Có nên bỏ hệ đào tạo đại học tại chức?

13/12/2017 06:35
Thùy Linh
(GDVN) - Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị, Bộ nên xem xét bỏ hệ đào tạo đại học tại chức, vì không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Ngày 15/3/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 06/2017/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ đại học.

Khi đó theo lý giải của Bộ, Thông tư này ra đời xuất phát từ việc hiện nay tổ chức đào tạo đối với hình thức vừa làm, vừa học còn nhiều hạn chế, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo với nội dung không đảm bảo như hệ chính quy. 

Bên cạnh đó, quy mô đào tạo nhỏ lẻ theo các hình thức liên kết với các trường ở địa phương, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém, chất lượng đào tạo thấp dẫn đến mất lòng tin của nhà tuyển dụng và xã hội với hình thức đào tạo này.

Do đó, Thông tư này ra đời nhằm kiểm soát kết quả đầu ra của hệ đào tạo này nhằm tiếp cận tới chất lượng đào tạo như chính quy. 

Có nên bỏ hệ đào tạo đại học tại chức? (Ảnh minh họa: Nguồn báo giáo dục thời đại)
Có nên bỏ hệ đào tạo đại học tại chức? (Ảnh minh họa: Nguồn báo giáo dục thời đại)

Tuy nhiên đến nay, trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố để lấy ý kiến thì tại Điều 6 dự thảo luật, cách gọi hình thức đào tạo chính quy và tại chức (hệ vừa học vừa làm, giáo dục thường xuyên) được chuyển thành tập trung và không tập trung.

Theo đó, hai loại hình này chỉ khác nhau phương thức đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn đầu ra và văn bằng tốt nghiệp sẽ giống nhau.

Và một điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo này là, hình thức đào tạo sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại.

Có nên bỏ hệ đào tạo đại học tại chức? ảnh 2

Bằng tại chức không sai, sai ở người đào tạo

"Chúng tôi kỳ vọng các cơ sở sở đào tạo khi quan tâm chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì phải cẩn thận khi cấp văn bằng.

Tất cả văn bằng khi cấp ra thì phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy nữa", đây là lý giải của lãnh đạo Bộ. 

Hơn nữa, việc phân biệt hình thức đào tạo thành đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên tạo cảm giác ngay trong hình thức đào tạo đã tuyên bố các hạng chất lượng khác nhau. 

Tuy nhiên, đề xuất này đang gây tranh cãi trong dư luận. Đặc biệt, khi vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra quy định cán bộ công tác ở các sở, ban ngành của tỉnh này phải “cắp sách” đi học lại đại học chính quy nếu muốn thăng quan tiến chức. 

Do đó, thông tin các trường đại học sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo và không có sự phân biệt giữa hệ tại chức hay chính quy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mới đây, khiến nhiều người bày tỏ lo lắng.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo):

“Lâu nay ở nước ta, chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức có sự khác nhau. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn. Hệ vừa học vừa làm chương trình học bị cắt xén, đánh giá lỏng lẻo hơn. 

Tôi nghĩ, khi chất lượng không như nhau chưa thể cấp 1 loại văn bằng. Vì vậy, những lo lắng của người dân về việc “vàng thau lẫn lộn” trong việc cấp văn bằng hoàn toàn có cơ sở”. 

Có nên bỏ hệ đào tạo đại học tại chức? ảnh 3

Bằng chính quy và tại chức có một khoảng cách khá xa về chất lượng, giá trị

Do đó, ông Khuyến cho rằng, việc cần nhất là siết chặt chất lượng đào tạo.

Nếu quy định bằng chính quy và tại chức như nhau, trong khi chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng bằng cấp để thăng tiến.

Trong khi đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị, Bộ nên xem xét bỏ hệ đào tạo đại học tại chức, vì không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu trình độ hiện nay. 

Ngay sau đó, Bộ đã có văn bản trả lời rằng, hình thức đào tạo vừa làm vừa học (Hệ đào tạo đại học tại chức cũ) đã được quy định trong Luật giáo dục đại học 2013 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đa dạng hoá các hình thức đào tạo và phát triển học tập suốt đời. 

Hình thức đào tạo này không phải chỉ có ở Việt Nam mà có ở hầu hết các nước trên thế giới nhằm mở rộng cơ hội học tập nâng cao trình độ cho những người không có điều kiện tham gia học hệ chính quy. 

Để quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo vừa học vừa làm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo như: hạn chế chỉ tiêu đào tạo vừa làm vừa học; quy định chặt chẽ các điều kiện về liên kết đào tạo và quy chế đào tạo vừa làm vừa học.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hình thức đào tạo này.

Thùy Linh