LTS: Chia sẻ những băn khoăn của mình về nguy cơ chương trình, sách giáo khoa mới sẽ đi theo "vết xe đổ của mô hình Trường học mới Việt Nam - VNEN", thầy giáo Nguyễn Cao có bài viết phân tích vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi, mời quý thầy cô và những ai quan tâm đến chương trình sách giáo khoa mới, dự án / mô hình VNEN tham gia phân tích làm sáng tỏ các vấn đề bài viết đặt ra. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.
Sau 6 năm mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) được triển khai tại 4.393 trường tiểu học (tỉ lệ 29,2%) với 1.542.863 học sinh (tỉ lệ 19,8%);
Ở cấp trung học cơ sở, theo thống kê đầu năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số trường thực hiện mô hình VNEN đối với lớp 6 là 1778 trường, đối với lớp 7 là 1782 trường;
Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thí điểm VNEN lớp 8 ở Lào Cai, Hòa Bình, Kon Tum, ĐắkLắk, Khánh Hòa.
Ngày 25/7/2016 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị tổng kết Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) sau gần 4 năm triển khai tổ chức tại Bắc Giang. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại. |
Bên cạnh những mặt “tích cực” đã được Bộ tổng kết thì đã có rất nhiều ý kiến phản ứng về những bất cập và hạn chế của việc triển khai dự án / mô hình này.
Chính vì thế, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hải Phòng đã quyết định nói không với VNEN, Thái Bình thì dừng nhân rộng sau rất nhiều ý kiến phản đối từ cha mẹ học sinh.
Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH ngày 18/8/2016 của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017 "trên tinh thần tự nguyện".
Tuy nhiên, ở các địa phương cha mẹ học sinh phải đấu tranh rất khó khăn để thực hiện quyền "tự nguyện", của mình;
Điển hình như ở Nghệ An, rất nhiều phụ huynh phải đấu tranh cho con em họ thoát khỏi VNEN, nhưng quả bóng “tự nguyện” được đá qua đá lại giữa cơ quan quản lý giáo dục với nhà trường;
Thậm chí gần 300 phụ huynh trường trung học cơ sở Hưng Dũng thành phố Vinh phải tuyên bố, nếu không dừng VNEN họ sẽ cho con em mình nghỉ học, đến ngày 12/9/2017 con em họ mới thoát khỏi mô hình này.
Với 4.393 trường tiểu học, 1782 trường trung học cơ sở đang triển khai VNEN, bằng chứng về “tinh thần tự nguyện” của cha mẹ học sinh gần như không rõ ràng.
Nhưng điều đáng nói hơn là việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới tới đây, VNEN sẽ tiếp tục được đưa vào chương trình, sách giáo khoa mới.
Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ là VNEN nối dài?
Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai? |
Theo quan sát của chúng tôi, chương trình giáo dục phổ thông mới đã đang “kế thừa” một cách tinh vi từ “chương trình VNEN”.
Sở dĩ chúng tôi đặt “chương trình VNEN” trong dấu ngoặc kép là vì Bộ Giáo dục và Đào tạo không thừa nhận có “chương trình VNEN”, mà chỉ có bộ sách 3 trong 1 Hướng dẫn học VNEN.
Còn chương trình, nội dung của tài liệu này được chép từ chương trình, sách giáo khoa hiện hành.
Cái khác ở đây là chúng được biên soạn thành quy trình 4-5 bước theo mô hình Trường học mới của Colombia, để học sinh có thể bảo nhau tự học.
Công văn số 1296/BGDĐT-GDTH ngày 30/6/2016 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, thông báo:
"Bộ sách giáo khoa VNEN" sẽ được chỉnh lí, hoàn thiện để trở thành 1 trong những bộ sách giáo khoa phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhưng hơn thế nữa, trên thực tế sách VNEN đã đi trước, đón đầu dự án thay sách giáo khoa lần này.
Sự hiện hữu của các môn "tích hợp" ở cấp trung học cơ sở như Khoa học tự nhiên ("tích hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội ("tích hợp" Lịch sử và Địa lí) của mô hình VNEN là bằng chứng rõ nét nhất cho sự “tiếp nối” này.
Thực tế chương trình giáo dục phổ thông mới đang được dựa trên những nền tảng cơ bản nhất của chương trình VNEN hiện hành.
Giấu đầu, hở đuôi?
Ngày 8/12/2017 Báo Thanh Niên Online dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới cho biết:
“Tôi ngạc nhiên trước tuyên bố của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh (sẽ thử nghiệm bộ sách giáo khoa riêng từ năm 2019 - người viết), vì đến hiện tại, chương trình bộ môn chưa được ban hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới thông qua chương trình tổng thể, chương trình các môn học chưa công bố để lấy ý kiến nhân dân.
