Bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường chưa được công nhận ở Việt Nam

28/07/2017 09:17
XUÂN QUANG - TRINH PHÚC
(GDVN) - Tình trạng rối loạn, mất dân chủ tại trường Đại học Chu Văn An đã kéo dài nhiều năm, nhưng vẫn chưa được chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm, chỉ sinh viên là khổ.

"Vô chính phủ"

Trường Đại học Chu Văn An (tỉnh Hưng Yên) đang đối diện với tình trạng "vô chính phủ".

Cơ sở giáo dục Đại học này nhiều năm không có Hiệu trưởng và hiện không có Hội đồng quản trị. Tình trạng mất dân chủ, phe cánh diễn ra đã nhiều năm, nhưng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên vẫn không có giải pháp xử lý triệt để vụ việc.

Việc ông Dương Phan Cường - Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị trường này vi phạm nghiêm trọng quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường; Điều lệ tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục cũng như pháp luật về giáo dục đại học khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường chưa được công nhận ở Việt Nam ảnh 1

Chủ tịch bị phế truất ký lung tung, dọa giải thể Đại học Chu Văn An

Bên cạnh đó, cổ đông sáng lập, sở hữu hơn 43% vốn góp thành lập trường Đại học Chu Văn An còn tố cáo ông Dương Phan Cường đang sử dụng bằng tiền sĩ nước ngoài thuộc diện không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận ở Việt Nam.

Đồng thời, theo nhóm cổ đồng này, nhiều lãnh đạo nhà trường cũng sử dụng bằng cấp bất minh để vụ lợi.

Xác minh của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, ngày 15/7/2005, ông Dương Phan Cường được Viện hàn lâm quốc tế (IIU-The International Interacademy Union) - tên viết tắt là MMC, cấp bằng Tiến sĩ số 0513.

Tuy nhiên, tấm bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường do cơ sở nước ngoài cấp nhưng chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.

"Với tài liệu hiện có, chưa đủ cơ sở để công nhận văn bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường do MMC thuộc Liêng bang Nga cấp, tương đương văn bằng tiến sĩ trong hệ thống văn bằng Việt Nam", kết luận số 816/KL-BGDĐT ngày 19/9/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.

Trường Đại học Chu Văn An: Ảnh tư liệu đăng trên website: cvauni.edu.vn.
Trường Đại học Chu Văn An: Ảnh tư liệu đăng trên website: cvauni.edu.vn.

Đáng đáng chú ý, trong hồ sơ lý lịch của ông Dương Phan Cường ở trường Đại học Chu Văn An thì thời gian ông này làm nghiên cứu sinh là từ năm 2002 - 2005.

Đây là thời điểm ông đang đảm nhiệm hai chức vụ: Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp và xuất nhập khẩu Hưng Yên, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học Kỹ nghệ và Kinh tế Hưng Yên.

Như vậy, không biết ông Cường làm nghiên cứu sinh bằng cách nào? Nhiều cổ đông nghi ngờ, ông Dương Phan Cường có dấu hiệu mua bằng tiến sĩ.

Theo các cổ đông sáng lập, với tấm bằng tiến sĩ không được Việt Nam công nhận, ông Dương Phan Cường không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu phó Trường đại học Chu Văn An.

Cụ thể, theo điều 38 của Điều lệ trường Đại học thì tiêu chuẩn bắt buộc của Hiệu phó là tiêu chuẩn đối với Hiệu trưởng, “có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín trong giới khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã có ít nhất 5 năm tham gia giảng dạy và quản lý giáo dục Đại học. Có bằng tiến sĩ…”.

Xét theo quy định này thì ông Cường không đủ điều kiện làm quản lý giáo dục với các chức danh: quyền Hiệu trưởng; Hiệu trưởng; Hiệu phó phụ trách trường…

Điều trớ trêu là, thời điểm năm 2012, ông Cường với nhiều tư cách (Hiệu phó phụ trách nhà trường, quyền Hiệu trưởng, lúc lại “chính danh” Hiệu trưởng…) đã ký các nhiều văn bản tùy tiện, trái quy định...

Giá trị những văn bằng tốt nghiệp trường Đại học Chu Văn An được ông Cường ký tùy tiện, vô nguyên tắc với học vị tiến sĩ (bằng tiến sĩ chưa được công nhận ở Việt Nam), liệu có giá trị về mặt pháp lý?

