"Bộ Giáo dục không thể chống tiêu cực bằng một biện pháp... tiêu cực"

28/07/2013 06:47
Diệu Linh
(GDVN) - Mấy ngày nay, dư luận đang sôi lên sùng sục khi biết tin Bộ Giáo dục đã yêu cầu các tỉnh khống chế trần tốt nghiệp năm 2012-2013...

Và thật bi hài khi có địa phương mất thi đua, vì để tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước - một chuyện xưa nay hiếm. Vì lẽ đó mà PGS Văn Như Cương nói rằng: “Bộ Giáo dục không thể chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực”.

"Chuyện rất đỗi bình thường ở Bộ Giáo dục!"



Sau khi thông tin “khống chế trần tốt nghiệp” bung ra tại hội nghị tổng kết của ngành giáo dục tại Đà Lạt vào ngày 20/7, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Tại sao Bộ Giáo dục lại áp dụng một biện pháp lạ đời như vậy để chống tiêu cực?

Ngày (26/7), ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải: "Với các yếu tố của quá trình dạy học còn nhiều hạn chế hiện nay, ai cũng hiểu được rằng tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng chạm ngưỡng tối đa là thực chất hay chưa thực chất.

Nếu tỷ lệ quá cao của năm trước đã không thực chất thì việc tiếp tục tăng thêm nữa vào năm sau càng thể hiện sự thiếu quyết tâm thi thực chất. Bởi vậy, việc Bộ GDĐT bàn bạc trao đổi và thống nhất không tăng tỷ lệ tốt nghiệp là không hề vô lý”.

PGS Văn Như Cương: Bộ Giáo dục không thể chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực.
PGS Văn Như Cương: Bộ Giáo dục không thể chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực.

Chẳng phải chờ đến phát biểu này của Thứ trưởng Hiển thì ai cũng hiểu rằng, Bộ Giáo dục đang cố gắng tìm mọi cách chống tiêu cực, gian lận trong thi cử. Nhưng điều đó không có nghĩa là áp dụng một biện pháp tiêu cực “khống chế tỷ lệ tốt nghiệp”. Và cái cách mà Bộ Giáo dục vừa mới làm khiến cho người ta phải đặt ra câu hỏi: Phải chẳng là Bộ Giáo dục "bất lực" với tình trạng tiêu cực, và buộc phải sử dụng “kế sách” này?

PGS Văn Như Cương thẳng thắn nói: “Bộ Giáo dục không thể chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực. Theo tôi, Bộ Giáo dục nên mạnh dạn giao quyền cho các địa phương tổ chức thi. Và khi đã giao quyền thì địa phương phải có trách nhiệm, chúng ta đều biết là với một học lực trung bình học sinh đã đỗ tốt nghiệp thì không cần thiết tổ chức một kỳ thi quốc gia gây tốn kém mỗi năm như vậy. 

Quan điểm của tôi là có học phải có thi, nhưng phải thay đổi thực sự, chương trình hiện nay quá nặng, thừa thãi kiến thức, học sinh học xong rồi cũng không áp dụng vào đâu, mà học chỉ để thi thì không nên học.


Sự việc này một lần nữa khiến cho nhiều người liên tưởng tới hàng loạt chuyện “bùng nhùng” xảy ra ở Bộ Giáo dục thời gian qua, nào là: Bộ có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh phải có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan truyền thông trao đổi trước khi đăng thông tin tiêu cực thi cử nhạy cảm; nào là bỏ thi văn vào các trường nghệ thuật để tạo điều kiện cho thí sinh thi năng khiếu; ưu tiên cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học và người hoạt động cách mạng trước năm 1945… Và, đã có những bình luận thật chua xót: Đó là chuyện rất đỗi bình thường ở Bộ Giáo dục!

PGS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, việc các tỉnh gây áp lực xuống các Sở Giáo dục để có tỷ lệ tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước sẽ dẫn tới “bệnh thành tích” (chuyện đã xảy ra nhiều năm). Nhưng ngược lại, Bộ Giáo dục yêu cầu không chế tỷ lệ tốt nghiệp cũng không đúng.

