào mời nhưng hết tốp này tốp khác qua mà vẫn thấy dửng dưng không chàng nào dừng lại dù một phút.

Tiếng cô gái cười phá tan sự tĩnh mịch của phố núi: “Các anh giám khảo ơi, cho em đổi bút anh lấy nải chuối rừng về cho cháu nhé”. Hóa ra, cái bút đỏ đã giúp thầy giám khảo thoát khỏi tình huống trớ trêu.

Về sau, chúng tôi không bị mời chào bao giờ nữa nên vẫn đủ tiền liên hoan thịt Dúi và mua bó rau su su to làm quà.

Yên Bái, Hà Giang mấy năm trước, công việc chấm thi tốt nghiệp mỗi năm mỗi khác diễn ra nghiêm hơn.

Giám khảo chấm thi quốc gia, tiền công bèo bọt thua cả thợ xây ảnh 2Xin thẳng thắn nói ra đây các lo lắng, áp lực đang đè lên các thầy cô

Đoàn thanh tra chấm chéo theo ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo chúng tôi đồng hành cùng thầy cô giám khảo miền sơn cước.

Anh chị em đi hàng trăm cây số từ khe dọc hẻo lánh ra phố từ hôm trước, rủ nhau tự thuê nhà nghỉ, giường đôi ghép 3. Sáng 1, chiều 1 tập 24 bài, chấm đổi nhau, nghỉ sớm.

Tiền trả 80 ngàn/người/ngày, trừ lại 10% thuế thu nhập nên gần như anh em phải ứng tiền chi tiêu ăn uống, về thanh toán công tác phí bù vào.

Chúng tôi, ăn ngủ tự túc, mỗi người 10 ngày được 800 ngàn đồng trừ 10% cầm về chỉ còn 720 ngàn đồng.

Miền núi, miền xuôi hiếm thấy thầy cô nào xung phong đi chấm thi. Phần lớn là trách nhiệm phải đi. Tiền công ít ỏi mà sơ sểnh là kỷ luật, là tức tốc bị gọi lên, mất tiền điện thoại, mất thi đua.

Thầy cô đi làm thi chẳng khác cửu vạn - người làm thuê, tiền công bèo bọt và trách nhiệm nặng nề nên chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được. Các cụ nhà ta bảo “trong chán, ngoài thèm” là thế.

Từ năm 2012, theo Thông tư 66/2012, liên bộ Tài chính và Giáo dục, tiền chấm thi khấm khá hơn.

Từ năm 2015, thi trung học phổ thông quốc gia theo cụm, theo Công văn 2584/2015 thầy cô coi thi, chấm thi tiền được nhiều hơn.

Trưa 6/7/2018, mấy anh em chấm văn mời tôi ra uống chút nhân dịp kết thúc chấm thi quốc gia tại T50 Vĩnh Yên.

Sau màn chào hỏi, chú em Quân Xuân Hòa, khoe: “Anh không đi, năm nay thiệt to. Bỗng dưng họ trả cho giám khảo 5 triệu 8, nghĩa là 18 ngàn đồng một bài tự luận”.

Mấy anh em cùng vui nhâm nhi từng cốc bia cỏ đăng đắng nên tôi cũng không nghi ngờ gì.

Giám khảo chấm thi quốc gia, tiền công bèo bọt thua cả thợ xây ảnh 3Nguyên tắc chấm thi trong kỳ thi quốc gia 2018

Thầy Đạt Yên Lạc, hỏi tiền công của thợ xây bây giờ bao nhiêu, anh biết không?

Tôi thủng thẳng: thợ chính 370 ngàn đồng, cơm trưa; thợ phụ 280 ngàn đồng, cơm trưa.

Bác chuẩn thế. Giá làng, ai chẳng biết. Tôi cảm ơn bằng đồng khởi một cốc.

Thế anh tin chúng em được 5,8 triệu đồng thật à - cậu Cương Bình Xuyên, cầm cốc mời tôi hỏi.

Thế con số thật là “mấy củ”?

