LTS: Chia sẻ những vấn đề đằng sau chuyện thưởng tết với giáo viên, cô giáo Đỗ Quyên tiết lộ lý do vì sao các trường lại có những mức thưởng tết không giống nhau.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tết về, câu chuyện tiền thưởng tết cho giáo viên luôn nóng trên các diễn đàn thông tin.
Nhiều giáo viên nói rằng tiền thưởng tết với họ là điều xa xỉ. Nhưng vài năm trở lại đây, giáo viên đã biết đến tiền thưởng.
Có không ít trường chi mức thưởng cho giáo viên hơn chục triệu đồng thậm chí lên đến vài chục triệu đồng.
Thế nhưng bên cạnh đó, vẫn còn không ít trường tiền thưởng chưa tới 50 ngàn đồng.
Nhiều người thắc mắc “Cũng là trường công lập hưởng ngân sách nhà nước nhưng mức thưởng lại cách xa nhau một trời một vực như thế là vì sao?”;
Hay “Tại sao trường ở thành phố thường có mức thưởng cao hơn trường vùng nông thôn?”.
Sự khác nhau giữa mức thưởng tết của trường. (Ảnh minh hoạ: Laodong.vn) |
Ngân sách cấp cho trường mỗi vùng mỗi khác
Đừng nên so sánh hai trường công lập ở hai vùng miền khác nhau. Bởi, ngân sách cấp cho trường ở mỗi vùng miền không hề giống nhau.
Chẳng hạn cũng là trường tiểu học hạng 1 với một ngàn học sinh nhưng ở nông thôn của tỉnh này ngân sách cấp cho hoạt động của nhà trường chỉ tầm 150 triệu đồng.
Cũng trường như thế ở thành thị (tỉnh khác) tiền ngân sách cấp có khi lên đến 250 triệu đồng...
Nhưng nếu so các trường trong cùng một địa bàn (vì ngân sách cấp như nhau) thì mới thấy được cái tài của từng hiệu trưởng.
Nếu chỉ dựa vào số tiền hoạt động thì đương nhiên trường nào khéo gói ghém sẽ dư nhiều và cuối năm giáo viên được thưởng nhiều.
Ngược lại, trường nào chi nhiều thì cuối năm đương nhiên hết tiền thưởng.
Cách chi tiền ngân sách lại phụ thuộc vào hiệu trưởng nơi ấy là người thế nào?
Hiệu trưởng liêm khiết, công tâm đương nhiên có cách chi hợp lý, công khai, minh bạch.
Hiệu trưởng có tính xà xẻo thì thôi rồi… giáo viên đừng mơ có mức thưởng cao dù ngân sách cấp cho nơi ấy số tiền khá lớn.
Trong thực tế, nhiều hiệu trưởng đã chi khoản ngân sách này rất hợp lý như việc mua sắm một số thiết bị dạy học, mua sách tham khảo, tài liệu, xây dựng cơ sở vật chất cần thiết.
Nhưng cũng có không ít hiệu trưởng chi vô tội vạ như mua sắm những thứ chưa thật sự cần thiết, sắm cho có, mua với giá trên trời.
Họ còn vẽ ra biết bao khoản phải chi. Nhiều cơ sở vật chất còn dùng được sẵn sàng đập đi để xây dựng mới.
Năm nào cũng vẽ ra đủ thứ để mua sắm và xây dựng. Thế nên cuối năm tiền để thưởng cho giáo viên đương nhiên chẳng có nhiều.
Một số đồng nghiệp ở Hàm Tân Bình Thuận kể rằng, bao nhiêu năm nhà trường của họ chỉ thưởng cho giáo viên trên dưới một triệu tiền tết.
Thế nhưng năm ấy, vị hiệu trưởng về hưu khi chưa kết thúc học kì 1. Lên thay là hiệu phó của trường.
Năm ấy, tiền thưởng tết cuối năm giáo viên nhận được người nhiều nhất gần 5 triệu đồng, người ít nhất cũng được gần 4 triệu đồng.
Lúc này, giáo viên trong trường mới so sánh và nhỏ to vị hiệu trưởng trước đây của mình đã biết cách chi dùng tiền công quỹ bất minh như thế nào.
Ngoài tiền ngân sách, trường thành phố còn nhiều khoản tiền khác
Công khai số tiền thưởng cuối năm những trường thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tiền thưởng tết của giáo viên nơi này so với tiền của giáo viên vùng nông thôn, vùng khó thường gấp hàng chục lần.
Ngoài chuyện ngân sách cấp cho những trường này cao hơn vùng nông thôi thì nhà trường còn có khá nhiều khoản thu khác như căn tin, giữ xe đạp, tiền ủng hộ của phụ huynh.
Với số tiền ủng hộ tự nguyện trên tinh thần bắt buộc từ vài trăm đến dăm trăm ngàn đồng/ học sinh thì cuối năm giáo viên nơi này cũng đã có một khoản tiền thưởng khá cao cộng với số tiền thưởng từ ngân sách thì một giáo viên được thưởng hơn chục triệu đến vài chục triệu (đồng) là điều dễ hiểu.
Nếu công khai hoa hồng giáo viên sẽ có nhiều tiền thưởng
Chuyện trích hoa hồng giữa bên cung và bên cầu đã trở thành luật bất thành văn. Bất kể giao dịch gì liên quan đến tiền bạc cũng đều phát sinh hoa hồng.
Số tiền hoa hồng được trích lại cho nhà trường hàng năm không hề nhỏ.
Có điều tiền này lại không được công khai để chia đều cho giáo viên mà chỉ rơi vào túi một vài thành viên trong nhà trường.
Có thể kể ra đó là tiền hoa hồng bán bảo hiểm, hoa hồng mua sách vở, văn phòng phẩm, mua đồng phục, cung cấp xuất ăn bán trú, mua sắm trang thiết bị, máy móc, đồ dùng học tập, xây dựng nhỏ trong trường, thậm chí hoa hồng đi tham quan du lịch cho giáo viên, học sinh…
Theo tiết lộ của một số nhà cung ứng, có loại hoa hồng trả đến 30% như mua sách, vở, sách tham khảo, tiền ăn bán trú…
Trường khoảng 1 ngàn học sinh thì khoản hoa hồng này chiếm một số tiền không hề nhỏ.
Người viết bài này đã gặp một hiệu trưởng luôn nói không với những khoản hoa hồng.
Số tiền mà lẽ ra người ta “lại quả” để lấy lòng hiệu trưởng cho việc làm lần sau thì cô lại công khai trước hội đồng và đưa vào quỹ phúc lợi của nhà trường.
Nhờ đó mà ngày 20/11 trong khi giáo viên không có được một đồng tiền thưởng của ngành thì nhà trường cũng có một chút gọi là để thầy cô ấm lòng.
Nếu công khai hoa hồng thì giáo viên đương nhiên sẽ có thêm ít tiền thưởng nhưng kiểm soát số tiền này thế nào? Ai sẽ làm việc đó lại không hề đơn giản.
Giáo viên thì cứ thì thầm nhỏ to về chuyện này nhưng để nói công khai lại chẳng ai dám lên tiếng.
Thế nên chuyện công khai hoa hồng để tất cả cùng hưởng lợi cũng như biết thắt chặt chi tiêu từ tiền ngân sách của trường chỉ đang phụ thuộc vào cái tâm của người hiệu trưởng.