Chương trình mới chưa có, nhưng sách giáo khoa "tích hợp" Lý, Hóa, Sinh thành Khoa học Tự nhiên của VNEN đã bán rồi. Dấu vết VNEN không còn ở trên bìa sách bằng tên Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam, mà chỉ còn chữ "hướng dẫn học" lưu lại. |
Trong khi đó, chương trình bộ môn công bố xong còn phải chỉnh sửa, thẩm định và vẫn có thể tiếp tục thay đổi.
Có thể phải đến quý 1/2018, Bộ trưởng mới ban hành được chương trình các môn học của giáo dục phổ thông. Vậy thì căn cứ vào đâu để có thể biên soạn và ban hành sách giáo khoa như vậy?”. [1]
Vậy thì Giáo sư Tổng chủ biên và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích thế nào về chỉ đạo của công văn 1296/BGDĐT-GDTH ngày 30/6/2016 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký?
Ban soạn thảo chương trình giải thích như thế nào về sự tồn tại của “sách giáo khoa tích hợp” Khoa học Tự nhiên (“tích hợp” Vật lí, Hóa học, Sinh học); Khoa học xã hội (“tích hợp” Lịch sử và Địa lí) lớp 6, lớp 7, lớp 8 của VNEN đã biên soạn và đang thử nghiệm?
Hơn nữa, chính quý thầy khi viết sách giáo khoa 2000 cũng đã từng "đẻ ngược quy trình", chương trình tổng thể viết chỉ để giải ngân đấy thôi, sách đã đưa vào dạy trước hàng mấy năm trời.
Chúng tôi đã tìm lục lại những trang báo cũ để tìm về những những phát biểu, chia sẻ của nhiều lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua.
Có phải thầy Đặng Tự Ân đang “vừa đá bóng, vừa thổi còi”? |
Một sự thật hiển nhiên là dù cho dư luận trong thời gian qua phản ứng rất nhiều về chương trình VNEN nhưng lãnh đạo Bộ và những người thực hiện dự án này vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm của mình về “chương trình VNEN” là ưu việt, là phù hợp.
Thậm chí, chuyên gia trưởng Dự án VNEN còn cho rằng VNEN bị phản ứng là do giáo viên không biết cách dạy.
Sau khi tìm hiểu, điều mà chúng tôi nhận thấy là lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như đã có chủ ý kế thừa từ Dự án VNEN trong dự án thay chương trình, sách giáo khoa mới.
Những phát biểu dọn đường
Các vị có trách nhiệm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa của ngành giáo dục đã lấy chương trình VNEN làm nòng cốt cho sự thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới tới đây của ngành giáo dục.
Khi còn đương chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là thầy Nguyễn Vinh Hiển đã từng phát biểu:
"Khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình bộ môn được ban hành thì sẽ có căn cứ để chính thức bắt tay vào hoàn thiện sách giáo khoa.
Chương trình mới sẽ tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học, sách của VNEN hiện nay cũng đã tiếp cận theo hướng đó." [2]
Khi trả lời báo chí về việc chương trình VNEN bị dư luận phản đối, ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học thì khẳng định:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không “buông tay” mà sẽ chung tay cùng các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả hơn phương pháp giáo dục theo VNEN, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.” [3]
Bộ sách VNEN lớp 7, với 2 môn "tích hợp" đã được bán và dạy thử nghiệm. |
Đầu tháng 5/2017, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khu vực miền Trung do Thứ Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo này đã có rất nhiều những băn khoăn của các đại biểu tham dự về chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước băn khoăn đó, Tiến sĩ Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học cho biết:
“Trước khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những bước đệm chuẩn bị như mô hình trường học mới VNEN, đánh giá học sinh Tiểu học theo thông tư 30, thông tư 22, chương trình Trường học kết nối…
Vì thế, đội ngũ giáo viên về cơ bản không bỡ ngỡ với lần đổi mới này.” [4]
Những phát biểu của các quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khá rõ ràng, chỉ đạo vẫn còn nguyên trong công văn 1296/BGDĐT-GDTH, sách giáo khoa VNEN “soạn theo chương trình mới giả định” đã có và đang “dạy thí điểm”.
Chúng tôi đã so sánh sách VNEN ở cấp trung học cơ sở hiện nay với những môn học trong sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới và thấy có những điểm giống nhau đến bất ngờ.
Sách VNEN bao gồm 8 môn học : Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên (tích hợp Vật lí, Hoá học, Sinh học) ; Khoa học xã hội (tích hợp Lịch sử, Địa lí), Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Hoạt động giáo dục (tích hợp Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật).
Còn các môn học của chương trình sách giáo khoa mới đã được thông qua là các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Như vậy, về cơ bản sách giáo khoa VNEN và sách giáo khoa tới đây có nhiều môn học tương đồng. Nhất là các môn 2 môn học được gọi là “tích hợp” thì y chang nhau là môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (Lịch sử và Địa lí).
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/tphcm-co-duoc-bien-soan-sach-giao-khoa-907632.html
[3]https://tuoitre.vn/wb-danh-gia-thoa-dang-vnen-20170913092216867.htm