Theo thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân của cả nước trong năm nay là 97,52%, giảm 1,45% so với năm ngoái. Bình luận về kết quả này, PGS Nhĩ nhận định, một kỳ thi thực chất mà kết quả có tới gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp và nhà nước phải bỏ ra cả nghìn tỉ đồng để cũng chỉ loại ra được 1-2% học sinh trượt tốt nghiệp thì không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Theo tôi, với tình hình hiện nay thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt khoảng 70-80% là có thể chấp nhận được, nhưng đỗ tới gần 98%, nhiều nơi còn đỗ tới 100% là điều không bình thường. Cũng có ý kiến cho rằng, ta nên bỏ phắt kỳ thi tốt nghiệp đi, nhưng theo tôi không nên bỏ, vì có học thì phải có thi, vấn đề là thi làm sao để đánh giá được thực chất của học sinh.

Chương trình hiện nay của chúng ta đã được các chuyên gia đánh giá là quá nặng, kiến thức thừa thãi, dạy học sinh kỹ năng thì ít mà bắt nhớ kiến thức thì nhiều, nhưng chưa biết đến bao giờ thì Bộ Giáo dục mới thực sự đổi mới được vấn đề này”, PGS Nhĩ cho hay.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 98% là không bình thường.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 98% là không bình thường.

“Bộ Giáo dục đang chống tiêu cực từ ngọn”

Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiêng Hoàng bày tỏ: “Việc Bộ Giáo dục nhắc nhở Sở Giáo dục các tỉnh cảnh giác với tiêu cực thi cử, không chạy theo bệnh thành tích là một ý định tốt, tuy nhiên cách làm thì không ổn, là bởi Bộ đang chống tiêu cực từ ngọn, mà lẽ ra phải làm từ gốc. Theo tôi, vấn đề thi tốt nghiệp Bộ nên trả về cho các trường phổ thông chủ động, và đừng làm thay việc của các trường.

Ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất là nên công nhận tốt nghiệp cho tất cả các em sau khi học xong phổ thông. Thứ hai, bên cạnh việc công nhận tốt nghiệp thì vẫn yêu cầu thi, và phải thi thật sự nghiêm túc. Toàn bộ điểm các môn học phải được thể hiện lên bằng tốt nghiệp, và điểm ấy sẽ có tác động tới các em trong quá trình tiếp tục học lên hoặc đi học nghề, tìm việc sau này.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục cần phải khẩn chương hoàn thành chương trình chuẩn theo tinh thần đổi mới, bấy lâu nay đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều nhưng chưa thấy làm được gì thực sự rõ ràng, mà chủ yếu là xử lý các sự cố, vá víu chỗ nọ, chỗ kia. Làm như vậy, nền giáo dục vẫn không thoát khỏi được thực trạng lạc hậu so với thế giới”.

TS Nguyễn Tùng Lâm: Bộ Giáo dục đang chống tiêu cực từ ngọn.
TS Nguyễn Tùng Lâm: Bộ Giáo dục đang chống tiêu cực từ ngọn.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, thi là đánh giá năng lực của con người ứng phó với một tình huống rất cụ thể. Hiện nay, Bộ Giáo dục không dám ra đề có trọng tâm, đó là cái dở, vì học tập là để rèn tư duy, rèn cách giải quyết vấn đề chứ không phải rèn để học sinh nhớ nhiều hay ít kiến thức.

“Với tư cách là nhà khoa học giáo dục, tôi có thể nói hiện nay hệ thống giáo dục của chúng ta rất lạc hậu, không những về chương trình mà còn về phương pháp, quan điểm giáo dục. Chúng ta chưa nhìn nhận đúng vai trò của lao động sư phạm để đào tạo, chăm sóc giáo viên chu đáo,  giúp họ yên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp. Có quá nhiều phong trào này khẩu hiệu kia, chúng ta đang cào bằng, bắt học sinh chui qua cùng một lỗ kim.

Thực tế là ngay khi vào lớp 10, học sinh đã chú trọng học phân ban, tập trung vào những môn các em thi đại học, vậy nên các môn khác chểnh mảng, vậy thì thi tốt nghiệp sẽ có tiêu cực, đó là điều không thể tránh khỏi, mà muốn giải quyết thì phải thay đổi triệt để chương trình và cách thức thi cử”, TS Lâm chia sẻ.

Diệu Linh