Bộ trưởng Nhạ có biết, nhiều nơi VNEN bị áp dụng rất cứng nhắc, dập khuôn?

04/08/2016 13:02
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc áp dụng “sao y bản chính” một cách dập khuôn, cứng nhắc đã làm hỏng đi mô hình trường học mới VNEN.

LTS: Thời gian vừa qua, một số địa phương vừa cho dừng mô hình trường học mới VNEN sau 3 năm triển khai, định hướng chỉ đạo về vấn đề này, trong buổi làm việc ngày 2/8 tại Nghệ An, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết:

“Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, nhưng không áp đặt”.

Đánh giá về chỉ đạo này của Bộ, cô giáo Phan Tuyết đã có bài viết bình luận.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Thời gian vừa qua, mô hình trường học mới VNEN đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều của dư luận.

Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định:

Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, nhưng không áp đặt. Các địa phương có thể áp dụng một phần, còn bỏ tất cả là cực đoan”.

Chẳng biết sự chỉ đạo này có làm cho suy nghĩ của một số nhà quản lý ở các trường học biến chuyển?

Bộ trưởng Nhạ có biết, nhiều nơi VNEN bị áp dụng rất cứng nhắc, dập khuôn? ảnh 1

Ngẫm về căn bệnh “Cố đấm ăn xôi” và “Đánh bùn sang ao” của ngành giáo dục

(GDVN) - Để đổi mới nền giáo dục nước nhà, trước tiên và quan trọng nhất là chữa trị và loại bỏ hai căn bệnh "Cố đấm ăn xôi" và "Đánh bùn sang ao" của cơ quan quản lý.

Xét một cách khách quan thì mô hình trường học mới VNEN có những mặt tốt, tích cực nhưng cách mà các nhà quản lý ở các cơ sở đang áp dụng đã làm hỏng cả một mô hình dạy học mới bởi việc áp dụng “sao y bản chính” một cách dập khuôn, cứng nhắc.

Đơn cử một việc rất nhỏ nhưng đã gây nhiều tranh luận trong giáo viên nhưng cuối cùng bên “vận dụng một cách dập khuôn” mô hình mới đã chiến thắng.

Trong phương pháp dạy VNEN, kế hoạch dạy học có 10 bước lên lớp.

Bước 1: Chúng em làm việc nhóm. Nhóm trưởng lấy tài liệu và đồ dùng học tập cho cả nhóm.

Để thực hiện được bước này, phòng học nào cũng phải có kệ đựng sách.

Toàn bộ sách giáo khoa, vở bài tập của học sinh được giáo viên cho xếp dưới kệ sách cuối lớp.

Vào tiết học, nhóm trưởng sẽ đi xuống lớp lấy sách, vở phát cho các bạn trong nhóm của mình.

Muốn vậy, buộc học sinh mỗi khi tới lớp phải lấy sách từ trong cặp của mình ra mang xuống dưới lớp để.

Quy định là thế, nhiều học sinh tới lớp quên luôn khâu này, giáo viên không phải ngày nào cũng có tiết dạy trên lớp để nhắc nhở các em.

Thế là, vào tiết học, khi nhóm trưởng lấy sách để phát cho các thành viên trong nhóm đôi khi không đủ.

Một tiết dạy áp dụng mô hình trường học mới VNEN (Ảnh: hanoimoi.com.vn).
Một tiết dạy áp dụng mô hình trường học mới VNEN (Ảnh: hanoimoi.com.vn).

Có không ít thầy cô lên tiếng:

Không nhất thiết bắt các em đến lớp lấy sách bỏ xuống kệ sách cuối lớp để vào tiết học nhóm trưởng lại mất công đi phát; nên để tự học sinh lấy sách, vở trong cặp của mình ra để học luôn khi cần”.

Người cho rằng nếu không để nhóm trưởng đi phát sách cho các bạn trong nhóm mình đã bỏ qua một bước học tập đầu tiên của VNEN và như thế đã không rèn cho các em kĩ năng sống.

Có ý kiến cho rằng:

Việc lấy sách từ cặp để dưới lớp, nhóm trưởng đi phát thì chẳng hơn gì học sinh tự lấy sách từ trong cặp ra. Bước này giống bước hình thức nên bỏ đi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chất lượng học tập của các em, chưa nói đến việc tiết học sẽ đỡ mất đi vài phút lãng phí.

Bộ trưởng Nhạ có biết, nhiều nơi VNEN bị áp dụng rất cứng nhắc, dập khuôn? ảnh 3

Áp dụng dạy VNEN - đổi mới xin đừng nóng vội

(GDVN) - Đổi mới trong dạy học là điều nên làm và áp dụng nhưng cần sử dụng linh hoạt chứ không phải “sao y bản chính” để rồi mang lại hiệu quả không cao.

Tranh luận chán, cuối cùng cũng phải thực hiện việc học sinh mang sách xuống cuối lớp để nhóm trưởng tới lấy phát vào đầu tiết học bởi “VNEN quy định thế”.

Hoặc như trong quá trình áp dụng phương pháp dạy học VNEN cho phân môn Tập đọc. Nhiều ý kiến thầy cô cho rằng phần tìm hiểu bài nếu để học sinh tự trả lời theo đúng phương pháp dạy VNEN các em sẽ chẳng hiểu gì cả.

Giáo viên cần linh hoạt hướng dẫn cho học sinh trả lời và giải nghĩa tất cả các câu hỏi trước lớp, và như thế các em sẽ hiểu bài hơn. Ý kiến của giáo viên đã không được thông qua vì nhiều người cho rằng dạy như thế không giống như dạy VNEN nữa.

Hay ở môn học Lịch sử, học theo VNEN, học sinh chỉ biết đọc bài trong sách giáo khoa và trả lời theo đó một cách máy móc.

Giáo viên muốn mở rộng ra về một nhân vật, giai đoạn lịch sử, về những chiến công… mà không có trong sách cũng không được phép bởi họ cho rằng đó là phương pháp truyền thống không phải VNEN.

Có thể nói, việc hiểu và áp dụng một cách máy móc phương pháp dạy học VNEN vào thực tế giảng dạy ở các trường học hiện nay đã đang biến một mô hình dạy học vốn tích cực trở nên nhiều khiếm khuyết.

Hy vọng sau chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà quản lý sẽ biết vận dụng mô hình VNEN một cách linh hoạt, hiệu quả hơn.

Phan Tuyết