Để hiểu rõ hơn vì sao VNEN bị phụ huynh phản đối, nhiều trường học đã dừng VNEN trong năm học vừa qua, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với các hiệu trưởng ở những địa phương cho dừng mô hình trường học mới này.
Ngày 22/7, thầy giáo Lê Văn Anh – Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Thạch Linh, Thành phố Hà Tĩnh cho biết, Trường Trung học Cơ sở Thạch Linh là một trong những trường nói không với VNEN tại Hà Tĩnh.
Theo thầy Anh, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới trường Trung học Cơ sở Thạch Linh dừng VNEN là phụ huynh không đồng tình. Họ nhận thấy kết quả học tập của con em mình sút kém nên yêu cầu nhà trường dừng lại.
Ngoài lý do trên, qua thực tế điều hành công tác giảng dạy VNEN, thầy Lê Văn Anh đã chỉ ra 5 điểm hạn chế của VNEN không thể khắc phục được.
Đó cũng là nguyên nhân mà thầy Lê Văn Anh cho rằng, cần nên dừng VNEN ở Hà Tĩnh vào thời điểm này.
Nhiều trường học ở Hà Tĩnh dừng VNEN vì không phù hợp (ảnh minh họa - nguồn giaoduc.net.vn). |
Những điểm hạn chế của VNEN theo thầy Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Thạch Linh: Thứ nhất, VNEN chỉ phù hợp với lớp có sĩ số học sinh rất ít, trong khi trường học hiện nay số lượng học sinh rất đông.
VNEN dạy theo cái cá biệt, phải dạy cá biệt hóa đến từng học sinh nên đòi hỏi giáo viên đi từng em một, hướng dẫn, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho từng học sinh.
Mà rõ ràng, sĩ số học sinh đông như hiện nay không thể dạy học như vậy được.
Thứ hai, sách giáo khoa chuẩn bị chưa kỹ, giáo viên vừa đọc vừa dạy. “Vì tháng 5 bắt đầu góp ý thì tháng 7 bắt đầu viết, tháng tám 8 đã đưa vào giảng dạy.
Do đó, nhiều chỗ giáo viên phải tham khảo thêm sách giáo khoa của THPT mới dạy được. Còn có nhiều chỗ chưa tốt nữa” – Thầy Lê Văn Anh nhận định.
Các địa phương đang trông chờ vào quan điểm nhất quán của Bộ về VNEN |
Dạy VNEN, học sinh tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ở Tiểu học có thể được vì kiến thức đang ít. Nhưng còn trung học cơ sở trở lên cấp kiến thức càng ngày càng khó.
Học sinh tự học lấy, tự tháo gỡ với sự hướng dẫn của giáo viên chỉ phù hợp với chương trình rất thấp nhưng chương trình hiện nay rõ ràng là đang rất cao.
“Học sinh tự học chương trình đòi hỏi cao như thế không thể học được. Nếu học sinh tự học được thì sinh ra nhà trường làm gì, sinh ra thầy giáo làm gì” – thầy Lê Văn Anh nhấn mạnh.
Lý do thứ 4, thi theo kiểu truyền thống, học thì học theo kiểu VNEN. Vậy mấy lớp học VNEN nếu thi theo kiểu VNEN thì VNEN thắng nhưng ta đang thi theo kiểu truyền thống nên VNEN lại thua.
Thứ 5, sắp tới cải cách giáo dục, rõ ràng cải cách giáo dục không thể đi theo kiểu VNEN.
Theo thầy Anh, “Chương trình cải cách mới may ra chỉ lấy một số cái ưu điểm của VNEN mà thôi.
Nên bây giờ toàn bộ in sách giáo khóa, huấn luyện giáo viên, huấn luyện học sinh học theo VNEN nhưng đến năm 2018 – 2019 lại là một lần làm lại từ đầu nên gây lãng phí sách giáo khoa, lãng phí tiền của nhiều”.
Thầy Lê Văn Anh chia sẻ thêm: “Tại kỳ họp Hôi đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa rồi, tôi được mời đến nói về VNEN và tôi đã đề xuất là phải dừng lại ngay, chờ cải cách giáo dục làm luôn.
Đó là 5 lý do riêng của tôi nêu ra để thuyết phục hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Còn phụ huynh họ chỉ hiểu đơn giản, chất lượng chưa tốt nên yêu cầu dừng lại”.
Cũng liên quan đến VNEN, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Bùi Quang Huân – Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cẩm Bình huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Trong năm học 2016 – 2017, Trường Trung học Cơ sở Cẩm Bình đã dừng dạy học theo mô hình VNEN.
Thầy Bùi Quang Huân cho biết, lý do trường dừng triển khai là phụ huynh không đồng tình vì con em họ học chương trình VNEN không phù hợp.
Nói về VNEN, thầy Bùi Quang Huân cho rằng, VNEN có những điểm tích cực nhưng cũng có nhiều điểm hạn chế, chưa phù hợp với đối tượng học sinh ở vùng nông thôn.
Cụ thể, như cơ sở vật chất chưa thể đảm bảo được, phòng học, sĩ số học sinh quá đông. Trong một lớp 40 học sinh hay trên 40 học sinh không thể tổ chức phương pháp dạy học này.
Mô hình VNEN, chỉ phù hợp với lớp học dưới 30 em. Nhưng thực tế trường Trung học Cơ sở Cẩm Bình lớp học quá đông.
Ngoài ra, phương tiện dạy học, đồ dùng trang thiết bị dạy học hiện tại không đầy đủ để áp dụng phương pháp dạy học này.Theo thầy Huân, một điểm hạn chế nữa của VNEN là cách học này chỉ phù hợp với đối tượng học sinh có năng lực tốt, còn với những học sinh kém, trung bình là không phù hợp.
Đánh giá về các tiết học VNEN, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cẩm Bình cho rằng: “Các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có sự khác nhau.
Môn văn, sử, địa lý thì các em có thể học tiếp thu dễ hơn so với môn toán, lý, hóa. Đặc biệt, với các môn tự nhiên vì không chấm bằng điểm cụ thể, không có bài kiểm tra điểm, không có bài tập về nhà cho nên hạn chế học sinh rất nhiều”.
Thầy Huân nhấn mạnh rằng: “Với cách dạy và học như vậy, phụ huynh không kiểm tra được việc học của con em mình.
Học VNEN không có bài kiểm tra thường xuyên, không hậu kiểm được, con học được bao nhiêu điểm phụ huynh không thể kiểm tra được.
Đặc biệt, các môn khoa học tự nhiên không tính bằng điểm. Không có bài tập thường xuyên để đánh giá nên các thầy cô đánh giá không sát thực tế.
Tôi cho rằng, cách học này với các môn khoa học tự nhiên là không phù hợp.
Phụ huynh họ phản đối kịch liệt vì con họ học không có chấm điểm, bài kiểm tra không có, vở ghi chép nhiều em không có nội dung gì. Vì tự các em ghi chép nên nhiều khi có những em không có gì trong vở. Đó chính là điểm hạn chế của VNEN mà phụ huynh không chấp nhận”.
Qua trao đổi với thầy giáo Lê Văn Anh và thầy Bùi Quang Huân cho thấy, VNEN có nhiều điểm yếu. Việc dạy và học theo mô hình VNEN không đem lại chất lượng như kỳ vọng của phụ huynh học sinh. Không chỉ vậy, cách dạy học này còn rất tốn kém và lãng phí.