Bộ Giáo dục đã thương, xin hãy thương cho trót

15/12/2017 06:48
Thuận Phương
(GDVN) - Bộ đã thương xin hãy thương cho trót để có những chỉ đạo tiếp theo rõ ràng hơn, điều chỉnh các quy định về đánh giá thành tích, thi đua.

LTS: Xung quanh Công văn số 5814-BGDĐT-GDTrH về việc tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2017-2018, cô giáo Thuận Phương có bài viết chia sẻ góc nhìn của mình.

Bên cạnh những ghi nhận sự lắng nghe tiếng nói cơ sở từ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô giáo Thuận Phương cũng nêu ra một số đề xuất, kiến nghị của mình. Xin trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi.

Ngày 7/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 5814-BGDĐT-GDTrH về việc tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2017-2018, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký.

Sau rất nhiều phản ánh từ cơ sở về áp lực của giáo viên và học sinh khi phải ôn luyện và thi thố trong các cuộc thi học sinh giỏi trên mạng thì cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức lên tiếng. 

Là người trực tiếp đứng lớp và nằm trong vòng xoáy ôn - luyện thi trên mạng cho học sinh, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nội dung chỉ đạo mới của Bộ:

“Đối với cuộc thi giải Toán và Vật lý trên mạng, cuộc thi tiếng Anh trên mạng, cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị chủ trì:

Tổ chức rà soát và đổi mới nội dung, hình thức thi gắn liền với đổi mới hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông, đăng công khai đề án tổ chức trên mạng và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi. 

Ông Nguyễn Đức Hữu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục & Đào tạo trao tặng huy chương cho các học sinh tại Lễ Tôn vinh và Trao giải cuộc thi giải Toán qua Internet năm học 2014-2015 khu vực miền Bắc. Ảnh: Violympic.vn.
Ông Nguyễn Đức Hữu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục & Đào tạo trao tặng huy chương cho các học sinh tại Lễ Tôn vinh và Trao giải cuộc thi giải Toán qua Internet năm học 2014-2015 khu vực miền Bắc. Ảnh: Violympic.vn.

Các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm theo dõi, giám sát trong quá trình diễn ra cuộc thi;

Bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả, theo nhu cầu thực tế của học sinh, không tạo áp lực cho học sinh, không thu kinh phí, không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển;

Không xét giải cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp toàn quốc, không lấy thành tích cuộc thi để đánh giá thi đua đối với đơn vị tham gia”.

Có thể nói, đây là tin vui cho nhiều giáo viên và cho cả những học sinh lâu nay bị thầy cô, bị nhà trường ép buộc phải đi thi trong khi bản thân không có nhu cầu. 

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Nhiều trường học vui vì cởi bỏ được áp lực thi đua, nhiều giáo viên vui vì không phải cùng trò vật vã bằng mọi cách để kiếm giải. Niềm vui như được nhân đôi bởi sự đồng cảm, sự thấu hiểu của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Thế nhưng sau những phút giây hoan hỉ, hồ hỡi là sự hồ nghi, lo lắng lấn chiếm. 

Bởi cách đây khoảng 3 năm Bộ Giáo dục cũng đã từng lên tiếng về việc dừng các cuộc thi trên mạng. 

Ngày 3/11/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. 

Nhằm tránh tình trạng áp lực, căng thẳng cho học sinh tiểu học khi phải tham gia các hoạt động giao lưu, cuộc thi, sân chơi trí tuệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 6373/BGDĐT-GDTH để hướng dẫn nội dung này theo quy định tại Chỉ thị 5105.

Công văn số 6373/BGDĐT-GDTH do Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Nguyễn Đức Hữu ký, yêu cầu: 

Bộ Giáo dục đã thương, xin hãy thương cho trót ảnh 2

Cỗ máy kiếm tiền thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng hoạt động thế nào?

