Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có 36/73 điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo là tên gọi hình thức đào tạo chính quy và hệ vừa học vừa làm (hay còn gọi là hệ tại chức) được đổi thành hình thức đào tạo tập trung và không tập trung.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, ảnh: giaoduc.net.vn. |
Cụ thể, tại Điều 6, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nêu:
“Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã đưa ra 2 hình thức đào tạo là tập trung và không tập trung.
Theo đó, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung.
Tuy nhiên, tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn. Do đó, hình thức đào tạo sẽ không được ghi trên văn bằng đại học.
Bộ Nội vụ khẳng định không phân biệt chính quy, tại chức trong bổ nhiệm cán bộ |
Góp ý về vấn đề này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng:
Ở Việt Nam từ trước tới nay mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định bằng đại học tại chức và bằng đại học chính quy là giống nhau nhưng thực chất 2 loại hình này đào tạo riêng biệt, khác hẳn nhau.
Chương trình hệ tại chức đã bị cắt xén đi rất nhiều về tổ chức đào tạo, thời gian, chương trình, giảng viên, đánh giá, chất lượng đào tạo đều kém so với quy chuẩn đào tạo chặt chẽ của hệ chính quy.
Bởi lẽ trước đây hệ vừa học vừa làm là “nồi cơm” của các trường đại học nên các trường ra sức tuyển sinh đào tạo tràn lan, buông lỏng quản lý, chất lượng vô cùng thấp, mặc dù mấy đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm xóa bỏ phân biệt văn bằng này rồi, nhưng không thành.
“Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có những giải pháp chặt chẽ để kiểm soát chất lượng đào tạo thì chưa thể quyết định cấp cùng một loại văn bằng cho hai đối tượng học hai hình thức đào tạo khác nhau có nghĩa là không thể đồng nhất 2 loại bằng đào tạo này”, ông Khuyến nhấn mạnh.
Theo cách giải thích của nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học, hiểu một cách ngắn gọn thì đào tạo theo hình thức tập trung và không tập trung chính là đào tạo hệ toàn thời gian (full time) và hệ bán thời gian (part time).
Được biết, đào tạo theo hình thức tập trung và không tập trung được đặt ra từ những năm 90 của thế kỉ XX.
Có nên bỏ hệ đào tạo đại học tại chức? |
Loại hình đào tạo này chỉ áp dụng được với các trường đại học triển khai đào tạo tín chỉ tức là sinh viên không phải ngồi học theo lớp tuyển sinh mà học theo lớp học của từng môn học do chính sinh viên là người đăng ký môn học đó.
Căn cứ vào số lượng sinh viên đăng ký môn học đó thì nhà trường sẽ tổ chức số lượng lớp tương ứng.
Cần thấy rằng, tùy thuộc vào điều kiện mà sinh viên đó lựa chọn học theo hình thức tập trung hay không tập trung, nhưng dù học theo hình thức nào thì các sinh viên đó cũng được học chung trong cùng 1 lớp, cùng thầy, cùng chương trình đào tạo, cùng cách kiểm tra đánh giá.
Tuy nhiên, học theo hình thức tập trung thì trong một học kỳ, sinh viên sẽ được đăng ký tối thiểu 20 tín chỉ còn học theo hình thức không tập trung thì 1 học kỳ, sinh viên chỉ được đăng ký tối thiểu 10 tín chỉ.
Do đó, sinh viên hệ không tập trung sẽ tốt nghiệp sau những sinh viên học hệ tập trung khoảng 2-3-4 năm.
Ví dụ, nếu sinh viên A có điều kiện tài chính, thời gian để đăng ký học theo hình thức tập trung thì ra trường sớm hơn sinh viên B và ngược lại.
Chính vì vậy, khi nói đến hệ tập trung hay hệ không tập trung là gắn liền với tổ chức đào tạo chứ không phải tách 2 loại hình này đào tạo riêng biệt, khác hẳn nhau.
