LTS: Đề xuất bỏ Phòng giáo dục được nhiều người quan tâm bàn luận trong thời gian vừa qua.
Trong bài viết này, Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chia sẻ những câu chuyện khó nói đằng sau hoạt động của phòng giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thầy giáo Bùi Nam đề xuất giải tán Phòng giáo dục ở các quận, huyện |
Trong những ngày gần đây chúng tôi thấy trên mặt báo có nhiều ý kiến đòi bỏ hệ thống Phòng Giáo dục và Đào tạo (Phòng giáo dục) làm chúng tôi hết sức băn khoăn.
Với sự hiểu biết của mình, chúng tôi cho rằng những ý kiến của một số hiệu trưởng, một số giáo viên bậc Tiểu học và Trung học cơ sở nêu ra một số lý do, từ một số góc nhìn riêng để đòi bỏ Phòng giáo dục cấp huyện là những ý kiến chưa thỏa đáng và chưa thật sự công tâm.
Đó cũng chưa phải là những đề xuất có tính khoa học và tính thực tiễn để có thể loại bỏ Phòng giáo dục một cấp quản lý Nhà nước trong chuỗi hệ thống quản lý Nhà nước về Giáo dục và Đào tạo.
Khó trách Phòng giáo dục bởi họ cũng không có thực quyền trong quản lý giáo dục. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn) |
Theo chúng tôi, đó mới chỉ là những ý kiến thể hiện các chỉ số chưa hài lòng của người dân đối với những con người cụ thể, đối với một số Phòng giáo dục cụ thể nào đó, của một địa phương cụ thể nào đó.
Đó chưa phải là những vấn đề chung, những hạn chế chung cho tất cả các Phòng giáo dục.
Các ý kiến trên chỉ có tác dụng giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo xem xét lại việc thực thi nhiệm vụ của mình có chỗ nào còn hạn chế thì khắc phục để thực hiện tốt hơn nữa quyền hạn và trách nhiệm của mình.
Mặt khác qua các ý kiến trên các mặt báo đòi bỏ Phòng giáo dục, chúng tôi tin rằng:
Các cấp chính quyền, các cấp quản lý giáo dục và đào tạo sẽ thấy rõ hơn tầm nhận thức và tiềm lực có thật về trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý và một bộ phận giáo viên bậc Tiểu học và Trung học cơ sở để khi đưa ra những chủ trương về giáo dục cho thích hợp.
Thật khó tìm được cán bộ giỏi chuyên môn, có tâm huyết ở Phòng giáo dục |
Nếu như tầm nhìn của một số hiệu trưởng được thể hiện trong cuộc tranh luận cần bỏ Phòng giáo dục như thế thì chủ trương giao quyền tự chủ cho các nhà trường sẽ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bởi tất cả những ý kiến đưa ra đòi bỏ Phòng giáo dục trên diễn đàn báo chí vừa qua đều là ý kiến chưa thật sự khách quan.
Đó là những ý kiến còn mang tính chủ quan và nặng về việc chỉ trích một số con người và một số hiện tượng cụ thể hoặc một bộ phận cụ thể nào đó trong hệ thống Phòng giáo dục cấp huyện.
Các ý kiến đó cũng có phần bộc lộ sự đòi hỏi quyền lợi cho cá nhân mình của chính các hiệu trưởng, giáo viên là tác giả của các bài báo đòi bỏ Phòng giáo dục.
Từ một góc nhìn khác tôi cho rằng những biểu hiện non kém về năng lực chuyên môn, thói cửa quyền tỏ ra ta là bề trên của một số cán bộ chuyên viên và những biểu hiện về việc quản lý nhà nước theo lối hành chính sự vụ của một số Phòng giáo dục mà các bài báo đòi bỏ Phòng giáo dục cấp huyện đã đề cấp tới là hệ quả về những thiếu sót của công tác tổ chức cán bộ của chính quyền các cấp trong thời gian qua.
Những thiếu sót đó là chưa chọn những người có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức tốt về công tác ở các Phòng giáo dục và chưa làm tốt công tác phân cấp phân công nhiệm vụ cho Phòng giáo dục của một số chính quyền cấp huyện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện đã giành hết quyền hạn cơ bản của Phòng giáo dục về cho Phòng Nội vụ và cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện như việc bổ nhiệm đề bạt cán bộ quản lý, tuyển dụng giáo viên...
