Bài học trong khâu tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên

14/08/2016 08:17
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Công tác tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên thời gian qua đang bộc lộ không ít những bất cập, kéo theo nhiều hệ lụy.

LTS: Bàn về công tác tuyển dụng giáo viên tại các trường hiện nay, thầy giáo Bùi Minh Tuấn đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Còn nhớ, vào những ngày này năm 2015, khi năm học 2015-2016 đã cận kề, vụ việc 214 giáo viên các trường cấp Trung học Cơ sở, Tiểu học và Mầm non trên địa bàn huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) bị chấm dứt hợp đồng làm việc gây xôn xao dư luận.

Tính chất nghiêm trọng của vụ việc không chỉ bởi các giáo viên bị cắt hợp đồng đã làm đơn khiếu nại gửi tới nhiều cơ quan chức năng, thậm chí vượt hàng trăm cây số ra tận Hà Nội “cầu cứu” Bộ Nội vụ mà còn từ những hệ lụy khác tác động tới cuộc sống, tâm lý của hàng trăm giáo viên.

Công tác tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên thời gian qua đang bộc lộ không ít những bất cập (Ảnh: thanhnien.vn).
Công tác tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên thời gian qua đang bộc lộ không ít những bất cập (Ảnh: thanhnien.vn).

Từ những kết luận của các cơ quan chức năng về vụ việc này, có thể rút ra nhiều bài học về công tác tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương, nhất là khi năm học 2016-2017 sắp sửa bắt đầu.

Sự việc bắt đầu từ những ngày chuẩn bị khai giảng năm học 2015-2016, 214 giáo viên đang công tác tại các trường học ở cấp Trung học Cơ sở, Tiểu học và Mầm non trên địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc.

Trước đó, từ năm 2010-2014, những giáo viên này đã được Uỷ ban Nhân dân huyện Kỳ Anh (trước khi chia tách) ký hợp đồng làm việc theo diện ngắn hạn.

Sau khi thực hiện việc phân chia lại địa giới hành chính, huyện Kỳ Anh có 142 giáo viên, thị xã Kỳ Anh có 42 giáo viên tiếp tục được ký hợp đồng làm việc có thời hạn.

Mặc dù trước ngày chấm dứt hợp đồng 30/9/2015, các cấp, ngành có liên quan ở địa phương đã tiến hành gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các giáo viên bị cắt hợp đồng nhưng sự việc nêu trên đã khiến cho hàng trăm giáo viên rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống gia đình bị xáo trộn.

Bài học trong khâu tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên ảnh 2

Bộ Nội vụ yêu cầu Hà Tĩnh sớm giải quyết vụ 214 giáo viên bị cắt hợp đồng

Không ít giáo viên trong số đó, sau khoảng thời gian công tác, cống hiến bỗng nhiên mất việc đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lí, gây ra không ít ức xúc.

Không đồng tình với quyết định chấm dứt hợp đồng, hàng loạt giáo viên đã viết đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng, thậm chí không quản ngại khó khăn ra Hà Nội gửi “tâm thư” cầu cứu Bộ Nội vụ.

Sau khi xem xét hồ sơ và bức tâm thư của các giáo viên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã dẫn đầu đoàn công tác, trực tiếp làm việc với Uỷ ban Nhân dân huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh về vấn đề này.

Kết luận tại buổi làm việc sáng ngày 26/10/2015, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc ký hợp đồng với 214 giáo viên của Uỷ ban Nhân dân huyện Kỳ Anh là sai khi chưa tuân thủ các quy định về công tác tuyển dụng, nhất là khi địa phương đang thừa giáo viên ở một số đơn vị trường học nhưng vẫn tiến hành ký kết.

Bên cạnh đó, theo chính sách của Nhà nước, con thương binh, liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc da cam, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn… sẽ được quan tâm ưu tiên khi tuyển dụng.

Tuy nhiên, huyện Kỳ Anh chưa thực hiện nghiêm túc vấn đề này.

Hướng giải quyết được Thứ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra, đó là: Chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân vi phạm trong công tác tuyển dụng, ký kết hợp đồng.

Bài học trong khâu tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên ảnh 3

Bộ Nội vụ muốn tìm việc cho 214 giáo viên tại huyện Kỳ Anh

Mặt khác, trong số nhưng giáo viên bị cắt hợp đồng, địa phương tiến hành xem xét ưu tiên tiếp nhận, tuyển dụng những giáo viên có thành tích giảng dạy, cống hiến lâu năm.

Cho đến nay, “số phận” của nhiều giáo viên bị chấm dứt hợp đồng vẫn còn phải trông chờ vào những bước đi tiếp theo của các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên từ vụ việc đáng tiếc trên, có thể nhận thấy công tác tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên thời gian qua đang bộc lộ không ít những bất cập, kéo theo nhiều hệ lụy và “câu chuyện” nêu trên có thể không chỉ của riêng Hà Tĩnh.

Những quy định về việc ký hợp đồng tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ, công viên chức đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật như: Luận Cán bộ, công chức, Luật Viên chức cùng các Nghị định của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công viên chức.

Mặc dù công tác tuyển dụng đã có những quy trình chặt chẽ nhưng nhiều Hội đồng tuyển dụng giáo viên đã không thực hiện đầy đủ hoặc có những “sáng tạo” riêng.

Chẳng hạn như: Vẫn tiến hành ký hợp đồng khi địa phương đang thừa giáo viên; chỉ tiến hành ký hợp đồng làm việc ngắn hạn với giáo viên theo học kỳ hoặc từng năm học; không đóng hoặc chỉ hỗ trợ một phần bảo hiểm xã hội đối với những giáo viên ký hợp đồng làm việc ngắn hạn…

Bài học trong khâu tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên ảnh 4

Biên chế hay hợp đồng trong tuyển dụng giáo viên?

Những năm gần đây, do số lượng, quy mô trường lớp có xu hướng giảm, nhiều sinh viên Sư phạm ra trường đứng trước nguy cơ thất nghiệp trong khi khó tìm được việc làm trái với ngành nghề đã được đào tạo.

Nhu cầu có được việc làm tăng cao, không ít người tìm đủ mọi cách, kể cả việc phải “đi cửa sau” để có thể có được một “suất” vào giảng dạy ở các đơn vị trường học.

Thời gian qua, ở nhiều địa phương, đã có không ít những vụ “lình xình” trong khâu tuyển dụng giáo viên khi dư luận xôn xao về những “cò” chạy việc với mức giá từ hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng mỗi “suất”.

Ở đây, không thể không nhắc tới trách nhiệm của các cấp, ngành có liên quan khi đã buông lỏng quản lý, không theo dõi, kiểm tra chặt chẽ quy trình tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên của các đơn vị cơ sở.

Đây là tình trạng cần được chấn chỉnh kịp thời, nhất là trong thời điểm chuẩn bị năm học mới 2016-2017 nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, đúng quy định trong công tác tuyển dụng, đồng thời thu hút được những giáo viên thực sự có năng lực vào công tác ở các đơn vị trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương.   

Bùi Minh Tuấn