Vì sao VNEN thất bại, tiếng nói của cô giáo đứng lớp!

22/07/2017 08:25
Thuận Phương
(GDVN) - Sự thất bại của mô hình VNEN là sự thật. Mong rằng năm học mới này, ngành giáo dục hãy mạnh dạn chấm dứt mô hình VNEN để học sinh đỡ phải làm chuột bạch.

LTS: Nói về sự thất bại của mô hình VNEN thì có nhiều nguyên nhân, ở bài viết này, cô giáo Thuận Phương là một giáo viên đã được tiếp cận và dạy VNEN ngay từ những ngày đầu tiên mới được áp dụng dạy thử nghiệm ở các trường tiểu học đã chỉ ra một số nguyên nhân chính.

Từ đó, tác giả mong muốn giúp cho độc giả có thêm những góc nhìn đa chiều hơn về mô hình đào tạo này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Áp dụng một cách máy móc, rập khuôn

Việc áp dụng một cách ồ ạt theo kiểu sao y bản chính có thể nói là nguyên nhân lớn nhất khiến cho mô hình VNEN thất bại thảm hại.

Đơn cử, từ việc đổi cách gọi tên “lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng…” thành “chủ tịch (phó chủ tịch), hội đồng tự quản, trưởng ban học tập, lao động, thư viện, đối ngoại….Đến việc tới trường bỏ sách sau lớp, vào học lấy sách phát ra. Rồi việc báo cáo, nhận xét, chia sẻ…cứ buộc trẻ phải ra rả suốt tiết.

Một lớp học nơi ít thì 35 em, nơi nhiều 60 em mà suốt buổi học cứ phải đối mặt vào nhau, chụm đầu chụm cổ trao đổi, tranh luận cả những điều đã biết và những điều không bao giờ biết.

Nhất quyết bỏ bảng lớp, không cho giáo viên giảng bài hay mở rộng vấn đề và cho rằng như thế thầy cô đang làm thay học trò.

Nếu mô hình VNEN ở Colombia người ta chỉ áp dụng cho học sinh vùng khó khăn, học lớp ghép, với số lượng học sinh trong một lớp học ít, nội dung học lại thực tế gắn với đời sống lao động của “học sinh nông thôn, nhà nghèo không có điều kiện đến trường, vừa học vừa làm, học xong có thể ứng dụng vào cuộc sống và công việc - trồng cà phê…”. 

Ngành Giáo dục của chúng ta lại đem mô hình này vào giảng dạy đại trà cho tất cả các địa phương trên cả nước, với mọi đối tượng, mọi trình độ học sinh.

Chưa nói đến việc, học sinh nghèo ở vùng núi của Colombia học theo mô hình En rồi ứng dụng luôn vào công việc trồng cà phê nên lượng kiến thức các em cần nắm nó giản đơn, thực tế.

Kể cả trong môn tiếng Anh, khoa học xã hội cũng như môn toán sẽ được áp dụng trực tiếp trên các trang trại cà phê.

Còn mục tiêu giáo dục của chúng ta là “sánh ngang với các cường quốc năm châu” nên những kiến thức giáo dục cũng phức tạp, đa dạng, phong phú và nhiều nội dung mang tính hàn lâm. Thế mà, chúng ta vẫn buộc những đứa trẻ còn ngây thơ phải “bóp đầu, nhăn trán” suy nghĩ để tự làm.

VNEN nêu cao tinh thần tự học, tự suy nghĩ và hợp tác nhưng học sinh của chúng ta nhiều em đang ngồi nhầm lớp. Giáo viên cầm tay chỉ việc, làm mẫu để mong các em làm theo còn cứ ngu ngơ thì làm sao có thể tự học, tự suy nghĩ để cùng tranh luận, phản biện với bạn, với thầy cô? (quả là điều không tưởng).

Lãnh đạo bảo thủ

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến việc VNEN hoàn toàn “thất thủ” là do lãnh đạo ngành từ cấp cao xuống cấp thấp đều bảo thủ và không chịu lắng nghe, không chịu ghi nhận và càng không bao giờ cho là mình đã sai.  

Nhiều người trong số này, suốt ngày ngồi phòng lạnh nhưng lại cho rằng “mọi chỉ đạo của mình đều duy nhất đúng”, không biết lắng nghe giáo viên những người hằng ngày trực tiếp giảng dạy theo mô hình VNEN. Không chịu nghe phụ huynh những người có con đang theo học mô hình này cũng hằng ngày nhìn thấy sự sa sút trong lực học của con.

Hình ảnh minh họa về một lớp học được tổ chức theo mô hình VNEN (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Hình ảnh minh họa về một lớp học được tổ chức theo mô hình VNEN (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Họ phản bác, quy chụp những giáo viên góp ý về mô hình VNEN rằng: “thầy cô chưa biết dạy, ngại đổi mới, không chịu học hỏi…”. Có người còn nặng nề hơn “thầy cô đang chống đối với chủ trương đổi mới lớn của ngành”. 

Hay “thầy cô dạy sai tinh thần VNEN, học sinh yếu, không tiếp thu bài là do chính thầy cô đã bỏ quên nó trong tiết dạy, đã không giúp đỡ kịp thời các em”…

Thế rồi sau đó, là những lời nhắc nhở nặng nề” giáo viên cần cẩn trọng khi phát ngôn” hay “thầy cô hiểu gì về VNEN mà nói?”. Và, hàng loạt những công văn gửi về các trường “cần tổ chức tập huấn lại chương trình VNEN để giáo viên thấm nhuần”…

Bằng chứng là cho đến nay, sau hàng chục địa phương đã lên tiếng chấm dứt mô hình VNEN trước sự phản ứng dữ dội của phụ huynh. Bộ Giáo dục cũng đã thừa nhận do triển khai VNEN quá vội vàng, rồi Giám đốc Sở Giáo dục ở một số tỉnh nhận lỗi nhưng vẫn còn rất nhiều các tỉnh thành khác vẫn duy trì và mở rộng thêm nhiều trường học dạy theo mô hình này.

Sự thất bại của mô hình VNEN là sự thật. Mong rằng năm học mới này, lãnh đạo giáo dục ở các địa phương hãy mạnh dạn chấm dứt mô hình VNEN để học sinh đỡ phải làm những chú ‘chuột bạch’ tội nghiệp bất đắc dĩ.

Thuận Phương