LTS: Trước tình trạng lạm thu tại một số trường học, có phụ huynh đã đề nghị giải tán Hội phụ huynh để hiệu trưởng không thể lấy họ làm lá chắn.
Tác giả Sông Mã cho rằng tình trạng lạm thu này xuất phát từ chính những hiệu trưởng tham lam và giáo viên cũng như phụ huynh không dám lên tiếng...
Vì thế, việc xoá bỏ hội phụ huynh không phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây mới một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh đã viết đơn lên Chính phủ kiến nghị giải tán Hội phụ huynh.
Đã có rất nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm này bởi mọi người hy vọng khi không có Hội phụ huynh chẳng ai có thể làm lá chắn cho nhà trường lạm thu và như thế chắc chắn tình trạng thu vô tội vạ như hiện nay ở một số trường sẽ không còn nữa.
Để tình trạng lạm thu xảy ra nhiều như bây giờ lỗi đâu chỉ thuộc về một mình Hội phụ huynh?
Chính sự cả nể, sợ con bị liên lụy của tất cả phụ huynh và sự nhu nhược của phần lớn giáo viên trong trường nên chuyện lạm thu ngày càng phình to và biến tướng.
Vậy nên, nếu không có Hội phụ huynh thì chính giáo viên sẽ làm công việc vận động phụ huynh đóng góp, dù cho các thầy cô giáo chẳng bao giờ muốn nhưng cũng ít có người dám “một tay chống trời”.
Một số trường huy động phụ huynh đóng góp nhiều khoản tiền đầu năm. (Ảnh minh hoạ từ VTV) |
Nhiều hiệu trưởng đã đưa việc thu tiền vào quy chế xét thi đua hàng năm của trường thì thầy cô giáo có “chạy đằng trời cũng không khỏi nắng”.
Trước ngày họp phụ huynh toàn trường thì bao giờ cũng có một cuộc họp hội đồng nhà trường. Hiệu trưởng sẽ đưa ra những công việc nhà trường dự kiến sẽ làm.
Chẳng hạn, phòng học sập xệ, nhà vệ sinh hư hỏng, nhà giữ xe của học sinh xuống cấp, sân trường cần cây xanh và ghế đá để các em ngồi vui chơi… nhưng kinh phí nhà trường eo hẹp không có thể cùng một lúc sửa sang, tôn tạo được kịp thời.
Giáo viên sẽ vận động phụ huynh cùng chung tay giúp đỡ để chăm lo cho các con được tốt.
Hay như việc hiệu trưởng kí với các trung tâm dạy ngoại ngữ để dạy bắt buộc cho tất cả học sinh, chuyện bán đồng phục, bán sách giáo khoa, đồ dùng học tập… mà chẳng cần giáo viên nhà trường có đồng ý hay không.
Bỏ Ban phụ huynh, Hiệu trưởng vẫn còn lòng tham, lạm thu có hết không? |
Dù không đồng ý thì thầy cô cũng phải triển khai trong cuộc họp phụ huynh đầu năm.
Giáo viên luôn dị ứng với việc kêu gọi phụ huynh ủng hộ tiền nên họ rất ngại với các cuộc họp phụ huynh đầu năm.
Nhưng cũng chẳng ai dám can đảm có ý kiến trái chiều vì sẽ dễ bị khép vào tội chống đối.
Nhiều hiệu trưởng đã dùng các danh hiệu thi đua để khống chế giáo viên và biến họ thành “công cụ” để thực hiện những ý đồ riêng của mình.
Thế là vào cuộc họp phụ huynh, thầy cô chính là những tuyên truyền viên đứng ra để nói chuyện với phụ huynh.
Lớp nào cũng có vài ba phụ huynh gia đình thuộc hàng khá giả, khi nghe thầy cô nói thế dù không nằm trong Hội phụ huynh họ cũng lên tiếng ủng hộ.
Có người tự nguyện đứng lên, kêu gọi, hô hào thay cho thầy cô. Phần đông phụ huynh không đồng tình nhưng cũng chẳng ai lên tiếng quyết liệt phản đối.
Người vì bệnh sĩ ngăn lại, người ngại con bị thầy cô trù úm, người muốn tỏ ra ta rất hào phóng, người lại “thương và nể” thầy cô nên đều đồng thanh nhất trí.
Phương thức mà nhiều người chọn nhất là đổ đồng cho công bằng, thế là biên bản cuộc họp được ghi “100% phụ huynh đồng ý và không có ý kiến gì”. Đây cũng sẽ trở thành lá chắn an toàn nếu câu chuyện ủng hộ “tình nguyện” bị vở lở.
Ngoài các khoản tiền ủng hộ được cào bằng như trên, như một quy định ngầm mà người nọ truyền người kia “con học trái tuyến phải ủng hộ nhiều hơn bình thường”.
Những học sinh này được nằm trong “sổ vàng” nên số tiền phụ huynh ủng hộ riêng cũng được ghi cả vào đấy.
Người trước nhìn người sau, chỉ có nhiều hơn chứ không thể ít hơn được. Bởi thế, số tiền ủng hộ cũng tự động được nâng dần lên.
Nhà trường không chỉ lạm thu mà còn lạm chi hội phí |
Những giáo viên có tài thuyết phục đương nhiên sẽ quyên góp được nhiều tiền.
Không chỉ trong cuộc họp hội đồng nhà trường được biểu dương còn được cộng điểm trong việc đánh giá xếp loại công chức cuối năm năm mà người trực tiếp đánh giá lại là hiệu trưởng.
Những giáo viên làm không tốt đương nhiên bị nhắc nhở và trừ vào điểm thi đua.
Dù có Hội phụ huynh làm lá chắn nhưng tất cả các phụ huynh đừng im lặng mà lên tiếng phản đối những khoản thu bất hợp lý cũng chẳng thể triển khai.
Tôi đã từng đi họp cho con ở một trường cấp 3 trong huyện. Sau khi Hội phụ huynh lên tiếng phụ huynh đóng góp tiền mua máy chiếu để phục vụ việc học. Số tiền đóng mỗi em 500 ngàn đồng.
Tôi đã lên tiếng không đồng ý, may mắn thay tất cả phụ huynh hôm đó đều nhất trí. Thế là kế hoạch của nhà trường thất bại.
Chỉ khổ cho giáo viên chủ nhiệm (sau này chúng tôi được biết, giáo viên đã bị nhà trường khiển trách vì trong toàn trường chỉ lớp của con tôi không thu được đồng nào).
Đừng đổ tội cho Hội phụ huynh làm chuyện lạm thu bùng phát.
Hãy trách hiệu trưởng đầy lòng tham, trách cấp trên xử lý những hiệu trưởng lạm thu trước đây chưa mạnh tay, trách giáo viên ích kỉ chỉ biết lo cho mình, trách chính phụ huynh không biết đồng lòng cất tiếng nói ngay thẳng để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Bởi thế, dù Hội phụ huynh được bãi bỏ thì tình trạng lạm thu vẫn còn tồn tại nếu chính giáo viên, chính phụ huynh không chịu sửa mình.