Các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, trường tiểu học, trường phổ thông có lớp tiểu học tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện nhưng không được thành lập đội tuyển; 

Không tổ chức ôn luyện, tập huấn gây áp lực và căng thẳng cho học sinh; không căn cứ vào kết quả của học sinh khi tham gia các hoạt động giao lưu và “sân chơi” để xếp loại thi đua đối với các đơn vị.

Đối với học sinh tiểu học, khi tham gia cuộc thi giải toán qua internet theo hướng dẫn tại Công văn số 5943/BGDĐT-GDTrH ngày 20-10-2014 và Olympic tiếng Anh trên internet theo hướng dẫn tại Công văn số 5935/BGDĐT-GDTrH ngày 20-10-2014 trong năm học 2014-2015 được áp dụng theo quy định tại công văn này”.   

Thế nhưng dưới cơ sở không ít cấp sở, cấp phòng vẫn lờ đi để nhiều trường học ép buộc giáo viên thành lập đội tuyển để cho học sinh ôn luyện và thi thố. 

Họ vin vào hai chữ tự nguyện nên chẳng ai dám bắt bẻ. Thế rồi thành tích đạt được của học sinh cũng được đem ra đánh giá giáo viên, xếp hạng nhà trường. 

Công văn lần này của Bộ ban ra, ngoài niềm vui vẫn còn những hoài nghi vì lẽ đó. Không biết các cấp quản lý dưới cơ sở sẽ thực hiện thế nào? 

Trong khi Công văn 5814-BGDĐT-GDTrH không khẳng định dừng ngay các cuộc thi…mà “chuyền bóng” cho đơn vị tổ chức và cơ sở:

“…Các đơn vị chủ trì tổ chức rà soát và đổi mới nội dung, hình thức thi gắn liền với đổi mới hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông, đăng công khai đề án tổ chức trên mạng và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi. 

Các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm theo dõi, giám sát trong quá trình diễn ra cuộc thi, bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả, theo nhu cầu thực tế của học sinh, không tạo áp lực cho học sinh”. 

Dù Công văn 5814-BGDĐT-GDTrH của Bộ khẳng định “không lấy thành tích cuộc thi để đánh giá thi đua đối với đơn vị tham gia”, nhưng nhiều trường học vẫn thích trong bản thành tích của đơn vị báo cáo cấp trên ghi số lượng học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia là bao nhiêu.

Sợ rồi với việc ra Công văn nước đôi kiểu này các cuộc thi trên mạng lại vẫn tiếp tục vì các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố vẫn là nơi theo dõi, giám sát các cuộc thi. 

Còn chuyện “theo nhu cầu thực tế của học sinh, không tạo áp lực cho học sinh” thì chỉ có nội bộ biết với nhau, nhưng là biết trong im lặng chứ chẳng giáo viên nào dám nói”.

Bài học VNEN, công nghệ giáo dục còn đó

Điều này đã từng xảy ra khá phổ biến sau các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về VNEN cũng như tài liệu công nghệ giáo dục.

Ngày 13/9 vừa qua Báo Nhân Dân dẫn lời cô giáo Lại Thị Thỏa, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Vũ Thư huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình cho biết:

Bộ Giáo dục đã thương, xin hãy thương cho trót ảnh 3

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ có "khẩu dụ“ dừng thi Toán, tiếng Anh qua mạng?

VNEN là mô hình không bắt buộc, nhưng do bị trên ép xuống phải tổ chức thực hiện để có phong trào, nên phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Bình chỉ triển khai ở một vài khối lớp. 

Khi có đoàn kiểm tra xuống thì giáo viên và học sinh “diễn” cho tròn trịa, không dám có ý kiến phản hồi. [1]

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cũng thừa nhận thực trạng này:

Khi có quyết định dừng nhân rộng VNEN, nhiều giáo viên vô cùng phấn khởi, họ đỡ vất vả hơn nhiều so với việc buổi sáng theo chương trình VNEN, chiều lại dạy theo truyền thống.

Phải nói đây là ý kiến cực kỳ thẳng thắn và hiếm hoi từ một vị Hiệu trưởng và một lãnh đạo địa phương về mô hình VNEN sau chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo "triển khai trên tinh thần tự nguyện".

