Học phí ngành Marketing ở một số trường ĐH phía Bắc, có nơi hơn 60 triệu/năm

05/05/2024 06:28
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Học phí ngành Marketing năm học 2024  -2025 tại một số trường đại học có sự chênh lệch đáng kể giữa các chương trình đào tạo.

Tại Việt Nam, ngành Marketing ngày càng đang được đẩy mạnh đào tạo với nhằm thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ từ thực tiễn và đáp ứng nhu cầu từ thị trường lao động.

Theo kết quả khảo sát của nhiều trường đại học về tỷ lệ sinh viên có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp, ngành Marketing thường đạt mức cao. Ở một số trường đại học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của ngành này là cao nhất.

Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Marketing được đào tạo theo 2 chương trình là Marketing chương trình chuẩn và Truyền thông Marketing chương trình giáo dục đại học định hướng ứng dụng (POHE).

Theo thống kê, tỷ lệ sinh viên ngành Marketing của trường có việc làm trong khoảng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp (năm 2023) đạt 97,93%.

Theo Đề án tuyển sinh của trường, năm học 2024 - 2025, mức học phí ngành Marketing ( đại học chính quy) của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đối với chương trình chuẩn khoảng từ 16 - 22 triệu đồng/năm học, lộ trình tăng học phí tối đa 10% cho từng năm.

Năm nay, nhà trường áp dụng 03 phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế và đề án tuyển sinh (2%); Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 (18%); Xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh (80%).

Với ngành Marketing chương trình chuẩn, chỉ tiêu dự kiến tuyển là 180 với các tổ hợp xét tuyển là A00; A01; D01; D07.

Ngành Truyền thông Marketing chương trình giáo dục đại học định hướng ứng dụng dự kiến tuyển 60 chỉ tiêu áp dụng các tổ hợp xét tuyển là A01; D01; D07; D09.

Theo đó, với phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, ngưỡng đầu vào dự kiến là 20 điểm bao gồm cả điểm ưu tiên, nhà trường sẽ thông báo cụ thể sau khi có kết quả điểm thi chính thức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.

Đối với phương thức xét tuyển kết hợp, ngưỡng đầu vào là điều kiện nộp hồ sơ của từng đối tượng trong mỗi nhóm xét tuyển kết hợp.

gdvn_ảnh 1.png

Trường Đại học Ngoại thương chính thức tuyển sinh nhóm ngành Marketing từ năm 2022. Cụ thể, Trụ sở chính Hà Nội tuyển sinh chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế Marketing số; Cơ sở II – Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế Truyền thông Marketing tích hợp.

Ngành Marketing tại trường được đào tạo theo chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế, mức học phí dao động từ 60 -65 triệu đồng/năm học.

Với các chương trình đào tạo khác tại trường, mức học phí được áp dụng như sau:

anh 2.png

Năm nay, trường dự kiến tuyển 50 chỉ tiêu cho ngành Marketing số tại trụ sở chính Hà Nội và 50 chỉ tiêu cho ngành Truyền thông Marketing tích hợp tại cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh, xét các tổ hợp là A00; A01; D01; D07.

Tại Trường Đại học Hà Nội, ngành Marketing được đào tạo với chương trình dạy bằng Tiếng Anh, mức học phí là 118.320.000 đồng/4 năm cho 147 tín chỉ, tương đương 29.580.000 đồng/năm học.

Cụ thể, mức học phí áp dụng cho sinh viên chính quy khóa 2024 với nhóm dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ sẽ là 720.000 đồng/tín chỉ cho các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương, tương đương 49.680.000 đồng/ 69 tín chỉ.

Với học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành, bổ trợ, dự án tốt nghiệp, thực tập và khóa luận tốt nghiệp, học phí sẽ là 880.000 đồng/tín chỉ (với các ngành dạy bằng tiếng Anh), tương đương 68.640.000 đồng/78 tín chỉ.

