"Hành trình khởi nghiệp từ THPT" - Ươm mầm tương lai cho học sinh

05/05/2024 11:07
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Hội thảo Hành trình khởi nghiệp từ THPT tại Trường Trung học phổ thông Đan Phượng mở ra nhiều góc nhìn mới về khởi nghiệp cho học sinh.

Ngày 4/5, hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” đã được tổ chức với sự phối hợp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, nhằm ươm mầm, nuôi dưỡng ý tưởng, niềm đam mê khởi nghiệp cho học sinh ngay từ trung học phổ thông.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Trường Trung học phổ thông Đan Phượng và kết nối trực tuyến trên nền tảng Zoom tới các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện Đan Phượng, thị xã Sơn Tây, huyện Chương Mỹ, huyện Ba Vì, huyện Hoài Đức, huyện Phú Xuyên, huyện Phúc Thọ, huyện Quốc Oai, huyện Thạch Thất, huyện Mỹ Đức, huyện Ứng Hòa.

Ảnh 5 (3).jpg
Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” tại Trường Trung học phổ thông Đan Phượng. Ảnh: NTCC

Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Hồng Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội.

Về phía huyện ủy Đan Phượng, hội thảo có sự góp mặt của ông Trần Đức Hải - Thành ủy viên - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng; bà Đào Thị Hồng, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng.

Đại diện cho Trường Trung học phổ thông Đan Phượng có cô Hoàng Thị Hồng Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường, cùng hai Phó Hiệu trưởng là thầy Phạm Thành Công và thầy Nguyễn Văn Hải và các thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm và học sinh lớp 12.

Phía doanh nghiệp có sự góp mặt của Tiến sĩ Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia và Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam & Bizcare.

Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam có Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường - nguyên Ủy viên trung ương Đảng - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp Việt Nam - Cố vấn cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quốc Hưng - Chủ tịch Viện Kinh tế Văn hóa - thành viên Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp - Phó Giám đốc Học viện và Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng - Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ.

Hội thảo còn quy tụ sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, giảng viên và sinh viên từ Học viện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Hồng Vũ cho biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng khởi nghiệp to lớn, tỉ lệ khởi nghiệp thành công chưa xứng với tiềm năng mà chúng ta có.

GDVN_ảnh 1.JPG
Ông Lê Hồng Vũ – Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Châu Anh

Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”.

Thông qua hội thảo, Phó trưởng phòng giáo dục bày tỏ mong muốn trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh trung học phổ thông, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và đam mê khoa học công nghệ cho các bạn.

Ảnh 2 (2).jpg
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường - nguyên Ủy viên trung ương Đảng - Cố vấn cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: NTCC

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường - cố vấn cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước, do vậy Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn chăm lo đến sự nghiệp đào tạo giáo dục của nhân dân.

Đồng thời, Tiến sĩ cũng chia sẻ về những thuận lợi và thách thức của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và vận động tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nga - Giảng viên cao cấp Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ về chủ đề “Nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại 4.0”, đem lại cho học sinh cái nhìn rõ ràng về ảnh hưởng của thời đại 4.0 tới cuộc sống và công việc của mỗi người, và các bạn cần làm gì để đáp ứng với những yêu cầu của xã hội trong thời đại này.

Ảnh 3 (1).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nga - Giảng viên cao cấp Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về chủ đề “Nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại 4.0”. Ảnh: NTCC

“Hiện nay chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển dựa trên 3 trụ cột chính: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Chúng ta đã ứng dụng rất nhiều các công nghệ mới để làm cho đời sống ngày càng phát triển.

Với sự giúp đỡ cực kỳ lớn của trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn,...chúng ta có thể nâng cao giá trị và phát triển bền vững hơn, không chỉ chú trọng về kinh tế mà còn về xã hội, môi trường. Tóm lại, công nghệ sẽ thay đổi mọi mặt trong đời sống của chúng ta, từ những hộ gia đình cho đến quy mô toàn cầu”, cô Nga phân tích.

Trong bối cảnh đó, ngoài những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nhân sự trong thời đại 4.0 còn cần có kiến thức chung về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường; có kỹ năng về công nghệ 4.0; kỹ năng tự học, tư duy phản biện. Đặc biệt, mỗi nhân sự đều cần có phẩm chất đạo đức tốt.

Ảnh 4 (1).jpg
Tiến sĩ Dương Văn Nhiệm - Giảng viên Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về “Hoạt động khởi nghiệp của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam”. Ảnh: NTCC

Tiến sĩ Dương Văn Nhiệm - Giảng viên Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trình bày về “Hoạt động khởi nghiệp của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam”.

Tiến sĩ Dương Văn Nhiệm đã cung cấp thông tin về những hoạt động mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện để trang bị kiến thức khởi nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, đồng thời chia sẻ các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trong suốt 10 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị tiên phong trong phong trào khởi nghiệp, và liên tục đạt giải.

Các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên rất sôi động và liên tục được mở rộng. Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã tổ chức 9 cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, thu hút 1.400 dự án tham gia từ rất nhiều các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông. Trong 9 năm qua, sinh viên của Học viện đã giành 5 giải nhất thi khởi nghiệp quốc gia và nhiều giải thưởng khác.

Tiến sĩ Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam & Bizcare đã chia sẻ cho học sinh về “Kinh nghiệm khởi nghiệp”. Tiến sĩ Thắng sử dụng Thuyết Vòng tròn Vàng (The Golden Circle) của Simon Sinek, gồm 3 yếu tố chính (Động lực - Why, Quy trình - How, Kiến thức gì - What) để làm rõ cho sinh viên hiểu vì sao nên khởi nghiệp, làm thế nào để khởi nghiệp và khởi nghiệp cần kiến thức gì. Cùng với đó là một số số liệu liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Hà Nội.

