LTS: Chia sẻ quan điểm về việc sắp tới sẽ bỏ biên chế công chức, viên chức trong ngành giáo dục và chuyển sang dạng hợp đồng, tác giả Thanh An cho rằng đây là một ý kiến phù hợp với xu thế hiện nay.
Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý một số vấn đề tiêu cực có thể xảy ra khi ngành giáo dục không được tuyển dụng nhân sự cho ngành.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trước thông tin của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là tới đây sẽ bỏ biên chế công viên chức ngành giáo dục để chuyển sang hợp đồng “có vào - có ra” đã nhận được nhiều ý kiến của đông đảo thầy, cô giáo.
Người tán đồng cũng nhiều và người lo ngại cũng lắm. Luồng ý kiến nào cũng hay, cũng có lí… Nhưng, có lẽ vì sự phát triển giáo dục nước nhà trong tương lai thì việc bỏ biên chế là điều phù hợp trong xu thế hiện nay.
Chỉ có điều, làm sao để khi chúng ta bỏ biên chế mà không bị ảnh hưởng bởi những nhũng nhiễu và tiêu cực.
Hiện nay, ngành giáo dục thực ra chỉ quản lí về chất lượng giáo dục còn nhân sự thì gần như chỉ đóng vai trò “đồng” tuyển dụng.
Người kí quyết định cuối cùng trong việc tuyển dụng vẫn là Ủy ban nhân dân huyện và tỉnh (tùy cấp học).
Một khi ngành giáo dục không được tuyển dụng con người thì cũng đồng nghĩa những tiêu cực xảy ra và khó tuyển được người có đúng khả năng cho từng vị trí công tác.
Cứ nhìn danh sách hàng năm tuyển dụng gần đây ta cũng biết được những người được tuyển dụng có một lượng gửi gắm rất nhiều.
Bỏ công chức, viên chức trong ngành giáo dục là xu hướng để nâng cao chất lượng giáo dục. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Hàng năm, các địa phương xét thuyên chuyển cho giáo viên cũng chỉ con cháu người này người kia “gửi gắm, chỉ đạo”. Những giáo viên không có quan hệ mật thiết với lãnh đạo rất hiếm được thuyên chuyển.
Cách đây chưa lâu, huyện Yên Định, Thanh Hóa sa thải một lúc hơn 400 giáo viên rồi mấy tháng sau lại thông báo tuyển dụng lại và hàng loạt địa phương mà báo chí nêu trong thời gian qua cho ta thấy rõ bức tranh tuyển dụng của ngành giáo dục!
Chuyện giáo sinh nộp hồ sơ và thi rồi được tuyển hình như đã không còn xảy ra ở nhiều địa phương.
Khi mà các chỉ tiêu tuyển dụng vào ngành giáo dục ngày một nhỏ giọt cũng là lúc cánh cửa hẹp dần đối với thành phần không phải là con ông cháu cha hoặc không có mối quan hệ “quen biết” người này, người kia.
Chuyện bỏ biên chế trong ngành giáo dục là cần thiết trong xu thế hiện đại.
Bỏ biên chế để tạo sự cạnh tranh và nâng cao chất lượng giáo dục, tránh sức ỳ trong giáo viên, tránh tư tưởng đã vào là khó ra.
Sắp tới thầy cô chỉ có hợp đồng, không còn công chức, viên chức |
Thế nhưng, làm được điều này phải đòi hỏi sự công tâm, liêm chính của các địa phương mà đặc biệt là lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục từ cấp Hiệu trưởng nhà trường trở lên…
Nếu giáo viên cạnh tranh bằng chuyên môn và những phẩm chất năng lực của mình mà được đánh giá công tâm, khách quan thì ở lại hay ra đi cũng không có gì phải phân vân, thắc mắc.
Nhưng, nhìn vào bức tranh giáo dục hiện nay thì sự lo ngại của nhiều giáo viên là chuyện có cơ sở. Cứ nhìn vào việc đánh giá hàng năm đối với giáo viên cũng thấy một bức tranh nhạt nhòa.
Những kẻ cơ hội, biết nịnh bợ, biết a dua Ban giám hiệu thì được đánh giá cao. Những giáo viên có chuyên môn, có cá tính, dám phản biện những bất cập thì thường bị thua thiệt.
