Tự đánh giá, vì đâu nhà trường chán ngán?

07/05/2017 07:53
Sông Trà
(GDVN) - Nhiều Hội đồng tự đánh giá từng bị choáng ngợp, khiếp đảm trước một “rừng” yêu cầu minh chứng, nếu in ra, đóng thành tập chở mấy xe bò cũng không xuể.

LTS: Phản ánh những bất cập trong công tác tự đánh giá trong trường học, thầy giáo Sông Trà chỉ ra lý do vì đâu nhà trường không mặn mà với công tác này.

Theo đó, thầy Sông Trà cho rằng có quá nhiều hồ sơ, sổ sách yêu cầu minh chứng chỉ mang tính hình thức khiến nhà trường tốn nhiều công sức. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học, trung học và trung tâm Giáo dục thường xuyên đã được ban hành theo Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Thông tư số 42).

Ở bậc phổ thông, gần 10 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên cốt cán các cơ sở giáo dục và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trường học triển khai hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài. 

Có thể nói, Kiểm định chất lượng giáo dục là quá trình đánh giá (gồm Tự đánh giá và Đánh giá ngoài) nhằm đưa ra quyết định công nhận cơ sở giáo dục (hoặc chương trình giáo dục) đáp ứng các chuẩn mực quy định. 

Đây là một giải pháp quản lý chất lượng hướng đến các mục tiêu: đánh giá hiện trạng của cơ sở giáo dục có chất lượng và hiệu quả như thế nào, những điểm mạnh, điểm yếu của cơ sở giáo dục so với tiêu chuẩn quy định; trên cơ sở đó định ra kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để phát triển.

Nhiều trường chán ngán với những thủ tục tự đánh giá. (Ảnh minh họa: VOV)
Nhiều trường chán ngán với những thủ tục tự đánh giá. (Ảnh minh họa: VOV)

Mặc dù văn bản quy định, hướng dẫn của cấp trên khá hoàn thiện, tham gia đầy đủ các đợt tập huấn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhưng đến nay đại đa số cơ sở giáo dục vẫn đang gặp nhiều lúng túng, vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện công tác tự đánh giá tại đơn vị.

Bởi vì vấn đề này còn khá mới mẻ, khó tìm được đơn vị có kinh nghiệm, làm tốt để học hỏi. 

Do vậy, mỗi khi nhận được quyết định của cấp với nội dung, yêu cầu sẽ thành lập đoàn đến đánh giá ngoài trong một thời gian cụ thể, Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo của nhà trường lo ngay ngáy, huy động mọi nguồn lực để làm. 

Hè này, trường tôi phải gửi báo cáo Tự đánh giá lên Sở Giáo dục và Đào tạo và mời Đoàn đánh giá ngoài do Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập về kiểm tra, đánh giá, công nhận.

Tự đánh giá, vì đâu nhà trường chán ngán? ảnh 2

Kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia sao nhiều thủ tục nhiêu khê?

Ba, bốn tháng nay mấy chục cán bộ, giáo viên, nhân viên trong hội đồng Tự đánh giá nhà trường đánh vật với họp hành, bàn thảo, lục tìm, phục chế, in ấn, sắp xếp, mã hóa các minh chứng mà công việc, kết quả vẫn chưa đâu vào đâu.  

Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, các trưởng ban đầu ngành trước đây trong quá trình làm việc, quản lý ít có ý thức lưu giữ giấy tờ, hồ sơ, làm đâu bỏ đó, nay thực hiện việc thu thập, xử lý, phân tích, sử dụng, lưu trữ và bảo quản minh chứng, thì nhà trường, các bộ phận gặp khó khăn, phải phục chế lại các minh chứng gây mất nhiều thời gian, công sức. 

Đây cũng thực trạng chung từng xảy ra ở nhiều cơ sở giáo dục khi tổ chức hoạt động Tự đánh giá.

Thầy L.V.H. - Phó Hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở ở tỉnh Bình Định cho rằng: 

Năm ngoái, trường chúng tôi tốn khá nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để hoàn thành việc Tự đánh giá và đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, công nhận, xếp hạng. 