Theo Tiến sĩ Đàm Quang Thắng, để khởi nghiệp thành công, chúng ta cần vững vàng về kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mình muốn khởi nghiệp, kiến thức về quản lý kinh doanh, kiến thức phân tích thị trường, kỹ năng quản lý rủi ro và kiến thức về pháp luật, quy định liên quan đến lĩnh vực đó.

GDVN_Ảnh 6.JPG
Nhiều học sinh thích thú với nội dung của Hội thảo. Ảnh: Châu Anh

Nối tiếp các phần tham luận, học sinh được tham gia trò chơi “Tìm hiểu về Học viện Nông nghiệp Việt Nam”. Ban tổ chức hội thảo đã trao 16 giải thưởng cho các học sinh trả lời nhanh và đúng nhất.

Không chỉ được lắng nghe những chia sẻ từ phía các giảng viên, tại hội thảo, học sinh Trường Trung học phổ thông Đan Phượng cũng có cơ hội bày tỏ quan điểm và đưa ra nhiều câu hỏi. Những thắc mắc của học sinh đã được lãnh đạo lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, đại diện doanh nghiệp và sinh viên học viện giải đáp chi tiết.

Ảnh 8 (1).JPG
Học sinh Phạm Yến Vy đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh: Châu Anh

Em Phạm Yến Vy, học sinh lớp 12A2, Trường Trung học phổ thông Đan Phượng hào hứng chia sẻ: “Trước khi tham gia hội thảo này, với tâm thế không có niềm yêu thích về nông nghiệp, em đã nghĩ mình sẽ không học được gì nhiều. Nhưng sau buổi hôm nay, em thực sự được mở mang. Hóa ra nông nghiệp còn rất nhiều khía cạnh để phát triển chứ không phải là chỉ đi cày ruộng. Thêm vào đó, em biết được rằng học quản trị rất có ích cho bản thân trong quá trình khởi nghiệp, để bản thân tự có thể quản trị doanh nghiệp của mình”.

Ảnh 9.jpg
Tiến sĩ Đàm Quang Thắng trả lời câu hỏi của học sinh. Ảnh: NTCC

Tiến sĩ Đàm Quang Thắng đã giải đáp thắc mắc của bạn Vy về việc làm thế nào để sản phẩm của mình có thể tiếp cận được với nhiều người nhất. Theo thầy, một sản phẩm được tạo ra không phải để bán cho tất cả mọi người, mà chúng ta bán cho ai có nhu cầu. Sản phẩm phải là giải pháp cho khách hàng, là những gì chất lượng nhất, trải qua nhiều khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá để có thể đến được tay những khách hàng sẵn sàng chi trả cho sản phẩm.

Trả lời câu hỏi về việc liệu Học viện Nông nghiệp Việt Nam có cung cấp kiến thức về khởi nghiệp cho sinh viên hay không, Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp khẳng định: “Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các bạn sẽ được trang bị tất cả những kiến thức về khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Học viện có đội ngũ các thầy cô vô cùng tâm huyết, hầu hết đã được đào tạo bài bản tại các nước có nền khoa học công nghệ phát triển. Thêm vào đó, Học viện liên tục tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo, học viện cũng có câu lạc bộ khởi nghiệp để sinh viên có thể đề xuất các ý tưởng, trao đổi thảo luận với nhau để hình thành ý tưởng khởi nghiệp.

Không chỉ thế, học viện có cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là những cơ sở vật chất mang tính nghiên cứu, các em hoàn toàn có thể sử dụng các cơ sở vật chất này để đề xuất các ý tưởng khởi nghiệp gắn với nghiên cứu”.

Ảnh 13.jpg
Đại biểu và học sinh lớp 12 chụp ảnh lưu niệm cuối hội thảo. Ảnh: NTCC

Tiếp đó, ông Lê Hồng Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội có những giải đáp cho học sinh về câu hỏi liên quan đến việc chọn ngành sao cho ra trường không bị thất nghiệp. Theo ông, lựa chọn ngành nghề cần dựa vào niềm yêu thích, sự phù hợp. Không có nghề nào là không tìm được việc làm nếu như bản thân thực sự có năng lực và đam mê.

Chia sẻ về lý do lựa chọn Học viện Nông nghiệp Việt Nam, em Nguyễn Thị Hà Trang – sinh viên năm 4 khoa Sư phạm Công nghệ của Học viện cho biết, bên cạnh các yếu tố về cơ sở vật chất, điều đặc biệt đã thu hút em là các chương trình học bổng của Học viện.

Học viện có rất nhiều chương trình học bổng cho các bạn tân sinh viên cũng như sinh viên đang theo học. Trang cũng bày tỏ sự biết ơn tới các thầy cô vì đã giúp đỡ em rất nhiều trong quá trình học tập.

Phát biểu bế mạc hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”, Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam gửi lời cảm ơn sự tới Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, cũng như các thầy cô và học sinh đã tham gia chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến cho hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp bày tỏ sự thống nhất cao với các đánh giá về nhu cầu nguồn nhân lực, hành trình khởi nghiệp của các em học sinh, sinh viên tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, các trường đại học nói chung và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng, cùng các kiến nghị, các giải pháp cần phải thực hiện trong thời gian tới.

Cuối cùng, lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác và kết nối giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với các cơ sở giáo dục.

Châu Anh