Như năm ngoái thôi, 1,8 triệu đồng cho 5,5 ngày, nếu chia cho 5,5 ngày là 327.272,727 đồng/ngày, còn thua tay thợ xây bữa cơm trưa và bát bún mọc.

Nhưng các em vinh dự lắm, tin tưởng lắm mới được đi chấm, nhiều người mơ có được đâu, tôi an ủi anh em mà xót xa. Nắng thế, gió cũng ít mà tiền cũng ít lấy đâu thuê xe mà về.

Sau chuyện bóng đá world cup 2018, là chuyện chấm thi. Năm nay mỗi buổi một tập 30 bài, sáng 1 tập, chiều 1 tập, vẫn hai phòng cách biệt, quy trình chấm vẫn thế.

Khi chỉ còn Ngữ văn chấm bài tự luận thì hội đồng lưa thưa và buồn hẳn. Vài anh em cứ lủi thủi, nhỏ nhẹ giữa vòng vây gần 70 chị em.

Đề Văn và đáp án mở nhưng bài làm của học sinh vẫn lung tung phèng vậy, cậu Cương góp chuyện.

Từ ngữ của đề rất chính trị, thí sinh khó hiểu từ “sứ mệnh”, tự dưng cô cậu học trò thành người lãnh đạo, vai trò chỉ đạo.

Câu nghị luận văn học 5 điểm, phần lớn các bài cũng không hiểu gì về “cách nhìn hiện thực của hai tác giả”.

Kiến thức lý luận văn học có ai để ý đến để dạy học sinh đâu nên chủ yếu thí sinh kể lại truyện hay phân tích bốn chi tiết trong hai truyện.

Điểm trung bình nhiều là bởi các giám khảo cố vận dụng độ mở của đáp án trong đó có phần hình thức trình bày (câu viết đoạn: 1 điểm, câu nghị luận văn học: 1,5 điểm).

Giám khảo chấm thi quốc gia, tiền công bèo bọt thua cả thợ xây ảnh 4Bí mật của một Giám khảo 10 năm chấm thi

Nói chung, đề văn mới và lạ nên thí sinh khó tránh khỏi lúng túng. Bài ngắn quá, có bài lại viết dài hai ba tờ mà chẳng liên quan đến đề bài chút nào, thầy Đạt kết lại.

Câu chuyện rôm rả không làm giảm được cái oi nóng của trưa hè. Tôi ngồi lặng nghe anh em mà chạnh lòng thèm được trở lại tuổi xưa.

Ngoài kia, bầu trời thăm thẳm không một gợn mây nắng đổ lửa độ khắp nơi. Một tiếng cá quẫy làm xôn xao mặt nước Đầm Vạc yên bình.

Xa xa, những dám bèo xanh ngắt vẫn dửng dưng chen chúc vươn dậy đâu hiểu được niềm vinh hạnh lớn lao của thầy cô giám khảo trên đường về xa lắc và mệt mỏi liêu xiêu.

Trên giá sách thầy cô, lại thêm một cáp giám khảo và khay bút thêm cây bút đỏ mà không biết còn viết được mấy con số nữa. Thói quen, không ai nỡ bỏ lại cây bút may mắn của mình.

Giám khảo thua thợ xây

Số tiền giám khảo môn Ngữ văn chấm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của một số tỉnh được trả theo đơn vị ngày. Nhờ đồng nghiệp, chúng tôi tạm ghi ra để quý vị tham chiếu.

STT

Giám khảo tỉnh

Số tiền (đồng)

Số ngày làm việc

1

Vĩnh Phúc

1.800.000

5,5

2

Thái Nguyên

900.000

3,5

3

Yên Bái

1.220.000

3,5

4

Lạng Sơn

1.515.000

4,5

5

Nghệ An

1.500.000

5,0

6

Nam Định

2.100.000

6,0

7

Hà Nội

Dự kiến 350.000/ngày

Năm 2015, theo Văn bản 2584/BGD-KHTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nội dung và mức chi cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Các thầy cô giám khảo được thanh toán tiền chấm bài thi tự luận các trường đại học trả trung bình là 7.000.000 đồng/người trong 6 ngày làm việc, hay mức chi từ 14-16.000 đồng/bài thi tự luận.

