LTS: Dù đã có chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc yêu cầu không tổ chức thi học sinh giỏi và các cuộc thi trí tuệ đối với học sinh tiểu học nhưng nhiều địa phương hiện nay vẫn tổ chức những “sân chơi” này cho khối tiểu học.
Cô giáo Đỗ Quyên phản ánh tình trạng cả thầy và trò lại tiếp tục bước vào cuộc chiến quên ăn quên ngủ để giành chút hư danh về cho lãnh đạo nhà trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cách đây 2 năm, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã kí ban hành một chỉ thị về “Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học". Theo đó, chỉ thị nêu rõ:
“Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày: Hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp.
Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày: Chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.
Ngoài ra, không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ; không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”.
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm nhưng nhiều địa phương vẫn tổ chức các cuộc thi cho khối tiểu học. (Ảnh minh họa: Thanhnien.vn) |
Hiện chỉ thị nêu trên vẫn đang còn hiệu lực, thế nhưng nhiều địa phương vẫn tiếp tục vi phạm khi khởi động lại cuộc thi Violympic Toán, Anh văn, tổ chức các sân chơi giao lưu như “Hùng biện tiếng Anh cấp tiểu học”; “Giao lưu tiếng Anh cấp tiểu học”; “Chúng em với tiếng Anh”…
Việc tổ chức lại các sân chơi trí tuệ thế này không chỉ gây áp lực cho giáo viên còn là động lực kéo học sinh đến với các lớp học thêm, các lò luyện thi bất kể giờ giấc nào.
Ở một số trường chuẩn quốc gia, các hội thi này luôn nóng và chưa bao giờ hạ nhiệt. Trường nào có số lượng học sinh đỗ cao, đương nhiên vị thế của trường trong con mắt mọi người cũng được nâng lên ở một “tầm cao mới”.
Bởi thế, có rất nhiều điều lợi đến với trường như vị thế của Ban giám hiệu được nâng lên, sự đầu tư của cấp trên được ưu ái, sự quan tâm của địa phương và của chính phụ huynh học sinh đối với trường…
Ngoài ra, nhiều danh hiệu thi đua cũng vì thế mà thi nhau đổ về cho nhà trường, cho đội ngũ lãnh đạo như trường lá cờ đầu, trường tiên tiến xuất sắc hay cán bộ quản lý giỏi…
Vì những mặt lợi như thế, Ban giám hiệu nhà trường luôn quyết tâm đốc thúc giáo viên trong trường đăng kí chỉ tiêu tham gia. Thầy cô buộc phải cố gắng phấn đấu chạy đua.
Thế rồi, mọi áp lực đều đổ xuống đầu những cô cậu học trò bé xíu.
Sau giờ lên lớp, giáo viên cùng một số “gà nòi” lại đánh vật với những bài toán “nát óc”.
Buổi tối về, ba mẹ phải hỗ trợ con giải tiếp nếu không mai lên lớp thầy cô sẽ phê bình, khiển trách. Nhiều phụ huynh nói mình không thể dạy con vì toán quá khó.
Có không ít người đã tốt nghiệp đại học nhưng bài toán Violympic lớp 2 cũng giải mãi không xong. Thế rồi, nhiều gia đình phải buộc đưa con đến các lò luyện toán nâng cao cho các em học.
Cả ngày miệt mài trên lớp, chiều về các con chỉ kịp và vội vài xới cơm rồi lại tất tả đến lớp học thêm vất vả với những con số tới hơn 8 giờ mới ra về.
Đã có không ít phụ huynh gọi điện năn nỉ: “Cô (thầy) cho con tôi ra khỏi đội tuyển học sinh giỏi được không?”.
Dù rất hiểu nhưng giáo viên không thể đồng ý vì cho em này, em khác cũng sẽ nghỉ theo. Mà nếu thế thì mình biết ăn nói ra sao với nhà trường?
Có không ít học sinh, gia đình không có điều kiện gửi vào lò luyện thi, chính giáo viên chủ nhiệm phải dành thời gian bồi dưỡng cho em.
Thế rồi, hằng ngày trên lớp, cô lại “ăn cắp” thời gian của cả lớp để kèm cặp riêng em. Cô gửi gắm bao nhiêu niềm tin và ước vọng vào đó.
Thi học sinh giỏi vất vả là thế, còn những sân chơi mang tính trí tuệ cũng bi hài không kém. Điển hình nhất là sân chơi giao lưu về tiếng Anh.
Cả trường, sàng lọc vài vòng cũng chọn ra khoảng mươi em bập bõm vài câu tiếng Anh nghe tàm tạm. Thế rồi, thầy cô viết kịch bản, lời thoại, giao cho trò học thuộc.
Có giáo viên bật mí, có những em chỉ cần thuộc 2 câu nhưng các em học cũng gần cả tháng.
Thôi thì ngày nào cũng vậy, sau giờ tan học, đội tuyển ở lại cùng giáo viên để luyện tập.
Cứ miệt mài như thế nhưng khi lên sân khấu diễn chưa đầy 10 phút đã xong phần dự thi.
May mắn trường nào có giải, thế là người ta tung hô, khen ngợi, quay phim chụp hình và lĩnh thưởng.
Những đứa trẻ ấy cũng ngộ nhận rằng mình giỏi, mình xứng đáng được như thế mà không nghĩ rằng đó phần nhiều là công sức của thầy cô mà các em chỉ là người thể hiện.
Không ít giáo viên bày tỏ tâm tư: “Chính những hội thi học sinh giỏi, những sân chơi trí tuệ như thế đã lấy mất thời gian học tập quý báu của thầy và trò.
Đánh đổi cái thiết thực để lấy cái hư danh không ngoài mục đích chỉ làm đẹp thêm bảng thành tích của lãnh đạo nhà trường mà thôi”.