Đa phần giảng viên Công tác xã hội được đào tạo ở các ngành gần

05/05/2024 06:13
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, đa phần giảng viên ngành Công tác xã hội được đào tạo ở các ngành gần như Tâm lý học, Xã hội học, Giáo dục đặc biệt,... 

Theo chia sẻ của một số chuyên gia, ở các nước tiên tiến, lĩnh vực công tác xã hội phát triển đã hàng trăm năm và trở thành một nghề có vai trò quan trọng trong đời sống an sinh xã hội và phúc lợi của người dân. Còn ở Việt Nam, ngành Công tác xã hội phát triển sau so với thế giới, được kế thừa rất nhiều từ các nước đi trước cả về đào tạo cũng như nghề nghiệp công tác xã hội.

Tuy nhiên việc đào tạo ngành Công tác xã hội hiện nay còn đối mặt với một số khó khăn.

Nhân lực công tác xã hội chưa đáp ứng hết nhu cầu tuyển dụng

Bàn về nhu cầu nhân lực ngành Công tác xã hội, Tiến sĩ Tạ Thị Thanh Thuỷ - Chủ nhiệm Bộ môn Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng, Khoa Công tác xã hội (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, theo Thông tư số 26/2022/TT-BLĐTBXH ngày 12/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành Công tác xã hội có hiệu lực từ ngày 28/1/2023, người làm công tác xã hội đã có quy định rõ về ngạch, bậc lương.

Cô Thuỷ.jpg
Tiến sĩ Tạ Thị Thanh Thuỷ (Ảnh: NVCC)

Trên thực tế, nhu cầu nguồn nhân lực công tác xã hội tại Việt Nam rất lớn. Hiện mạng lưới cộng tác viên, công chức, viên chức công tác xã hội trên cả nước có khoảng hơn 230.000 người. Trong đó, có trên 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100.000 người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100.000 cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng,… [1].

Thêm nữa, riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 6.500 người làm việc công tác xã hội. Cụ thể, 3.000 người làm việc ở các cơ sở cai nghiện; hơn 1.000 người là cán bộ, nhân viên thuộc phòng lao động - thương binh và xã hội quận, huyện và nhân viên công tác xã hội phường, xã, thị trấn; khoảng 2.500 người tham gia hỗ trợ 92 cơ sở trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng, thực hiện các chính sách xã hội cho khoảng 170.000 người hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng [2].

Trước nhu cầu nguồn nhân lực công tác xã hội hiện nay, cô Thuỷ cho rằng, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội hàng năm cung ứng cho thị trường đội ngũ lao động vị trí nhân viên công tác xã hội chưa đáp ứng hết nhu cầu.

Tiến sĩ Đỗ Văn Toản - Phó Trưởng khoa Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường Đại học Đà Lạt nhận định, quá trình phát triển của ngành Công tác xã hội ở Việt Nam chưa đầy 20 năm, nếu so với bề dày phát triển của các nước trên thế giới thì ngành Công tác xã hội của nước ta còn ở giai đoạn chập chững.

Thầy Toản.jpg
Tiến sĩ Đỗ Văn Toản (Ảnh: NVCC).

Ngành Công tác xã hội phát triển tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, khi quốc gia càng phát triển thì vai trò của công tác xã hội càng quan trọng. Theo thầy Toản, từ khi Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (Đề án 32) được triển khai, công tác đào tạo nhân lực công tác xã hội đã có nhiều thành tựu và phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng của xã hội.

Tuy vậy, một số lĩnh vực công tác xã hội mới của Việt Nam, hay những lĩnh vực công tác xã hội chuyên biệt, nhân lực công tác xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Điển hình như lĩnh vực công tác xã hội trong trường học, y tế, chăm sóc sức khỏe; công tác xã hội với người cao tuổi, trẻ tự kỷ,... hay những lĩnh vực công tác xã hội chuyên biệt đòi hỏi việc đào tạo chuyên sâu, chuyên biệt như công tác xã hội lâm sàng cung cấp các hỗ trợ trị liệu về rối nhiễu tâm thần, các vấn đề về tâm lý – xã hội.

Còn Tiến sĩ Hà Thị Ân - phụ trách Bộ môn Công tác xã hội, Khoa Xã hội học và Công tác xã hội Trường Đại học Đà Lạt cho hay, Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/01/2021 về Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 nêu rõ mục tiêu cụ thể đạt 60% (2021-2025) và 90% (2026-2030) số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội. Đây là thuận lợi và cơ hội lớn cho ngành Công tác xã hội khi được nhà nước quan tâm, khẳng định vị trí, vai trò trong các cơ quan, đơn vị.