Từ khi các tỉnh tổ chức thi và chấm thi trung học quốc gia, mức thù lao lại bị cắt giảm đến không thể ngờ được.

Lãnh đạo hội đồng chấm thi giải thích với giám khảo là trong 18 nghìn đồng/bài tự luận ấy là chi cho toàn bộ thành viên Hội đồng và các công việc khác như thuê địa điểm, tiếp khách…

Mỗi ngày giám khảo chấm 60 bài (sáng 30, chiều 30) mà được trả 350 ngàn đồng. 

Ví như Vĩnh Phúc năm 2018 khoảng 12.000 bài thi x 15.000 đồng =180.000.000 đồng, số tiền trả 75 giám khảo 1.800.000 đồng/người =135.000.000 đồng còn 45 triệu đồng sẽ vào đâu?

Tỉnh Vĩnh Phúc và 62 tỉnh thành đều ban hành Quyết định hướng dẫn thực hiện Thông tư 66. Theo Quyết định số 31/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc do Chủ tịch Phùng Quang Hùng ký, Hướng dẫn chi trong các kỳ thi, Điều 2, mục 1 ghi rõ:

Giám khảo chấm thi quốc gia, tiền công bèo bọt thua cả thợ xây ảnh 5Chấm thi môn Ngữ văn và những vui, buồn

“Chi 100% theo Thông tư 66/2012 Liên bộ cho các kỳ thi cấp quốc gia”, nghĩa là bài thi tự luận (trung học phổ thông quốc gia) được chi không quá 15.000 đồng/bài.

Nếu trả theo văn bản, khoảng 10 nghìn đồng/bài thì mỗi ngày giám khảo chấm 60 bài cũng phải được từ 600 ngàn đồng, tiền công sẽ hơn người thợ xây 37.000 đồng/ngày, sẽ an ủi phần nào trí lực các thầy cô bỏ ra chấm thi.

Thông tư 66/2012, vẫn hiệu lực, quy định chi tiết khung mức chi cho từng thành viên, từng chức vụ, từng công việc nhỏ nhất (như tiền nước uống) của Hội đồng coi thi, chấm thi.

Không có mục nào trong văn bản này quy định tiền chấm bài tự luận dùng chi cho việc khác, người khác.

Rõ ràng, các thầy cô chấm thi trung học phổ thông quốc gia không được hưởng đúng chế độ thù lao được quy định trong văn bản của Tỉnh và Bộ Giáo dục.

Các cuộc thi tuyển sinh vào lớp 10 hay thi chuyên đề khác cho phép chi theo Thông tư 66/2012 nhưng thực tế, các thầy cô làm thi chỉ được trả không đúng văn bản.

Sự thiếu minh bạch và không nghiêm túc thực hiện các văn bản về tài chính thi của lãnh đạo các cuộc thi đã tạo cơ hội ăn bớt tiền thù lao của thầy cô giám khảo cần phải lên án.

Đôi khi niềm tự hào danh dự quá lớn hay sợ liên lụy mà thầy cô thờ ơ hoặc im lặng với quyền lợi hợp pháp của mình.

Tiền khấu trừ thuế thu nhập của giáo viên, theo Thông tư 111/TCT-TNCN năm 2017, giáo viên được gia cảnh và giảm trừ phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên nên hầu hết không thầy cô nào được vinh hạnh nộp thuế thu nhập, kể cả tiền coi thi, chấm thi.

Chuyện chỉ có ở Việt Nam, giám khảo chấm thi quốc gia tiền công thua anh thợ xây!

Tài liệu tham khảo:

1. http://vbpl.vn/botaichinh/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=27564 (Thông tư 66)

2. https://luatvietnam.vn/thue/cong-van-2584-bgddt-khtc-bo-giao-duc-va-dao-tao-94911-d6.html (Văn bản 2584)

3. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=164932. (Quyết định 31/2012- UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Lư Nguyên