Từ đó, ông Khuyến nhấn mạnh: “Các nước trên thế giới tổ chức đào tạo như vậy nên họ không phân biệt 2 loại bằng này”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết thêm, nếu thực hiện theo đúng Điều 6 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì đây chính là tiền đề cho việc các trường sẽ tuyệt đối không được đào tạo riêng biệt giữa hệ chính quy và tại chức.
Mà thay vào đó tất cả sinh viên đều học hệ chính quy nhưng tùy thuộc vào điều kiện của sinh viên đó để tham gia học hệ tập trung hay không tập trung. Có nghĩa là Bộ sẽ “khai tử” hệ tại chức.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Khuyến cũng khyến cáo rằng, nếu Bộ quyết tâm đưa quy định công nhận bằng cấp của 2 hệ đào tạo này vào dự thảo Luật Giáo dục đại học thì có cho sinh viên 2 hệ này vào học cùng nhau không?
Bộ chỉ đạo và giám sát như thế nào?
Các trường xây dựng chất lượng chuẩn đầu ra ra sao?
Bộ đã làm những gì để công nhận văn bằng 2 hệ này trên cùng một chuẩn chưa? ...
Theo tham luận của Vụ Đào tạo đại học tại hội nghị đại học, cao đẳng toàn quốc tháng 11 năm 1994 đã chỉ rõ những đặc trưng cơ bản của hệ thống tín chỉ như sau: Hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên đạt được văn bằng đại học qua việc tích lũy các loại tri thức giáo dục khác nhau, được đo lường bằng một đơn vị xác định, gọi là tín chỉ (credit). Định nghĩa chính thức về tín chỉ phổ biến ở nhiều nước như sau: Khối lượng kiến thức gồm 1 tiết học lý thuyết (50 phút) trong một tuần và kéo dài 1 học kỳ (15-18 tuần) thì được tính 1 tín chỉ. Các tiết học loại khác như: thực tập thí nghiệm, đi thực địa, vẽ, nhạc, thực hành nghệ thuật, thể dục... thì thường cứ 3 tiết trong 1 tuần kéo dài một học kỳ thì được tính 1 tín chỉ. Ngoài định nghĩa này thì người ta còn quy định để chuẩn bị cho 1 tiết lên lớp, sinh viên phải bỏ ra ít nhất 2 tiết làm việc ở ngoài lớp. Để đạt bằng cử nhân (bachelor) thì sinh viên thường phải tích lũy đủ 120-136 tín chỉ (Mỹ), 120-135 tín chỉ (Nhật), 120-150 tín chỉ (Thái Lan)... Để đạt bằng cao học (master) sinh viên phải tích lũy 30-36 tín chỉ (Mỹ), 30 tín chỉ (Nhật), 36 tín chỉ (Thái Lan)... Cách tổ chức giảng dạy theo tín chỉ: Đầu mỗi học kỳ, sinh viên được đăng ký các môn học thích hợp với năng lực và hoàn của họ và phù hợp với quy định chung nhằm đạt được kiến thức theo một ngành chuyên môn chính (major) nào đó. Sự lựa chọn các môn học rất rộng rãi, sinh viên có thể ghi tên học các môn liên ngành nếu họ thích. Sinh viên không chỉ giới hạn học các môn chuyên môn của mình mà còn cần học các môn học khác lĩnh vực, chẳng hạn sinh viên các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật vẫn cần phải học ít môn khoa học xã hội, nhân văn và ngược lại. Về việc đánh giá kết quả học tập, hệ thống tín chỉ dùng cách đánh giá thường xuyên. Và dựa vào sự đánh giá đó đối với các môn học tích lũy để cấp bằng cử nhân. Đối với các chương trình đào tạo sau đại học (cao học và đào tạo tiến sĩ) ngoài các kết quả đánh giá thường xuyên còn có các kỳ thi tổng hợp và các luận văn. |