LTS: Thẳng thắn cho rằng, trong vô vàn các kì thi hiện nay thì kỳ thi tuyển sinh 10 là một trong những kỳ thi nghiêm túc nhất, tác giả Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ.
Qua đó, tác giả cũng đã chỉ ra nguyên nhân vì sao nhiều trường có điểm đầu vào thấp nhưng vẫn tổ chức thi tuyển vào 10?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 nên chúng ta có thể nhìn thấy một số trường có điểm đầu vào rất thấp.
Mặc dù, phần lớn các địa phương đang áp dụng thi tuyển 10 với 3 môn thi là Toán, Văn, Anh, trong đó môn Toán và Văn nhân hệ số 2 nhưng có những trường chỉ lấy 4-5 điểm đầu vào.
Nhưng, nếu không tổ chức thi tuyển thì chất lượng giáo dục ngày càng lao dốc, thậm chí xảy ra tình trạng tiêu cực trong xét tuyển.
Bởi, quy định xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở hiện nay rất dễ, nhất là một số vùng đang thực hiện chính sách ưu tiên.
Các em học sinh tham gia vào kì thi tuyển sinh lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Thi mới tạo động lực học tập cho học sinh
Dù vẫn biết công tác tuyển sinh 10 còn nhiều bất cập và có phần tốn kém cho cả phụ huynh và ngân sách địa phương ở một số nơi nhưng đa phần các địa phương hiện nay đều tổ chức thi tuyển để tuyển đầu vào.
Bởi, ai cũng biết còn duy trì các kì thi quan trọng thì học sinh còn động lực học tập. Bỏ các kì thi mang tính quyết định đi thì học sinh không học mà các trường sẽ nuôi dưỡng bệnh thành tích, đua nhau nâng khống chất lượng đào tạo để học sinh được xét tuyển thuận lợi.
Hình thức tuyển sinh đầu vào lớp 10 của một số địa phương vừa qua đã minh chứng rất rõ điều này.
Trong những năm qua, ngành giáo dục đã tiến tới việc bỏ một số kì thi như thi tuyển đầu vào lớp 6, bỏ thi tốt nghiệp lớp 9, dồn 2 kì thi tốt nghiệp và đại học ở lớp 12 lại thành 1 và chúng ta đã thấy dù có nhiều ưu điểm nhưng vô vàn những hạn chế, bất cập nảy sinh.
Vẫn biết bỏ được kì thi nào thì giảm áp lực, kinh phí cho kì thi đó nhưng chúng ta hãy nhìn vào chất lượng, cách đánh giá kết quả học tập hiện nay sẽ rõ hơn điều này.
Bỏ rồi, chất lượng giáo dục sẽ đi về đâu khi mà ở đâu “bệnh thành tích” cũng phát triển mạnh mẽ. Ở đâu, thầy cô cũng rất “thương” học trò của mình bởi một quan niệm là học sinh cuối cấp rồi.
Vì thế, dù là các trường quê, tỉ lệ chọi đầu vào không cao nhưng kì thi tuyển sinh 10 vẫn là cái phao cứu cánh cho ý thức học tập của học trò.
Nhiều địa phương thời gian qua cũng vì học sinh lớp 9 ít nên bỏ thi tuyển sinh 10 nhưng chỉ xét tuyển được một vài năm phải quay lại hình thức thi tuyển.
Bởi, các trường trung học phổ thông phản ánh quá nhiều về chất lượng đào tạo ở cấp trung học cơ sở. Vậy nên, dù biết rằng thi là tốn kém hơn một chút và tạo ra áp lực cho giáo viên và học sinh.
Nhưng, thi mới đánh giá thật được hiệu quả đào tạo của từng trường, từng học sinh và nâng cao được chất lượng giáo dục.
Theo chúng tôi, trong vô vàn các kì thi hiện nay thì kỳ thi tuyển sinh 10 là một trong những kỳ thi nghiêm túc nhất và cũng là kỳ thi có tính cạnh tranh trực tiếp nhất.
Chính áp lực thi cử nên lên lớp 9 thì phần lớn các em đều thay đổi thái độ học tập. Bởi, không học cũng đồng nghĩa sẽ trượt hoặc phải vào trường tốp dưới của cấp trung học phổ thông trên cùng địa bàn hay vào trường nghề, thậm chí là ở nhà...
Không thi là tiêu cực
Thực tế từ nhiều năm nay, ngành giáo dục đã bỏ kì thi lên lớp 6 thế là các trường tiểu học đua nhau nâng điểm và những lời nhận xét có cánh cho học sinh lớp 5, đa phần các em được xếp loại hoàn thành tốt các môn học.
