Thưa Bộ trưởng, giáo viên chúng tôi vẫn chưa được phép sáng tạo

15/01/2019 07:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Giáo viên vẫn chưa được phép tự do sáng tạo.Chúng tôi vẫn đang bị cầm tay chỉ việc, răm rắp tuân theo sự chỉ đạo chuyên môn từ cấp trên.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai sau 2 năm nữa.

Điều nhiều người quan tâm nhất hiện nay "việc giảng dạy, sự tự do, sáng tạo của giáo viên ở các trường học sẽ được bảo đảm ra sao khi các nhà quản lý ở nhiều nơi vẫn chưa thật sự thay đổi?"

Trả lời trên các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc giao quyền chủ động cho giáo viên và tổ/nhóm chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học để thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực đã được Bộ chỉ đạo từ nhiều năm qua. 

Lớp học (hình có tính chất minh họa của TTXVN)
Lớp học (hình có tính chất minh họa của TTXVN)

Bộ đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên phát huy tinh thần tự chủ, đổi mới và sáng tạo trong dạy và học.

Cụ thể “Cán bộ quản lí, nhất là hiệu trưởng nhà trường có vai trò quyết định trong việc hiện thực hoá chủ trương giảm tải. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Bộ đã không ngừng chỉ đạo đổi mới tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong nhà trường”. 

Bộ đã giao quyền chủ động cho giáo viên, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục. {1}

Khẳng định cho điều này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tự tin cho rằng, kết quả triển khai mấy năm qua là khả quan.

Thưa Bộ trưởng giáo viên chúng tôi vẫn chưa được phép sáng tạo

Trong thời gian tới, cùng với việc bồi dưỡng giáo viên, công tác tập huấn cho cán bộ quản lí, đặc biệt là hiệu trưởng được Bộ đặc biệt coi trọng.

Với vai trò là một giáo viên cùng khá nhiều đồng nghiệp đang trực tiếp giảng dạy, chúng tôi vẫn khẳng định rằng nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo có phần chưa đúng với thực tế.

Có thể kết quả đó chỉ dựa trên các báo cáo tổng kết của cơ sở gửi về. Vì trong thực tế, giáo viên chúng tôi vẫn chưa được phép tự do sáng tạo.

Chúng tôi vẫn đang bị cầm tay chỉ việc, răm rắp tuân theo sự chỉ đạo chuyên môn từ cấp trên đặc biệt là sự chỉ đạo của phòng giáo dục.

Chúng tôi xin đơn cử vài việc nhỏ sau đây để lãnh đạo Bộ Giáo dục có cái nhìn thấu đáo. Từ đó, sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn.

Chỉ mỗi việc để sách giáo khoa của học sinh cũng phải “đồng phục” toàn ngành

Khi áp dụng chương trình VNEN, chẳng biết học hỏi ở đâu kiểu học sinh tới lớp phải bỏ sách giáo khoa (tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội) ra phía sau cuối lớp (để theo nhóm).

Vào giờ học, sau khi giáo viên ghi tựa đề bài học trên bảng, học sinh ghi vào vở. Đại diện từng tổ đi xuống cuối lớp lấy sách giáo khoa để lên bàn cho các học sinh trong tổ.

Chuyện này đã làm mất khá nhiều thời gian, thấy cũng chẳng rèn được cho trò kĩ năng gì. Giáo viên đồng loạt phản đối việc để sách giáo khoa cuối lớp.

Thầy cô cần làm gì để thay đổi phương pháp dạy học

Nhiều ý kiến cho rằng, cứ để học sinh lấy sách từ trong cặp của mình ra. Vừa đỡ mất công để sách, đỡ mất công đi lấy sách, lại đỡ cả việc học sinh thưa gửi, giáo viên phải giải quyết nếu trong tổ có bạn nào quên không để sách lên kệ).

Có thầy cô bất bình từng chất vấn “bỏ sách chung vào kệ cuối lớp rồi lấy ra phát lại rèn kĩ năng gì? Cách này, có ưu điểm gì nổi trội hơn việc học sinh cứ để sách trong cặp và lấy ra?

Dù không thể trả lời thuyết phục những câu hỏi kiểu ấy và cũng nhìn thấy rõ những bất cập của việc làm vô bổ kia.

Thế nhưng chẳng Ban giám hiệu nào dám bỏ quy định này chỉ vì lý do “đây là chỉ đạo của chuyên viên phụ trách chuyên môn của phòng giáo dục yêu cầu”.