Ngày 22/8 vừa qua Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa ký Công văn số 3877/BGDĐT-GDTH về việc triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục, công văn chỉ đạo các địa phương:

1. Xây dựng kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của học sinh và các nhà trường.

2. Tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật dạy học; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ quản lý, giáo viên trong quá trình triển khai.

3. Chịu trách nhiệm về kết quả triển khai và báo cáo chất lượng dạy học Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục vào cuối học kỳ I, trước ngày 15/01/2018 và cuối năm học, trước ngày 15/6/2018. 

Tổng hợp báo cáo quy mô, số lượng triển khai (theo mẫu đính kèm) gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Tiểu học) trước ngày 30/8/2017. [2]

Chỉ đạo này khiến chúng tôi thực sự băn khoăn, bởi cũng giống như VNEN, Bộ không có bất cứ hướng dẫn, quy trình nào để cha mẹ học sinh và giáo viên được thực hiện quyền "tự nguyện".

Trong khi đó trách nhiệm về chất lượng kết quả triển khai tài liệu này Bộ đã đẩy xuống cơ sở. Xin Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy lắng nghe thêm tiếng nói từ cha mẹ học sinh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long về tài liệu này trên VTV9. [3]

Cần sửa Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn chỉ đạo giảm các cuộc thi học sinh giỏi trên mạng nhưng Thông tư 35 vẫn còn quy định:

“Cá nhân đạt một trong các thành tích quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này hoặc đạt một trong các thành tích sau được tính là sáng kiến áp dụng xét, công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở. Giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh. 

Riêng giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp huyện trở lên”.

Thông tư 35 không nói rõ “các kỳ thi” cấp tỉnh, cấp huyện là các kì thi nào trong hàng chục, hàng trăm cuộc thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các cơ quan đoàn thể và doanh nghiệp tổ chức.

Đây chính là kẽ hở để các đơn vị quản lý giáo dục ở cơ sở “lùa” giáo viên chạy theo những cuộc thi.

Thế nên giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông những bộ môn như Anh văn, Toán, Lý…ráo riết tìm kiếm những nhân tố nổi trội để luyện thi. 

Học trò đạt giải thầy cô cũng lợi đôi đường vừa nâng vị thế của mình trong mắt đồng nghiệp, vừa kéo học sinh về lớp học thêm vừa có thành tích với trường còn được xem là một sáng kiến kinh nghiệm. 

Thế nên học sinh lại trở thành công cụ để không ít giáo viên kiếm thành tích.
Nay giảm áp lực cho giáo viên (chủ yếu giáo viên tiểu học) và cho học sinh các cấp thì việc bỏ khoản b của điều 10 Thông tư 35 “bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh…được tính là một sáng kiến” là điều cần thiết.

Có thế mới hy vọng học sinh không phải tối ngày tối mặt vào các lò luyện trong khi bản thân không có nhu cầu.

Chúng tôi đánh giá rất cao Công văn 5814-BGDĐT-GDTrH  của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công văn cho thấy lãnh đạo Bộ đã lắng nghe được tiếng nói từ cơ sở. 

Nhưng với những thực tế chúng tôi phân tích ở đây, hy vọng rằng Bộ đã thương xin hãy thương cho trót để có những chỉ đạo tiếp theo rõ ràng hơn, điều chỉnh các quy định về đánh giá thành tích, thi đua mới mong “tinh thần tự nguyện” được thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/34077502-vi-sao-thai-binh-dung-nhan-rong-mo-hinh-truong-hoc-moi.html

[2]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3877-BGDDT-GDTH-2017-trien-khai-day-hoc-Tieng-Viet-lop-1-theo-tai-lieu-Cong-nghe-giao-duc-365098.aspx

[3]http://vtv.vn/giao-duc/nhieu-ban-khoan-xung-quanh-sach-cong-nghe-giao-duc-20170816142457143.htm

Thuận Phương