Được biết, hiện nay cả nước có hơn 1,3 triệu giáo viên. Đội ngũ này rất tâm huyết, có ý chí phấn đấu cho sự nghiệp và đã góp phần cho thành quả chung của giáo dục, tuy nhiên, hiện đội ngũ này đang gặp khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến công việc.
Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ xảy ra ở rất nhiều địa phương. Công tác tuyển dụng, bố trí chưa phù hợp.
Tại Phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nhiều đại biểu, chuyên gia nêu quan điểm về bất cập khi áp dụng Luật Viên chức đối với tuyển dụng ngành giáo dục.
Trả lời các câu hỏi tại sao có tình trạng hợp đồng giáo viên và thừa thiếu cục bộ ở một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết:
Từ năm 2015 trở về trước, biên chế sự nghiệp giao quyền cho cấp tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trên cơ sở định mức của các cơ quan, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định biên chế sự nghiệp.Việc hợp đồng giáo viên đều xảy ra từ 2015 về trước.
Cũng theo ông Thăng, Luật Viên chức yêu cầu tuyển dụng phải công khai minh bạch. Ai có đủ điều kiện, nhu cầu thì đăng ký, không phải chỉ thi tuyển cho những người làm hợp đồng.
Do đó, giáo viên hợp đồng thi không đỗ, không đạt tạo ra sức ép gây dư luận rất phản cảm.
Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm, giáo viên không phải như viên chức thông thường, giáo viên còn có đặc thù về chuyên môn nghiệp vụ.
Chẳng hạn, nếu thiếu giáo viên Toán thì không thể điều động giáo viên Văn sang dạy. Mặt khác, giáo viên không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn có nhiều hoạt động mang tính chất phát triển cho các thế hệ học trò. Bởi vậy khi đặt vấn đề giáo viên như một viên chức thì rất bất cập.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay thang bảng lương của giáo viên còn nhiều bất cập. Đơn cử như giáo viên mầm non, rất vất vả nhưng chuẩn trình độ giáo viên lại là trung cấp nên khởi điểm lương rất thấp, mặc dù có giáo viên có bằng đại học, cao đẳng.
“Chúng tôi mong muốn những vấn đề này sẽ giải quyết được trong Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây. Đồng thời, phải thể hiện được vị thế của nhà giáo, khác với viên chức thông thường để tạo động lực cho đội ngũ này” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Còn về tuyển dụng, sử dụng giáo viên, ông Nhạ cũng cho rằng: Theo phân cấp của chính quyền địa phương thì ngành giáo dục chỉ tham mưu còn chủ trì vẫn là ngành nội vụ.
“Tới đây chúng tôi cũng chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo ở địa phương là phải chủ động hơn nữa trong đề xuất tuyển dụng giáo viên nhưng vẫn vướng ở chỗ sử dụng nhưng không không được trực tiếp chủ trì tuyển dụng. Đây là vấn đề chưa khắc phục được” – ông Nhạ nêu thực tế.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải – đoàn Tiền Giang, nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở mỗi cấp học của từng địa phương là khác nhau chứ không thể tuyển dụng cào bằng về số lượng như các ngành khác.(Ảnh: Thùy Linh) |
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thanh Hải – đoàn Tiền Giang đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nhạ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, tuyển dụng giáo viên phải khác với tuyển dụng viên chức ngành khác bởi giáo viên ở 4 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) được đào tạo khác nhau.
Hơn nữa, nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở mỗi cấp học của từng địa phương là khác nhau chứ không thể tuyển dụng cào bằng về số lượng như các ngành khác.
Nêu thêm bất cập về tình trạng tuyển dụng giáo viên hiện nay, đại biểu này thông tin, thời gian qua các địa phương tuyển dụng nhưng địa phương giao cho Sở Nội vụ còn Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ là cơ quan phối hợp chứ không phải cơ quan tham mưu quyết định chính thức về chỉ tiêu để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh.
“Tôi kiến nghị, cần có thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương để làm sao ngành giáo dục có bước chủ động trong vấn đề tuyển dụng.
Bởi lẽ chỉ có cơ sở giáo dục mới biết họ đang thiếu bao nhiêu, cần bao nhiêu, đội ngũ trình độ ra sao…”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất.
Cùng quan điểm này, Phó giáo sư Trần Thị Tâm Đan – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Ai sử dụng thì người đó phải là người tuyển. Chứ tuyển dụng giáo viên mà giao hoàn toàn do Bộ Nội vụ là hoàn toàn không hợp lý”.
Phó giáo sư Trần Thị Tâm Đan nêu ví dụ, cô giáo mầm non có thể học lên thạc sĩ nhưng quá trình học thạc sĩ không phải học về Toán, Văn mà giáo viên đó học sâu về tâm lý giáo dục. Do đó, không phải cứ tốt nghiệp thạc sĩ là có thể dạy bậc học khác.