LTS: Phân tích những áp lực và vất vả của học sinh trong kì thi vào lớp 10, nhà giáo Đăng Bình kiến nghị nên bỏ kì thi này và áp dụng hình thức xét tuyển một cách hợp lý.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Huyện tôi có 3 trường trung học phổ thông. Trường X luôn được mọi người xem là trường điểm.
Thế nên hàng năm, hầu như học sinh có lực học khá giỏi đều có nguyện vọng được thi vào nơi này.
Trường Y tuy có kém tiếng tăm hơn nhưng do có lợi thế nằm ngay trung tâm huyện cũng được nhiều phụ huynh lưu ý.
Riêng trường C nằm ở vùng nông thôn ít học sinh muốn theo học.
Hàng năm, ở kì thi tuyển sinh vào 10, hồ sơ đăng kí vào trường X luôn quá tải. Với tâm lý nếu không đỗ vào trường điểm thì vào trường Y, trường C chứ đi đâu mà thiệt.
Thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông đang gây nhiều áp lực cho học sinh. (Ảnh minh họa: Bích Ngọc/TTXVN) |
Sau mỗi mùa tuyển sinh cứ như một phép tính được sắp sẵn. Những học sinh giỏi, có lực học nổi trội ở các trường trung học cơ sở đều thi đỗ vào trường X, kém hơn chút rơi xuống trường Y và cuối cùng dồn về trường C.
Gần như không có học sinh nào phải thất học vì không đỗ vào 10.
Từ thực tế trên, khá nhiều người bức xúc, lớp 9 đã bỏ thi tốt nghiệp thì có nhất thiết phải tổ chức kì thi vào 10 (thi mà chẳng loại một ai) như thế không?
Việc tổ chức kì thi vào 10 không chỉ gây áp lực về việc học của học sinh mà còn tiêu tốn khá nhiều ngân sách nhà nước khi phải tổ chức một kì thi bài bản, nghiêm túc.
Dù sự cạnh tranh vào các trường trung học phổ thông (trừ một số trường điểm, trường chuyên) không lớn nhưng nhiều trường trung học cơ sở cùng một số giáo viên dạy các môn Toán, Văn, Anh văn vẫn lợi dụng để gây sức ép buộc học sinh phải học ôn thi gây cho việc học của các em quá tải và mang đến nhiều bức xúc cho phụ huynh.
Trường trường tăng tốc ôn tập
Ngay từ đầu năm học, nhiều trường trung học cơ sở đã tổ chức dạy ôn tập bắt buộc cho tất cả học sinh khối 9, với lý do, tăng cường kiến thức để các em thi vào 10.
Lợi dụng sự kém hiểu biết của một số phụ huynh do suốt ngày mải lo làm ăn cùng sự cả nể của một số phụ huynh khác nên chiêu ép buộc 100% học sinh khối 9 phải đi ôn tập thêm vào các buổi trong tuần đã thành công.
Qua học kì 2, việc học càng được tăng tốc hơn nên nhiều trường tổ chức tăng tiết (đương nhiên phụ huynh tăng tiền).
Thế là, học trò lớp 9 sáng học ở trường, chiều học ở trường nhưng tối vẫn đến nhà thầy cô học nữa.
Học sinh vật vã ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 nhìn từ chương trình, chính sách |
Lý giải cho việc “học như trâu cày” một số em cho biết:
“Nguyện vọng của con muốn vào trường điểm nên con muốn ôn tập chuyên sâu. Học chung với cả lớp chỉ đảm bảo thi vào các trường trung bình”.
Nếu không xóa bỏ được trường chuyên lớp chọn, trường điểm thì nên bỏ kì thi tuyển sinh lớp 10 vào trường công lập
Như vậy có thể thấy, áp lực thi tuyển sinh lớp 10 nằm ở sự tồn tại của các trường chuyên, lớp chọn, trường điểm công lập ở các địa phương.
Nếu không xóa bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn, trường điểm công lập này, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên bỏ luôn kì thi tuyển sinh lớp 10 vào các trường công lập.
Dù bỏ kì thi này cũng sẽ có cách xét tuyển để học sinh có lực học tốt vào được trường các em mong muốn như việc xét tuyển học bạ suốt bốn năm học.
Tổ chức thi rình rang nhưng cuối cùng chẳng loại được em nào thì chấm dứt việc thi chọi vào 10 là điều hợp lý.
Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức và kiến nghị của riêng tác giả.