Ban giám hiệu luôn phải đi họp và báo cáo, thời gian đâu lo cho trường?

11/05/2015 09:10
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Ban giám hiệu vừa lo đi họp ở Sở giáo dục vừa lo đi họp ở Phòng giáo dục. Hết làm báo cáo gởi Phòng, lại đến báo cáo gởi Sở.

LTS: Đây là trăn trở của thầy Đỗ Tấn Ngọc, một thầy giáo ở tỉnh Quảng Ngãi khi mạnh dạn nói lên những bất cập khi tồn tại loại hình trường ghép giữa THCS và THPT.

Bài được thầy Đỗ Tấn Ngọc gửi về Tòa soạn sẽ giúp chúng ta có góc nhìn của một người trong cuộc.

Hiện nay, ở bậc học phổ thông trên cả nước vẫn còn  nhiều trường ghép, trường cấp 2+3. Mô hình trường loại này ra đời và tồn tại đến nay là xuất phát từ điều kiện kinh tế những địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, số lượng học sinh còn ít, chưa đủ khả năng, điều kiện để tách ra thành những trường độc lập.

Nhiều cán bộ quản lý, thầy cô giáo có thâm niên mấy chục năm công tác ở loại trường ghép này rất thấm thía với những khó khăn, bất cập khi tham gia giảng dạy quản lý giáo dục ở các trường như vậy.

Ban giám hiệu luôn phải đi họp và báo cáo, thời gian đâu lo cho trường? ảnh 1

Ảnh minh họa. Báo Ninh Bình

Về công tác quản lý, các thầy cô làm Ban giám hiệu gặp nhiều vất vả, nhọc nhằn hơn trong công việc so với trường độc lập chỉ có 1 bậc học THCS hoặc THPT, vì khối lượng công việc nhiều, bao trùm từ bậc THCS gồm các lớp 6,7,8,9 đến  bậcTHPT gồm các lớp 10,11,12.

Nặng nề hơn, trong chương trình đổi mới, phân ban được Bộ GD&ĐT khởi xướng từ năm 2006 đến nay, cán bộ quản lý tại các nhà trường phổ thông phải đảm đương vô số nhiệm vụ, công việc, yêu cầu mới.

Các Ban giám hiệu ở đây phải vừa lo đi họp ở Sở giáo dục vừa phải lo đi họp ở Phòng giáo dục. Hết làm báo cáo gởi Phòng giáo dục, lại đến báo cáo gởi Sở giáo dục.

Vừa phải lo chỉ đạo, điều hành bậc THPT, vừa phải lo điều hành công tác bậc THCS. Công việc vất vả là vậy nhưng về chế độ bồi dưỡng, phụ cấp chức vụ thì họ vẫn không được gì khá hơn so với các đồng nghiệp ở các trường độc lập.

Ban giám hiệu luôn phải đi họp và báo cáo, thời gian đâu lo cho trường? ảnh 2 Học sinh ngồi nhầm lớp, nếu hỏi cấp trên, lỗi sẽ là của ...giáo viên

(GDVN) - Lớp một học âm vần chưa xong, lên lớp hai không thể học được và các em có nguy cơ tái mù rất cao. Mọi người sẽ không thể hình dung ra sự vất vả của thầy cô.

Mặt khác, loại đơn vị trường ghép lại trực thuộc hai đơn vị chủ quản là Sở giáo dục và phòng giáo dục.

Do hai đơn vị này lại không thống nhất, lệch nhau về kế hoạch, về thời gian, về nhiều nội dung, hoạt động trong công tác chỉ đạo nên đã gây không ít khó khăn, vất vả cho nhà trường ghép khi tiếp nhận, triển khai, thực hiện nhiệm vụ.

Lắm khi cái nọ lại chồng chéo lên cái kia. Thầy Lê Chấn Thi, Phó Hiệu trưởng, trường cấp 2+3 Vạn Tường, huyện Bình Sơn ( Quảng Ngãi) cho biết: “Ngay cả công tác tổ chuyên môn cũng đã thấy mệt rồi, tổ phải quản từ lớp 6 đến lớp 12, việc trao đổi chuyên môn thường bị phân tán ra diện rộng, ít có điều kiện đi sâu khi đánh giá, trao đổi.

Các thầy cô giáo dạy cấp 2 ( tốt nghiệp hệ cao đẳng) thường rụt rè, thiếu tự tin khi làm việc, bàn bạc công việc với các thầy cô giáo cấp 3( tốt nghiệp đại học)”.

Một khía cạnh khác, trong một môi trường giáo dục sư phạm, có hai hệ trình độ, bằng cấp khác nhau thường tạo ra khoảng cách trong biểu hiện, ứng xử, quan hệ đồng nghiệp.

Anh hệ đại học chơi với đại học. Anh hệ cao quan hệ với hệ cao đẳng. Điều này không nên có trong nhà trường.

Mong mỏi thiết tha của các cán bộ quản lý, thầy cô giáo ở nhiều trường cấp 2+3 còn lại trên cả nước là Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương sớm có chủ trương và cho nguồn kinh phí tách hoàn toàn các trường cấp 2+3 thành các trường độc lập, để hoạt động giáo dục, nhất công việc quản lý, chuyên môn của nhà trường được thuận lợi, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn.

Việc tách các trường, các bậc học riêng biệt, chia nhỏ các trường ra, có qui mô, số lượng nhỏ và vừa phải cũng là xu hướng có cơ sở khoa học, từng đạt nhiều thành quả tốt mà nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã làm, chúng ta cần học tập và vận dụng dần dần trong điều kiện Việt Nam. 

Đỗ Tấn Ngọc