Vì sức ép giảm biên chế mà không tuyển mới giáo viên là vô lối

07/10/2018 07:11
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Phạm Tất Dong cho rằng: “Số giáo viên phải đảm bảo chuẩn theo số lượng học sinh. Khi học sinh tăng lên thì giáo viên cũng phải tăng theo tỉ lệ thuận".

Tính đến 15/8/2018, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu  sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người.

Trong đó, bậc mầm non thiếu: 43.732 người; bậc tiểu học thiếu : 18.953 người; bậc Trung học cơ sở: 10.143 người và Trung học phổ thông: 3.161 người.

Tại sao lại có tình trạng thiếu giáo viên trong khi sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp. Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những lý do không tuyển mới giáo viên đó là do áp lực giảm biên chế.

Nhiều tỉnh thành đã không tuyển mới giáo viên vì phải đảm bảo tiêu chí giảm 10% biên chế.

Để có đủ giáo viên giảng dạy, các tỉnh đã duy trì chính sách hợp đồng với giáo viên. Tiền để chi trả cho giáo viên lại lấy từ nguồn phụ huynh đóng góp.

Ông Phạm Tất Dong cho rằng, vì sức ép biên chế mà không tuyển mới giáo viên là vô lối (ảnh VOV).
Ông Phạm Tất Dong cho rằng, vì sức ép biên chế mà không tuyển mới giáo viên là vô lối  (ảnh VOV).

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, để thiếu giáo viên nhiều như vậy trách nhiệm thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ.

Hai Bộ phải có trách nhiệm về việc này, không thể cứ tự động cắt 10% biên chế thì ngành nào cũng phải cắt. Tôi cho rằng, có ngành phải tăng lên.

Theo ông Phạm Tất Dong, nguyên tắc không thể để học sinh mất học. Nếu cắt biên chế không có giáo viên thì làm sao dạy học được.

Do đó, Phó Chủ tịch Hội khuyến học nêu quan điểm, biên chế giáo viên phải theo quy định số lượng giáo viên trên đầu học sinh.

Hiện đã có quy định ở bậc tiểu học, trung học có bao nhiêu học sinh là một giáo viên. Chúng ta căn cứ vào định mức giáo viên để tuyển. Số giáo viên phải đảm bảo chuẩn theo số lượng học sinh. Do đó, khi học sinh tăng lên thì giáo viên cũng phải tăng theo tỉ lệ thuận.

Ông Phạm Tất Dong nhấn mạnh: “Không thể vì giảm biên chế mà không thể tuyển giáo viên. Nếu căn cứ như thế là vô lối. Nguyên tắc của chúng ta là không thể để cho học sinh thất học”.

Vì sức ép giảm biên chế mà không tuyển mới giáo viên là vô lối ảnh 2Vì mục tiêu giảm biên chế, nhiều nơi buộc phải sử dụng giáo viên hợp đồng

Trước thực trạng, nhiều địa phương chữa cháy bằng cách hợp đồng với giáo viên, lương do phụ huynh đóng góp, ông Phạm Tất Dong cho rằng, điều này không được.

Việc này, Bộ Nội vụ phải có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ, phải đảm bảo quyền được đi học của học sinh. Đây là quyền được Hiến pháp bảo vệ.

Bậc tiểu học là phổ cập nên mọi học sinh được đi học. Mà phổ cập là trình độ không thể cắt xen đi được.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đưa tin, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về thực trạng bài toán không tăng biên chế dẫn tới thiếu giáo viên, nhiều nơi phải ký hợp đồng giáo viên, ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng, Sở Giáo dục đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo ưu tiên giáo viên biên chế đối với vùng sâu vùng xa.

Còn đối với vùng tương đối phát triển thì chủ trương xã hội hóa. Việc xã hội hóa tại tỉnh Đắk Lắk theo trình bày của ông Khoa được tiến hành theo hai hình thức.

Một là cho phép tư nhân, tổ chức mở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Hai là cho phép hợp đồng giáo viên, nhân viên vào làm việc tại các trường mầm non công lập. Số tiền chi trả lương cho giáo viên lấy từ nguồn thu phụ huynh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk còn nhấn mạnh: “Đây là cách để giải quyết tình thế trước mắt vì thiếu giáo viên. Còn về lâu dài, đẩy mạnh xã hội hóa để giảm sử dụng biên chế”.

Nói về chế độ đãi ngộ đối với các giáo viên hợp đồng, ông Khoa chỉ cho rằng, tinh thần hợp đồng giáo viên là đảm bảo trình độ chuyên môn đào tạo.

Nhiều nơi phụ huynh phải đóng tiền để trả lương cho giáo viên (ảnh Trinh Phúc).
Nhiều nơi phụ huynh phải đóng tiền để trả lương cho giáo viên (ảnh Trinh Phúc).

Cũng liên quan đến thừa thiếu giáo viên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Gia Nghĩa, Đắk Nông cho biết, hiện nhà trường đang phải xã hội hóa bằng cách hợp đồng giáo viên tiếng Anh và Tin học để có đủ giáo viên đứng lớp.

Theo chia sẻ, các năm trước nhà nước cho hai hợp đồng giáo viên tiếng Anh thì việc dạy tiếng Anh cho các lớp 3,4,5 phụ huynh không phải bỏ tiền.

Năm nay thực hiện theo xã hội hóa nên mỗi học sinh đóng 80 nghìn đồng/năm học.

Cô giáo này còn cho rằng: “Trường nào cũng vậy, Trường Minh khai còn có lợi thế hai biên chế giáo viên tiếng Anh. Nhiều trường học còn thiếu giáo viên ở nhiều bộ môn, trong khi Trường Nguyễn Minh Khai chỉ thiếu tiếng Anh và Tin học”.

Trinh Phúc