Theo đó, mức học phí được điều chỉnh từng năm học theo lộ trình điều chỉnh học phí của Chính phủ và tùy thuộc tình hình thực tế với mức tăng không quá 15%/năm học.

Điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào được quy định, thí sinh phải có tổng điểm 03 môn thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Vật lý, Tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 đạt 16 điểm trở lên (theo thang điểm 30, chưa nhân hệ số).

Năm 2024, trường dự kiến tuyển sinh với 03 phương thức bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chiếm 5% tổng chỉ tiêu); Xét tuyển kết hợp theo quy định của Trường Đại học Hà Nội (45%); Xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 (50%).

Theo đó, ngành Marketing dự kiến tuyển 75 chỉ tiêu, xét theo tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Thương mại dự kiến tuyển 4950 chỉ tiêu cho tổng 38 chương trình đào tạo. Trong đó có 27 chương trình đào tạo chuẩn, 3 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp và đặc biệt là 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) bắt đầu được tuyển sinh từ năm nay.

Ngành Marketing tại Trường Đại học Thương mại được đào tạo với nhiều chuyên ngành/chương trình khác nhau. Năm 2024, chỉ tiêu dự kiến cho các chuyên ngành và chương trình đào tạo ngành Marketing như sau: Marketing thương mại (200 chỉ tiêu), Marketing quản trị thương hiệu (170 chỉ tiêu), Marketing số (100 chỉ tiêu) và Marketing thương mại theo chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế IPOP (100 chỉ tiêu), cùng xét theo các tổ hợp A00; A01; D01; D07.

GDVN_ảnh 3.png

Với sinh viên đại học chính quy năm học 2024 - 2025, mức học phí quy định với chương trình đào tạo chuẩn dao động từ 2,4 - 2,6 triệu đồng/tháng, tương đương từ 24 - 26 triệu đồng/năm tuỳ theo chương trình đào tạo.

Với các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), mức học phí là 3,5 triệu đồng/tháng, tương đương 35 triệu đồng/năm học.

Các chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp, mức học phí được áp dụng là 2,6 triệu đồng/tháng, tương đương 26 triệu đồng/năm.

Về mức thu học phí hàng năm, nhà trường quy định tăng không quá 12,5% so với năm học trước liền kề.

Năm nay, trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2023 bao gồm 5 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển theo kết quả học tập cấp Trung học phổ thông đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; Xét tuyển kết hợp

Theo kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ngành Marketing đạt tỷ lệ cao nhất tại trường, ở cơ sở phía Bắc là 95,65% và cơ sở phía Nam là 88,89%.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Marketing của Học viện được đào tạo theo 2 chương trình: chương trình chuẩn và chương trình tiên tiến. Theo đó, mức học phí trình độ đại học hệ chính quy với chương trình chuẩn năm học 2024-2025 trung bình từ khoảng 27- 34 triệu đồng/năm, tùy theo từng ngành học.

Với chương trình tiên tiến, mức học phí được quy định từ khoảng 39- 55 triệu đồng/năm học và chương trình liên kết quốc tế, học phí được quy định dao động từ khoảng 49 - 55,5 triệu đồng/năm tùy theo từng chương trình.

Nhà trường cũng nêu rõ lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm học sẽ được điều chỉnh phù hợp và tương xứng với chất lượng đào tạo, đảm bảo tỷ lệ tăng không quá 15% qua mỗi năm học.

Năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển 5060 chỉ tiêu cho cả 2 cơ sở với các ngành/nhóm ngành, chương trình đào tạo theo 04 phương thức xét tuyển như sau:

ảnh 4.png

Tại cơ sở phía Bắc, trường dự kiến tuyển 220 chỉ tiêu cho ngành Marketing chương trình chuẩn và 100 chỉ tiêu cho chương trình tiên tiến, tổ hợp xét tuyển là A00; A01; D01.

Tại cơ sở phía Nam, chỉ tiêu cho chương trình chuẩn ngành Marketing là 90 và chương trình tiên tiến là 40 chỉ tiêu.

Đào Hiền