Nhất là những địa bàn có nhiều trường tiểu học trong cùng một xã (phường) thì trường nào cũng nâng thành tích lên để học sinh của trường mình dễ được xét tuyển vào lớp 6 hơn.
Bỏ thi tốt nghiệp lớp 9 thì học sinh không học, nhất là những em có ý định không thi tuyển sinh 10, các em vào lớp chỉ chơi, quậy phá các bạn của mình và thầy cô.
Bởi các em hiểu rằng dù dở vẫn được xét tốt nghiệp thì học cũng vậy mà không học cũng có sao đâu. Năm nào cũng đỗ 100 hay gần 100% và trường nào, địa phương nào cũng thế!
Một người bạn của chúng tôi hiện đang công tác tại một trường trung học phổ thông ở Tây Nguyên chia sẻ:
“Chỗ chúng tôi không thi tuyển sinh 10 mà áp dụng hình thức xét tuyển. Vì thế, tiêu cực xảy ra kinh khủng lắm.
Những em học tốt thì không nói làm gì nhưng những em có học lực yếu, đáng lẽ ra là không đủ điều kiện để vào nhưng nếu phụ huynh chi một số tiền cho ban giám hiệu là nghiễm nhiên vào học, nhiều khi họ làm tiền rất trắng trợn mà phụ huynh phải cắn răng chịu đựng”.
Quy định xét tốt nghiệp trung học cơ sở rất nhẹ nhàng
Hiện nay, xét tốt nghiệp trung học cơ sở căn cứ vào Quyết định số11/2006/QĐ-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ở Điều 7 của Quyết định này đã hướng dẫn tiêu chuẩn tốt nghiệp rất dễ dàng, học sinh không phải thi mà chỉ hoàn thành các môn học cùng với các điều kiện sau là tốt nghiệp:
“Xếp loại hạnh kiểm cả năm học lớp 9 từ trung bình trở lên, đối với diện phải xếp loại hạnh kiểm;
Xếp loại học lực cả năm lớp 9 từ trung bình trở lên, nếu không thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích;
Xếp loại học lực yếu nhưng các môn học tính điểm trung bình đều đạt từ 3,5 điểm trở lên, trong đó môn Toán hoặc môn Ngữ văn đạt từ 5,0 điểm trở lên, nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích”.
Như vậy, những học sinh thuộc đối tượng ưu tiên chỉ cần có điểm trung bình của năm lớp 9 là 3,5 mà trong đó có 1 trong 2 môn là Văn hoặc Toán tổng kết 5,0 là được tốt nghiệp.
Nhiều địa phương, họ “linh hoạt” chỉ cần xã có học sinh là dân tộc thiểu số sinh sống là được áp mức ưu tiên nên phần lớn học sinh không được xét tốt nghiệp là nghỉ quá 45 buổi chứ ít khi bị khống chế vì điểm số.
Khi học sinh đã được xét tốt nghiệp cũng đồng nghĩa là đủ điều kiện để dự tuyển vào lớp 10.
Vì thế, nếu không thi thì học dở cũng đủ điều kiện xét tuyển nên dẫn đến tính trạng khi vào lớp 10 là thầy cô cấp trung học phổ thông than và phản ánh chất lượng lên Sở.
Thành ra, dù địa phương có tỉ lệ chọi rất thấp nhưng Sở phải tổ chức thi để loại những thí sinh không đạt yêu cầu.
Và, rõ ràng đây là hình thức minh bạch nhất cho việc tuyển đầu vào của cấp trung học phổ thông ở các địa phương.
Dù những ngày qua, một số địa phương đã công bố điểm chuẩn vào các trường công lập, bên cạnh những trường có điểm đầu vào tương đối cao thì chúng ta cũng thấy có những trường lấy điểm quá thấp.
Tuy nhiên, theo chúng tôi đó là những con số phản ánh chất lượng chính xác nhất về chất lượng học tập của một số địa phương.
Thi để đánh giá, để nhìn nhận thực trạng và tìm ra giải pháp khắc phục. Thi để nhìn rõ chất lượng giảng dạy và học tập giữa các đơn vị với nhau.
Nếu, thấy ít thí sinh mà xét tuyển dù giảm được một số kinh phí nhưng chắc chắn một điều chất lượng thực sẽ ngày càng đi xuống mà tiêu cực sẽ càng được đẩy lên cao.