LTS: Đưa ra ý kiến về phương thức tuyển sinh trung học phổ thông, thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra những hệ lụy nếu học sinh chỉ thi ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Phương thức thi tuyển sinh Trung học phổ thông gồm các môn Toán, Văn, Anh đang được các địa phương áp dụng nhiều.
Nhiều phân tích, ưu điểm của hình thức này, thế nhưng ít ai biết được, nhược điểm của nó trong bậc Trung học cơ sở.
Thực trạng này, chỉ những ai đang giảng dạy ở lớp 9, lớp 10 mới hiểu được hệ lụy của nó kéo lên trung học phổ thông.
Các lớp chọn đầu cấp, với nguyện vọng học sinh học ban A, B (Toán, Lý, Hóa, Sinh) còn đỡ, các lớp đại trà phía dưới gần như mất gốc kiến thức Trung học cơ sở về các môn tự nhiên.
Phương án thi tuyển sinh trung học phổ thông gồm các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh đang được nhiều trường áp dụng. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thầy giáo T. dạy Hóa học ở lớp 10 gặp người viết than trời về học sinh học Hóa.
Đại đa số học sinh không biết làm bài tập hóa học, viết phương trình phản ứng, không biết kim loại, phi kim, hóa trị. Phần lớn không nắm được khái niệm về phân loại chất và tính chất hóa học của chất.
Môn Lý, Sinh …cũng chung cảnh ngộ, học sinh gần như mất hoàn toàn kiến thức cơ bản.
Nhà trường phải tổ chức phụ đạo bắt buộc (trừ các lớp chọn). Thế nhưng cũng không ít học sinh lớp chọn đã “tình nguyện” tham gia học phụ đạo với các học sinh lớp dưới.
Phương án thi lớp 10 của Hà Nội đang đi ngược lại với mục tiêu giáo dục |
Thực trạng này đã kéo theo hệ lụy buồn, nạn dạy thêm, học thêm nở rộ, từ "dạy thêm chính khóa", dạy thêm “tự nguyện” ở các trung tâm dạy thêm của giáo viên được phép và không phép.
Ở Trung học cơ sở, nhiều giáo viên cho biết, với học sinh lớp 9, những học sinh gia đình có định hướng nghề nghiệp kỹ sư, bác sĩ, vẫn học tốt các môn phụ khác. Còn đại đa số, chỉ học môn tuyển sinh lớp 10.
Trong thực trạng, thi tuyển sinh lớp 10, căng thẳng hơn cả thi đại học. Việc học sinh, nhà trường tập trung chủ yếu cho dạy các môn Toán, Văn, Anh là điều dễ hiểu.
Vậy tại sao học sinh không học các môn học khác vẫn điểm cao vời vợi, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học cơ sở vẫn gần 100%?
Câu trả lời, chính là bệnh thành tích, giáo viên cuối năm phải “cày cấy” trên bàn phím sao cho đạt chỉ tiêu nhà trường đã đề ra.
Hệ lụy của hình thức tuyển sinh ba môn này còn ảnh hưởng đến phân luồng nghề nghiệp, hướng nghiệp.
Khi học sinh không học các môn khác, kiến thức liên quan đến nghề nghiệp bị bỏ ngỏ. Hoạt động hướng nghiệp của nhà trường chỉ cho có, vì nó đi ngược lại nguồn kinh phí thu được từ dạy thêm.
Nếu vận động học sinh học nghề, sĩ số lớp dạy thêm lại giảm. Mục đích phân luồng sau Trung học cơ sở không thể đạt được.
Giải pháp nào cho tình trạng này? Đơn giản nhất là sử dụng đề thi tuyển sinh, định hướng dạy và học.
Toán là “cha” của các môn khoa học tự nhiên.
Việc lồng ghép kiến thức các môn Lý, Hóa, Sinh vào đề toán không khó; để làm được toán, phải có kiến thức cơ bản về Lý, Hóa, Sinh.
Văn là “mẹ” của các môn khoa học xã hội; lồng ghép kiến thức các môn Sử, Địa vào trong đề thi cũng là việc đơn giản; muốn làm tốt đề văn thì cần có kiến thức cơ bản của Sử, Địa.
Đầu năm, các sở giáo dục sử dụng phương thức thi tuyển ba môn Toán, Văn, Anh, cần thông báo nội dung tích hợp kiến thức cơ bản các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa trong đề thi; có đề thi mẫu cho giáo viên, học sinh tham khảo.
Với phương pháp này vừa đảm bảo giáo dục toàn diện, phát huy tích cực nhất nội dung dạy học tích hợp, phát huy tính tích cực và hạn chế được các nhược điểm của thi ba môn.
Việc ra đề thi tích hợp như trên, đòi hỏi đội ngũ giáo viên, chuyên viên ra đề phải có tầm, có kiến thức tốt. Với các địa phương, đội ngũ cán bộ đạt chuẩn thì không khó áp dụng.