Mất đi các nhiệm vụ quan trọng đó thì Phòng giáo dục còn đâu uy lực để quản lý sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện.
Như ở trên chúng tôi đã trao đổi khi bàn tới vấn đề bỏ Phòng giáo dục thì phải đưa ra được những căn cứ khoa học và thực tiễn chứ không căn cứ vào những ý nghĩ chủ quan của một ai đó.
Về mặt khoa học chúng tôi cho rằng mỗi quốc gia tùy theo tình hình của đất nước mình mà đưa ra một hệ thống quản lý giáo dục:
Singapore không có cấp quản lý là Phòng giáo dục như Việt Nam vì Quốc đảo này diện tích đất và dân số nhỏ tương đương bằng một huyện lớn của Việt Nam.
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ gồm nhiều bang, mỗi bang có diện tích và dân số bằng một quốc gia khác trên thế giới cho nên Chính quyền của bang, cơ quan quản lý giáo dục của bang là cơ quan cao nhất...
Ở Việt Nam ta do hoàn cảnh kinh tế xã hội riêng của mình nên Đảng và Chính phủ đã đưa ra luật pháp cho việc quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hệ thống sau:
Ở cấp Trung ương có Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp tỉnh có Sở Giáo dục và Đào tạo, cấp huyện có Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Mỗi cấp được giao những chức năng, quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng chứ không phải huyện nào muốn quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cho Phòng giáo dục như thế nào thì giao.
Khi một số cán bộ, chuyên viên của phòng hoặc khi một Phòng giáo dục nào đó có những thiếu sót hạn chế thì chúng ta phải xem xét một cách có cơ sở khoa học là:
Phòng giáo dục đó đã được giao đầy đủ quyền hành hay chưa, hay quyền hành của họ đã bị chia sẻ hoặc đã bị tước bỏ.
Thực tế hiện nay rất nhiều tỉnh và nhiều huyện đã tước bỏ quyền hành của nhiều Phòng và Sở giáo dục cho nên các Phòng giáo dục không thể không bộc lộ những hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu của các các cơ sở giáo dục và đào tạo do mình quản lý.
Mặt khác khi nói tới bỏ Phòng giáo dục là phải nghĩ tới việc bỏ thêm một số phòng ban khác ở cấp huyện.
Liệu có bỏ được thêm một số phòng ban khác ở cấp huyện được không?
Đó là chưa nói tới việc các Phòng giáo dục hiện phải chịu trách nhiệm rất lớn quản lý một hệ thống trường lớp đặt tới tận thôn bản và phường xã với một đội ngũ giáo viên và học sinh đông đảo.
Đã có các nhà trường thì phải có các cơ quan quản lý để giám sát kết quả hoạt động của các nhà trường đó không để các nhà trường và đội ngũ giáo viên đi chệch quỹ đạo mà ngành giáo dục và đào tạo đã đặt ra.
Giải tán Phòng Giáo dục, trao quyền cho Hiệu trưởng bổ nhiệm Hiệu phó |
Còn nói tới việc các hiệu trưởng đã tự chủ được các nhà trường không cần đến vai trò của Phòng giáo dục cũng là một cách nói quá ngộ nhận.
Khi các nhà trường đủ sức tự chủ: tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính, tự chủ về chuyên môn thì còn phải tự chủ về giải trình minh bạch.
Cơ quan nào sẽ giám sát việc giải trình minh bạch của hiệu trưởng trước vấn đề tuyển dụng, bố trí nhân sự, chi tiêu tài chính và hoạt động chuyên môn.
Không ai khác ngoài Phòng giáo dục cấp huyện đối với các nhà trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở.
Bởi vậy đề xuất của các tác giả có bài viết bàn về việc bỏ Phòng giáo dục để đi tới bỏ các Phòng giáo dục là điều không dễ chút nào.
Nói đến vấn đề tinh giản biên chế mà đòi bỏ Phòng giáo dục là một cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn một huyện trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đã xác định “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu”;
Và ai đó đặt vấn đề bỏ Phòng giáo dục trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị thực hiện chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới;
Thì quả thật là chưa “đạt lý, thấu tình” cho lắm.
Nếu nghĩ tới việc bỏ Phòng giáo dục thì phải quan niệm đây là một cuộc cách mạng về công tác tổ chức chứ không phải là việc tinh giản biên chế như hiện nay chúng ta đang tiến hành.