Nhưng nói thật, tôi và nhiều thầy cô giáo khác nhận thấy hoạt động, nội dung này nó giả giả, hình thức như thế nào ấy, viết báo cáo, kiểm tra xong rồi để đấy, chẳng được cái tích sự gì
”. 

Lời nói thật của thầy Phó Hiệu trưởng và nhiều giáo viên trường trên không phải không có lý, khi Hiệu trưởng, thủ trưởng các cơ sở giáo dục hiện nay đâu được quyền tự chủ; con người, giáo viên thì cấp trên phân công, bổ nhiệm; còn kinh phí cũng vậy, muốn sửa chữa, nâng cấp cái gì đều phải gõ cửa cấp trên đi xin nhiều lần mà chưa chắc đã được. 

Kinh phí và con người, hai thứ cơ bản, then chốt nhất mà cơ sở không được quyền tự quyết, can thiệp thì làm sao khắc phục điểm yếu, phát huy điểm của cả nhà trường? 

Phải chăng, tác dụng, hiệu quả thực tế của công tác Tự đánh giá đang có vấn đề khiến cho suy nghĩ, nhận thức và việc làm của nhiều nhà trường, giáo viên bị lệch lạc, không đúng tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.  

Một minh chứng cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình vừa có Công văn  số 333/SGDĐT-KTKĐ gửi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố; Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông về việc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục. 

Công văn chỉ rõ: “Trong quá trình thực hiện hoạt động tự đánh giá, một số trường đã hiểu sai về mục đích, ý nghĩa, vai trò của công tác kiểm định chất lượng, triển khai không đủ quy trình nên hiệu quả của hoạt động này không cao, thậm chí là hình thức (chỉ tập trung hoàn thành báo cáo tự đánh giá, chứ không triển khai hoạt động tự đánh giá theo quy trình 6 bước).

Việc đánh giá mức độ đạt được của tiêu chí chưa bám sát vào nội hàm của từng tiêu chí, đánh giá không đúng thực trạng và cấp độ mà nhà trường đạt được còn nặng về thành tích
”. 

Tự đánh giá, vì đâu nhà trường chán ngán? ảnh 3

Thầy giáo nói nhỏ chuyện Ban giám hiệu đối phó với kiểm định

Mặt khác, so sánh với quy định lưu trữ hồ sơ, sổ sách của trường học tại Điều lệ trường tiểu học và trường phổ thông có nhiều cấp học thì hồ sơ, giấy tờ được gợi ý minh chứng ở Bộ tiêu chuẩn đánh giá (Thông tư 42) quá nhiều, từ danh sách cán sự lớp, sổ biên bản sinh hoạt lớp, sổ chủ nhiệm. 

Nhiều Hội đồng tự đánh giá từng bị choáng ngợp, khiếp đảm trước một “rừng” yêu cầu minh chứng, nếu in ra, đóng thành tập chở mấy xe bò cũng không xuể.   

Hoạt động đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở đã được thể chế hóa trong Luật, các Nghị định, Thông tư của Nhà nước, của ngành, điều đó cho thấy nó có một vị trí quan trọng đối với chất lượng, sự phát triển toàn diện của cả nền giáo dục quốc dân.

Thế nhưng khi triển khai, thực hiện tại các cơ sở giáo dục thì không được đón nhận một cách nhiệt tình, trách nhiệm. 

Hay nói cách khác, nhiều nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên rất dị ứng, mệt mỏi với những thứ nặng nề, rườm rà về hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, minh chứng, báo cáo như hoạt động Tự đánh giá hiện nay. 

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo và các bộ phận có liên quan cần nghiêm túc xem xét lại cái được và cái chưa được của hoạt động Tự đánh giá. 

Nếu thấy, cái chưa được còn quá nhiều, chỉ là thứ hình thức, đối phó, tốn kém, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của nhà trường, cán bộ, giáo viên thì nên mạnh dạn xóa bỏ để khoan sức đội ngũ nhà giáo. 

Về phần gợi ý minh chứng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban soạn thảo cũng cần kiểm tra lại, cắt bỏ bớt, nên tiện cận với hồ sơ, sổ sách như quy định tại Điều lệ trường tiểu học và trường phổ thông.

Sông Trà