Hà Thị Ân.jpg
Tiến sĩ Hà Thị Ân (bên phải) chụp ảnh khi tham gia trình bày trong một hội thảo (Ảnh: NVCC)

Theo cô Ân, ở các nước có lĩnh vực công tác xã hội phát triển lâu đời như Mỹ, Anh, Đức, Úc, Canada, nhân viên công tác xã hội chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

"Với xu hướng phát triển dịch vụ công tác xã hội, nhu cầu đội ngũ nhân viên công tác xã hội ở nước ta hiện nay và trong tương lai sẽ tăng về số lượng, sự đa dạng vị trí việc làm nhưng cũng đòi hỏi cao hơn về chất lượng cũng như đào tạo chuyên sâu (như công tác xã hội trong bệnh viện, trường học, chăm sóc sức khoẻ tâm thần, công tác xã hội với người cao tuổi, trẻ có nhu cầu đặc biệt; công tác xã hội lâm sàng, trị liệu)”, cô Ân nói.

Đào tạo ngành Công tác xã hội của nước ta còn hạn chế

Phụ trách Bộ môn Công tác xã hội, Khoa Xã hội học và Công tác xã hội Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ rằng, so với thế giới, đào tạo ngành Công tác xã hội của nước ta còn một số hạn chế.

Cô Ân đã tham gia khảo sát của nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về tỷ lệ trình độ giảng viên ngành Công tác xã hội. Và kết quả khảo sát này đã được nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn sử dụng để báo cáo trong hội thảo liên quan đến ngành Công tác xã hội. Cụ thể, ngành chỉ có 8,7% giảng viên Công tác xã hội có bằng tiến sĩ Công tác xã hội; 28,1% có bằng thạc sĩ Công tác xã hội, còn lại đa phần giảng viên ngành Công tác xã hội được đào tạo ở các ngành gần như Tâm lý học, Xã hội học, Giáo dục đặc biệt,…

Ngoài ra, cô Ân cũng cho rằng, ở trên thế giới, nhân viên công tác xã hội phần lớn làm việc trong các lĩnh vực công tác xã hội lâm sàng, cung cấp các chẩn đoán, hỗ trợ và can thiệp trị liệu về rối nhiễu tâm thần, tâm lý, hành vi,… nên đòi hỏi giảng viên ngoài có nền tảng kiến thức và cơ sở lý luận vững chắc thì cần kỹ năng, kinh nghiệm thực hành, thực tế để giảng dạy, hướng dẫn sinh viên. Trong khi đó, việc giảng dạy ngành Công tác xã hội ở nước ta còn nặng về lý thuyết - điều này đặc biệt khó khăn trong đào tạo nhân viên công tác xã hội bậc chuyên sâu trong nước.

Ngoài ra, còn một số hạn chế về tài liệu tham khảo, giáo trình ngành Công tác xã hội bằng tiếng Việt cho giảng viên, sinh viên và người thực hành công tác xã hội.

Còn cô Thuỷ bày tỏ, trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, Luật Công tác xã hội, các cơ sở đào tạo nên có lộ trình để tăng tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngành Công tác xã hội.

Bên cạnh đó, cần phải củng cố, rà soát các chương trình đào tạo, đặc biệt là các chương trình đào tạo chuyên sâu ở bậc thạc sĩ để có nguồn nhân lực công tác xã hội trong lĩnh vực chuyên biệt. Ngoài ra, việc tuyển sinh cũng cần có khảo sát định lượng về thị trường việc làm đối với ngành Công tác xã hội.

Chỉ ra thêm một số hạn chế, theo thầy Toản, thứ nhất, hiện nay mặc dù số lượng giảng viên được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ Công tác xã hội tăng lên nhưng vẫn chưa đủ để đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu hiện tại ở Việt Nam cũng như so với thế giới.

Thứ hai, hiện nay đã có Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, tuy nhiên về mặt hoạt động, quy định pháp lý chưa rõ ràng. Trong thời gian tới, cần thúc đẩy hoạt động, vai trò của hiệp hội này, cũng như các trường có đào tạo ngành Công tác xã hội ở Việt Nam.

Từ những khó khăn, thách thức mà ngành Công tác xã hội đang phải đối mặt, thầy Toản chia sẻ, cần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến đào tạo ngành Công tác xã hội, thực hành nghề công tác xã hội, yêu cầu về bằng cấp, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp của cán bộ chuyên trách công tác xã hội,... Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ngành Công tác xã hội. Phát triển các hoạt động hợp tác với các trường, đơn vị nước ngoài để trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong mạng lưới các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành Công tác xã hội ở Việt Nam.

Ngoài ra, thầy Toản mong muốn có thể xây dựng được ít nhất một tạp chí chuyên ngành Công tác xã hội ở trong nước để tạo thuận lợi cho việc chia sẻ, trao đổi, phát triển chuyên môn, chuyên nghiệp về lĩnh vực công tác xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/chuan-hoa-doi-ngu-nguoi-lam-cong-tac-xa-hoi-102220513100112784.htm

[2] https://www.sggp.org.vn/thieu-hut-nhan-luc-cong-tac-xa-hoi-post716443.html

Ngọc Mai