Với lối tư duy như các tác giả có loạt bài viết về “Bỏ Phòng giáo dục” thì có thể làm cho người đọc có thể nghĩ tới cả việc tiến tới bỏ luôn các Sở Giáo dục và Đào tạo chăng?
Bởi ở cấp Sở vẫn có một số Sở có hiện tượng cán bộ chuyên viên cửa quyền, thiếu năng lực chuyên môn do những hạn chế của chính quyền cấp tỉnh trong công tác tổ chức cán bộ để lại.
Quản lý giáo dục, chính quyền địa phương đang có quyền lực quá lớn |
Phòng giáo dục là cấp quản lý trực tiếp tới các nhà trường mà bỏ Phòng giáo dục đi thì ai sẽ sẽ là người thực hiện các chức trách nhiệm vụ về quản lý giáo dục ở cấp huyện?
Hàng trăm nhà trường từ bậc Mầm non đến Trung học cơ sở có Phòng giáo dục quản lý mà trong hàng chục năm qua vẫn không chấm dứt được các lình xình.
Nếu bỏ Phòng giáo dục, không có người chỉ đạo, thanh tra giám sát thì hoạt động của các nhà trường sẽ mỗi trường một phách chăng?
Sự lình xình sẽ diễn ra đến mức nào?
Hơn nữa, không phải hoạt động giáo dục mà bất cứ hoạt động nghề nghiệp nào cũng cần phải có sự chỉ đạo giám sát thanh tra.
Về mặt thực tiễn, hiện nay số lượng trường lớp học sinh cấp huyện có số lượng lớn, không thể không có một cơ quan để quản lý về giáo dục và đào tạo.
Công việc của các Phòng giáo dục hiện nay cũng rất nặng nề.
Đó là chưa nói về sự vất vả của cán bộ chuyên viên các Phòng giáo dục thuộc các huyện miền núi và vùng núi cao.
Chúng ta nói nhiều đến việc trao quyền tự chủ cho các nhà trường đã hàng chục năm nay rồi nhưng cho tới nay chỉ có khoảng 20 trường đại học công lập đã được giao quyền tự chủ.
Còn lại hàng hàng mấy chục ngàn trường công lập từ phổ thông đến đại học chưa có thể tự chủ được.
Có một số tỉnh đã mạnh dạn giao cho hiệu trưởng các trường trung học phổ thông tự chủ về nhân sự (được quyền tuyển dụng giáo viên).
Nhưng chỉ sau một vài năm nhiều hiệu trưởng đã lạm dụng quyền này. Thiếu minh bạch khách quan trong tuyển dụng.
Buộc tỉnh này phải dừng việc trao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng.
Trong bối cảnh khi mà hàng ngàn chục ngàn hiệu trưởng tiểu học, trung học cơ sở chưa đủ phẩm chất bản lĩnh để thực hiện 4 tự chủ:
Tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính, tự chủ về hoạt động chuyên môn và tự chủ về giải trình minh bạch mà chúng ta bỏ Phòng giáo dục cấp huyện thì sẽ là một sai lầm.
Theo chúng tôi, bàn đến tinh giản biên chế trong ngành giáo dục khi đề cập đến cơ quan Phòng giáo dục thì ngành giáo dục nên làm hai việc:
- Rà soát lại đội ngũ cán bộ chuyên viên trong cơ quan Phòng giáo dục.
Ai không bảo đảm yêu cầu giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức tốt thì loại khỏi Phòng giáo dục;
Dành vị trí việc làm đó để điều động giáo viên, cán bộ quản lý giỏi của các nhà trường về công tác tại Phòng giáo dục.
Bố trí cho một số chuyên viên đảm nhiệm nhiều công việc của Phòng giáo dục tiến tới giảm đáng kể định mức biên chế của Phòng giáo dục.
- Về phía Chính phủ thì xin Chính phủ rà soát xem các tỉnh đã thực sự thực hiện nghiêm Nghị định 115/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ “Quy định trách nhiệm Quản lý Nhà nước về giáo dục".
Nội dung chủ yếu của Nghị định 115 là các Sở Giáo dục và Đào tạo và các Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, thị thành phố về việc bổ nhiệm, tiếp nhận, luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên các trường học mà mình được giao quyền quản lý.
Khi các Phòng giáo dục được thực quyền quản lý mọi mặt thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện mà còn để xây ra yếu kém thì khi đó mới quy kết được Phòng giáo dục có thực sự yếu kém hay không?
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.