Nếu văn bằng không có giá trị thì ai phải chịu trách nhiệm về việc làm liều lĩnh, sai trái? Trách nhiệm của cơ quan quản lý tới đâu?

Một số cổ đông cho rằng: "Việc ông Cường sử dụng bằng tiến sĩ lệch chuẩn, vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm khiến nhiều người nghi ngờ rằng cơ quan có thẩm quyền dung túng, bao che cho vi phạm", một cổ đông Đại học Chu Văn An nhận định.

Bên cạnh đó, ông Cường được cho là không có chuyên môn về giáo dục nên đã thực hiện nhiều vấn đề rất phi giáo dục.

Cụ thể, tổ chức hội đồng khoa học đào tạo trái quy định, trong đó có cả những người chưa tốt nghiệp đại học.

Số lượng thành viên hội đồng cũng được quy định là số lẻ và không quá 25 thì ông Cường cho lên 30 người.

Hội đồng này được thành lập không trên cở sở quyết nghị của Hội đồng quản trị...

Đại học Chu Văn An "vô chính phủ" đến bao giờ? 

Ông Đặng Văn Định, nguyên Phó chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục, là người khai sinh ra Trường Đại học Chu Văn An (Hưng Yên) và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2007 - 2012. 

Nhưng từ khi lên nắm quyền, ông Dương Phan Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã chuyển nhượng một phần vốn cho nhiều thành viên khác trong nhà trường, đồng thời thể hiện rõ việc "thao túng" Đại học Chu Văn An (ông Cường không tổ chức đại hội cổ đông thường niên; không thông qua báo cáo tài chính hằng năm của nhà trường, không chia cổ tức...).

Ông Dương Phan Cường bị nhóm cổ đông sáng lập tố cáo nhiều vi phạm trong quá trình điều hành hoạt động Đại học Chu Văn An. Ảnh tư liệu đăng trên website: cvauni.edu.vn.
Ông Dương Phan Cường bị nhóm cổ đông sáng lập tố cáo nhiều vi phạm trong quá trình điều hành hoạt động Đại học Chu Văn An. Ảnh tư liệu đăng trên website: cvauni.edu.vn.

Năm 2012, khi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị mới, ông Dương Phan Cường đã ký quyết định cho thôi việc hàng loạt giảng viên, cán bộ, trong đó có những người đang đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt như Hiệu phó, Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm các khoa chuyên môn...

Để loại trừ các thành viên sáng lập ra khỏi trường, ông Cường đã cắt hết các chức vụ chuyên môn và khoa học của ông Đặng Văn Định, miễn nhiệm chức vụ Hiệu phó đối ông, sau đó không trả lương.

Bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường chưa được công nhận ở Việt Nam ảnh 4

Sóng ngầm trong trường Đại học Chu Văn An

Một số cổ đông thông tin thêm, họ bị ông Cường "cấm cửa" vào trường làm việc, trong số đó có ông Định, 

Từ một cổ đông sáng lập, có vốn đầu tư tới hơn 20% nhưng ông Định hầu như đã mất hoàn toàn quyền lợi từ ngôi trường do mình nhiều công gây dựng.

Thậm chí ông và nhiều cổ đông sáng lập khác cũng không được hưởng lợi gì từ số vốn góp của mình vì từ khi ông Cường lên nắm quyền, vị này không tổ chức đại hội cổ đông đúng quy định để trả lãi cho những người góp vốn...

Trước những vi phạm nói trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng quản trị kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Dương Phan Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Chu Văn An (nay đã hết nhiệm kỳ).

Xử lý các văn bản, giấy tờ ông Cường đã ký không đúng với chức danh, không đúng theo quy định của pháp luật...

Yêu cầu trường rút kinh nghiệm đối với những vi phạm trong việc quản lý đào tạo, thực hiện thông báo tuyển sinh, quy chế đào tạo.

Tuy nhiên, đến nay, những vi phạm đó vẫn chưa được xử lý một cách triệt để, trong khi trường Đại học Chu Văn An vẫn đang nằm trong tình trạng mất dân chủ, "vô chính phủ".

XUÂN QUANG - TRINH PHÚC