Và thế là dù bất bình, thầy cô giáo nào cũng phải thực hiện theo. Nếu làm trái chỉ đạo sẽ bị liệt vào tội “vi phạm quy chế chuyên môn”. Đây chính là vi phạm lớn nhất khi người giáo viên bị gán tội.

Buộc học sinh lớp 1 ngồi học kiểu nhóm VNEN

Chẳng phải ngẫu nhiên, mô hình trường học mới VNEN được triển khai đại trà từ lớp 2 đến lớp 5.

Dù thế, giáo viên và học sinh cũng đã toát mồ hôi khi dạy và học. Vậy mà ngay thị xã chúng tôi, chuyên viên phòng giáo dục yêu cầu học sinh khối lớp 1 cũng phải được ngồi theo mâm đúng kiểu của VNEN như thế.

Chỉ đạo này đã bị chính giáo viên dạy khối 1 của các trường phản ứng dữ dội với lý do “học sinh lớp 1 chưa biết chữ, các em cần được học trực quan sinh động, cần sự hướng dẫn tận tình của giáo viên.

Nay để các em ngồi học theo nhóm, sẽ biết gì để học? Nếu cứ buộc phải dạy như thế chất lượng học sinh sẽ tụt dốc thê thảm”.

Ban giám hiệu nhiều trường cũng thừa nhận điều này nhưng họ không dám quyết theo yêu cầu của giáo viên chỉ vì “đây là chỉ đạo chuyên môn của phòng giáo dục. Chúng tôi sẽ có ý kiến phản ánh. Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo, chúng ta vẫn cứ phải cho các em ngồi theo nhóm”.

Cắm bông, thưởng cờ trong chương trình VNEN cũng phải “đồng phục”

Ai đã dạy chương trình VNEN sẽ hiểu việc cắm bông, thưởng cờ cho các nhóm chỉ là hình thức đánh dấu những hoạt động giáo dục đã thực hiện xong.

Chỉ mỗi việc nhỏ thế này nhưng giáo viên cũng không được tự ý làm mà nhất nhất phải tuân theo sự chỉ đạo chuyên môn của từng trường.

Chỉ cần vào dự giờ một lớp nào đó, thấy việc cắm bông, thưởng cờ khác với nhiều lớp. Ban giám hiệu sẽ có ý kiến chấn chỉnh ngay.

Lý do họ đưa ra “để cho đồng bộ với các lớp trong trường. Để khi các em lên lớp khác, giáo viên cũng dễ rèn…”.

Chuyện không chỉ xảy ra ở địa phương tôi. Khá nhiều đồng nghiệp ở nhiều tỉnh thành khác cũng phản ánh kiểu chỉ đạo chuyên môn "đồng phục" như thế.

Riết rồi giáo viên chẳng dám đổi mới, chẳng dám sáng tạo. Bởi, chắc chắn họ không được ghi nhận mà bị góp ý làm khác với chỉ đạo chuyên môn của trường, của ngành.

Thầy cô cần làm gì để thay đổi phương pháp dạy học

Giải pháp an toàn mà phần lớn giáo viên đều áp dụng là nhất nhất tuân theo những chỉ đạo của trường, của ngành dù nhiều chỉ đạo trong số đó chưa thật hợp lý.

Theo ông Thành, Bộ đã không ngừng chỉ đạo đổi mới tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong nhà trường”.  Bộ đã giao quyền chủ động cho giáo viên, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục.

Thế nhưng ở nhiều địa phương, người quản lý giáo dục chưa thật sự giao quyền chủ động sáng tạo cho các thầy cô. Họ sẵn sàng can thiệp vào tất cả hoạt động giáo dục (từ những việc nhỏ nhất, kể cả về mặt hình thức).

Để thực hiện tốt việc chỉ đạo của Bộ Giáo dục giao quyền chủ động, sáng tạo cho giáo viên, trước hết cán bộ quản lý, những người mang danh nghĩa chỉ đạo chuyên môn phải đổi mới tư duy theo hướng tích cực.

Việc đầu tiên cần thay đổi từ "chỉ đạo chuyên môn" bằng việc theo dõi, giám sát chuyên môn. Nhà trường cần giao hẳn quyền chủ động, sáng tạo việc giảng dạy cho giáo viên. Chỉ nên kiểm tra hiệu quả đào tạo. Có thế giáo viên mới đủ mạnh dạn, chủ động và tự tin sáng tạo trong dạy học mà không dạy theo lối mòn đã định sẵn. 

Tài liệu tham khảo:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vai-tro-cua-Hieu-truong-trong-chuong-trinh-moi-post194550.gd{1}

Phan Tuyết