Bạo lực học đường bắt đầu từ hiệu trưởng

14/12/2018 06:48
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Nhìn vào kết quả hoạt động của một trường học, ta biết ngay trách nhiệm, năng lực, nhân cách của hiệu trưởng trường đó.

LTS: Nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo nhà trường, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng để xảy ra bạo lực học đường thì trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường được đặt lên hàng đầu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vai trò của người đứng đầu cơ quan nói chung và hiệu trưởng trường học nói riêng, cực kì quan trọng với hoạt động của đơn vị.

Từ trước đã có câu “Cán bộ nào, phong trào đó” để chỉ mối quan hệ “nhân quả” trong vai trò của người đứng đầu. 

Nhìn vào kết quả hoạt động của một trường học, ta biết ngay trách nhiệm, năng lực, nhân cách của hiệu trưởng trường đó. Vì thế “bệnh thành tích, hình thức, làm láo báo cáo hay” đang nở rộ trong ngành giáo dục để che đậy kết quả thực của nó.

Phần lớn các trường, địa phương xảy ra nạn bạo lực học đường của giáo viên với học sinh, hiệu trưởng của các trường đó đều có vấn đề về quản lý.

Ảnh vụ việc cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng. (Ảnh: L.C)
Ảnh vụ việc cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng. (Ảnh: L.C)

Nổi tiếng nhất trong thời gian qua, có thể kể đến vụ cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ ở Long An. Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Nhựt Chánh), bỏ đi làm việc khác, khi giáo viên đang bị bắt quỳ.

Tổ kiểm tra của Huyện Bến Lức (Long An) đã xác định, ông Sơn - Hiệu trưởng, thiếu tinh thần trách nhiệm trong vai trò quản lý, điều hành, xử lý vụ việc chưa đến nơi đến chốn. Hiệu trưởng đã bị cách chức.

Kế đến là vụ “Bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng” ở Hải Phòng. Nữ giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương là con gái bà Tạ Thị Ngọc - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương (Thành phố Hải Phòng), phụ trách bậc học Tiểu học; do có “ô che nắng” nên cô Hương mới bất chấp tất cả, mới có hành vi phi nhân tính như thế?  

Cũng có thể nói, hiệu trưởng nhà trường chỉ biết “vâng dạ”, sợ “ô dù”, chỉ khi dư luận lên tiếng, hành vi phi nhân tính mới được công khai, xử lý.

Đình đám nhất, mới đây, cái tát thư 232 của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Duy Ninh.

Bạo lực học đường bắt đầu từ hiệu trưởng ảnh 2Hiệu trưởng Lệ Anh vô cảm với nỗi đau của học sinh, bà nên từ chức

Một hiệu trưởng vô cảm trước nỗi đau của học trò đã hứng chịu 231 cái tát phải nhập viện; đang tâm dang tay tát cái thứ 232 lên học trò và ngành giáo dục.

Hiệu trưởng, nhưng không có chút kiến thức về tâm, sinh lý của học sinh; học sinh chịu bạo lực trực tiếp và học sinh chứng kiến, tác hại chẳng khác nhau.

Người bình thường, không có nghiệp vụ sư phạm, chỉ cần xem ti vi, đọc báo, nghe đài, người ta đã hiểu, không để trẻ em chứng kiến các hành vi bạo lực.

Chứng kiến hành vi bạo lực trong nhà trường, đang ươm mầm bạo lực, mầm cây đọc đó sẽ “đơm hoa, kết trái, gieo rắc” hạt giống trong cuộc sống sau này.

Các hiệu trưởng kể trên, nếu vì học trò, phát hiện ngay hành vi thường xuyên bắt học sinh quỳ ở Long An, chiêu thức “quái gỡ” của cô giáo Hải Phòng, trừng phạt học trò vi phạm nội quy bằng nụ hôn “tát” có hệ thống của giáo viên chủ nhiệm.

Nếu môi trường giáo dục dân chủ, các hình thức “khen thưởng” phi nhân tính như thế chắc chắn đã được giáo viên lớp kế bên phản ánh, học sinh lên tiếng phản đối.

“Trăm dâu đổ đầu tằm”, trách nhiệm để xảy ra bạo lực học đường chính là hiệu trưởng, hiệu trưởng tốt, môi trường tốt, giáo viên tốt; hiệu trưởng xấu, ảnh hưởng đến giáo viên, khơi dậy bản năng xấu trong giáo viên xấu, học trò là nơi hứng hậu quả.

Để ngăn chặn những hành vi phi nhân tính của giáo viên với học trò, phải kỷ luật thích đáng với hiệu trưởng quản lý nơi xảy ra vụ việc.

Phải loại bỏ khỏi ngành những hiệu trưởng lạm thu, lạm quyền, chỉ vì danh hiệu, thành tích của trường mình mà quên đi học sinh.

Nâng cao chất lượng giáo dục, lấy lại niềm tin của xã hội, đơn giản nhất bắt đầu từ hiệu trưởng, người trực tiếp quản lý. Muốn vậy các cấp lãnh đạo Phòng, Sở giáo dục, là tấm gương cho các hiệu trưởng noi theo, học tập.

Làm được như thế, nhà trường chỉ còn là nơi lan tỏa yêu thương, tưới trồng tri thức, gieo mầm hạnh phúc; mong ước của mọi người dân Việt Nam.

Sơn Quang Huyến