Câu hỏi này được Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phạm Vũ Luận từ chiều ngày 12/6.
Tới sáng 13/6, ông Luận tiếp tục trả lời chất vấn, trong đó có câu hỏi này. Nhưng thật đáng tiếc, câu trả lời của Bộ trưởng Luận chỉ là: "Cần phải có một nhạc trưởng trong quá trình triển khai biên soạn chương trình và sách giáo khoa như đại biểu Bùi Thị An đã có ý kiến.
Lần làm sách này, chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất là sẽ có Tổng chủ biên toàn bộ chương trình, đồng thời sẽ có các chủ biên của từng môn và từng cấp học.
Nói nôm na là chỉ huy theo chiều dọc và chỉ huy theo chiều ngang 2 lát cắt để có một cái nhìn tổng thể, đồng thời phân bố hài hòa, hợp lý mang tính khoa học và phù hợp với nhận thức của các cháu, tránh những sai sót mà chúng ta đã rút ra được các kinh nghiệm trước đây".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chưa trả lời đúng câu hỏi của Đại biểu Bùi Thị An. ảnh: TTBC Quốc hội. |
Trả lời này của Bộ trưởng Luận cũng có nghĩa là ngành giáo dục chưa tìm được ra ai là người thực sự xứng đáng để giữ vai trò làm "Tổng chủ biên" đổi mới chương trình - sách giáo khoa.
Việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận "né" câu hỏi của Đại biểu An khiến cho dư luận vô cùng băn khoăn lo lắng.
Chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói rằng: "Để chuẩn bị cho việc viết sách giáo khoa trong những lần làm sách tới, rút kinh nghiệm, chúng tôi đang chuẩn bị lựa chọn cử những cán bộ tốt của các trường đại học sư phạm, các viện nghiên cứu khoa học giáo dục để đi đào tạo việc nghiên cứu phát triển chương trình này cho chu kỳ tương lai. Lần làm sách này chúng ta vẫn huy động đội ngũ các nhà giáo, các cán bộ khoa học triển khai làm.
Chúng tôi đã làm việc với các trường đại học, các sở giáo dục đào tạo, làm việc với Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật và các Hội khoa học kỹ thuật thành viên để có được sự lựa chọn giới thiệu của các tổ chức, các cơ sở này về đội ngũ các nhà giáo.
Đến nay như chúng tôi báo cáo, chúng tôi đã huy động khoảng 200 thầy, cô giáo, cán bộ khoa học của các lĩnh vực trong và ngoài giáo dục tham gia vào đội biên soạn chương trình.
Sau khi tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia này, chúng tôi sẽ công bố rộng rãi chương trình đã được sự góp ý nhiều vòng của các nhà khoa học, các nhà giáo và của Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật...".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận giáo viên tiểu học chịu nhiều áp lực |
Như vậy, chẳng còn bao lâu nữa, Bộ Giáo dục sẽ công bố bước đầu về chương trình mới. Có lẽ tới lúc ấy, Bộ trưởng mới công bố "Tổng chủ biên" chăng?
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Bùi Thị An cho biết, nếu còn thời gian bà sẽ tiếp tục chất vấn, yêu cầu Bộ trưởng trả lời vào trọng tâm câu hỏi.
"Tôi hỏi là Nhạc trưởng của chương trình - sách giáo khoa là ai thì Bộ trưởng chỉ nói là có Nhạc trưởng, nhưng không nói được đó là ai", bà An nói.
Trước đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã từng nói rất thật là chưa có Tổng chủ biên về học thuật cho việc đổi mới chương trình - SGK. Vậy nên cũng chẳng có gì bất ngờ khi đề án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo trình ra Thường vụ Quốc hội đã không thuyết phục được ai và phải làm lại.
Ngoài ra, Đại biểu Bùi Thị An còn hỏi: "Tại sao một trường lớn như Đại học Bách Khoa Hà Nội mà 8 tháng nay không có Hiệu trưởng?" Câu hỏi này cũng bị Bộ trưởng "quên" không trả lời.
Bà An nói: "Một trường Đại học lớn như Đại học Bách Khoa mà 8 tháng không có Hiệu trưởng là rất không ổn, nếu có chuyện gì thì Bộ trưởng phải nói ra chứ".
Đại biểu Bùi Thị An cho biết, muốn tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nhưng đã hết thời gian. ảnh: Ngọc Quang. |
Sau khi xem phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (một chuyên gia đã rất nhiều lần lên tiếng về sách giáo khoa) đã nói với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam: "Xây một ngôi nhà cũng cần có kỹ sư trưởng, vậy mà với một đề án quan trọng có liên quan trực tiếp tới tương lai của dân tộc, chi phí hết hàng trăm tỷ đồng mà lại không có thấy Tổng chủ biên".
Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn, tiêu chuẩn để chọn của một Tổng chủ biên: Là người biết cách làm chương trình-SGK, biết trả lời công luận làm chương trình-SGK như thế nào để học sinh tốt nghiệp đạt chuẩn quốc tế? Học xong phổ thông có thể vào học ở Harvard hay Lomonosov?
"Ngoài những môn tự nhiên, Tổng chủ biên cũng phải biết chỉ đạo sách giáo khoa Văn, Sử, Địa... viết theo hướng nào? Người đó cũng phải đối thoại công khai với công luận tại sao làm thế này chứ không làm theo kiểu khác?", Giáo sư Hãn bày tỏ.