Bởi qui trình đánh giá giáo viên dù là chuẩn giáo viên, đánh giá công chức hay đánh giá đảng viên cuối năm thì người cuối cùng vẫn là Hiệu trưởng nhà trường.
Đầu tiên là giáo viên tự đánh giá, rồi đến tổ chuyên môn đánh giá, hội đồng thi đua nhà trường đánh giá và cuối cùng là thủ trưởng đơn vị đánh giá.
Thế nhưng, trong quá trình đánh giá giáo viên thì những thành viên trong Ban giám hiệu vẫn là người cầm trịch và lèo lái.
Đặc biệt là khâu cuối cùng là Hiệu trưởng. Vị này phê gì, xếp loại gì thì giáo viên làm sao biết được?
Vì thế, đánh giá giáo viên dù có công khai các bước đầu nhưng cuối cùng vẫn là một ẩn số mà người giáo viên vẫn mơ hồ về cấp trên đánh giá mình như thế nào.
Rồi đây, khi chúng ta tiến tới bỏ biên chế công - viên chức ngành giáo dục cũng đồng nghĩa hàng năm sẽ có nhiều giáo viên không đủ “chuẩn” phải ra khỏi ngành.
Tôi phản đối "tối ngày đầy công", ủng hộ bỏ biên chế trong ngành giáo dục |
Vì thế, điều mà Bộ giáo dục cần tính đến là ban hành các qui chế chuẩn giáo viên và cách đánh giá giáo viên đi vào thực chất. Tránh chung chung, mơ hồ như hiện nay.
Mấy năm nay, chúng ta cũng đã nghe nhiều đến chuyện tinh giản biên chế, thế nhưng hình như vẫn không có gì thay đổi.
Nhiều nơi không tinh giản được mà còn tuyển thêm, bổ nhiệm thêm lãnh đạo nhà trường.
Cơ chế của chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở cụm từ “rút kinh nghiệm” nên nhiều người vẫn âm thầm tuyển dụng, đưa người nhà vào rồi “ấn” xuống cho các trường phải nhận.
Hàng chục ngàn sinh viên sư phạm đang thất nghiệp hoặc phải làm các việc trái nghề, trong khi có nhiều giáo viên trong biên chế đã hết động lực phấn đấu cho thấy mâu thuẫn cho nhân lực ngành sư phạm trong những năm qua.
Vì thế, việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục sẽ mở ra cơ hội cho nhiều sinh viên đang thất nghiệp nhưng cũng đặt cho đội ngũ giáo viên trong trường nâng cao trách nhiệm, bổn phận của mình.
Vẫn biết chế độ đãi ngộ cho người thầy chưa tương xứng, trong quá trình thực hiện công việc của người thầy có nhiều khó khăn, áp lực.
Nhưng, nếu trong công việc không có áp lực, không tạo được động lực và môi trường cạnh tranh sẽ tạo nên sự giậm chân tại chỗ.
Thiết nghĩ, tiến tới việc bỏ công viên chức trong ngành giáo dục cũng cần thiết có cơ chế bình đẳng giữa giáo viên với Hiệu trưởng nhà trường.
Hiện nay, dù công tác trong một trường nhưng Hiệu trưởng vẫn “một mình một cõi”. Hiệu trưởng là công chức, không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, không bắt buộc phải viết sáng kiến kinh nghiệm…
Những điều này cũng đồng nghĩa Hiệu trưởng đã được bổ nhiệm là không “có cửa” để xuống làm giáo viên và phải tinh giản biên chế. Chỉ trừ những Hiệu trưởng bị vi phạm nghiêm trọng mới bị kỉ luật và thuyên chuyển công tác.
Quá nhiều quyền hành được tập trung cho một người rất dễ dẫn đến sự lộng hành và áp đặt trong nhà trường.
Tiến tới bỏ công viên chức thì bước đầu tiên Bộ phải tính đến là thi tuyển Ban giám hiệu nhà trường.
Chỉ khi cái gốc chưa bám rễ quá sâu, khi Hiệu trưởng cũng phải “sợ” bị tinh giản thì mới hết lòng vì đơn vị, vì sự nghiệp chung.
Và, lúc đó Hiệu trưởng mới có thể đối xử bình đẳng với giáo viên, đánh giá công tâm với đồng nghiệp của mình.