Còn nhiều em nhỏ không được đến trường vì thiếu tiền đóng học phí

13/06/2018 06:50
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:“Miễn học phí bậc trung học cơ sở không tạo áp lực lên ngân sách nhà nước, tạo điều kiện học tập cho trẻ em”.

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi hiện đang có nhiều nội dung xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong đó được chú ý nhất là các điều khoản liên quan đến nhà giáo và học phí đối với các bậc học.

Liên quan đến các nội dung trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, bà rất đồng tình với đề xuất của cơ quan soạn thảo về việc mở rộng phạm vi sửa đổi của Luật Giáo dục từ dự kiến là sửa 8/114 điều lên 36/114 điều.

Đại biểu Quốc hội Mai Hoa cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, làm sâu sắc hơn tác động của các chính sách được bổ sung, trong đó tập trung quy định rõ thêm về phân luồng, liên thông, chính sách người dạy, người học; quản lý nhà nước và quản trị trường học.

Cụ thể theo bà Mai Hoa, về chương trình, sách giáo khoa giáo khoa phổ thông quy định tại điều 27, 28, 29 cần quy định chặt chẽ để đảm bảo đảm chất lượng và tính công bằng, minh bạch trong quá trình thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa cũng như để tránh tình trạng độc quyền trong biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa, đề nghị cần có thêm những quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (ảnh quochoi.vn).

Đồng thời đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm những nội dung, hình ảnh thể hiện định kiến giới hoặc bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa và các tài liệu giáo dục trong nhà trường...

Một vấn đề mà vị đại biểu này rất quan tâm đó là những quy định liên quan đến nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Vị đại biểu này rất đồng tình với đề xuất của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội về việc cần rà soát, nghiên cứu để sửa đổi một cách căn cơ hơn đối với Chương Nhà giáo vì nhà giáo chính là nhân tố quyết định trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Điều đang khiến bà Mai Hoa trăn trở là thời gian qua, sự xuất hiện các giá trị chuẩn mực mới về đạo lý, về văn hoá ứng xử trước những tác động của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế và hình ảnh người thầy, tới tình yêu nghề và sự gắn bó với nghề của nhà giáo.

Còn nhiều em nhỏ không được đến trường vì thiếu tiền đóng học phí ảnh 2Đại biểu Quốc hội đề nghị có một bộ sách giáo khoa chuẩn sử dụng nhiều năm

Do vậy, để đổi mới nền giáo dục với mục tiêu cao cả là “sự nghiệp trồng người”, cần xác định đúng vai trò của nghề giáo và trả lại vị thế cho nhà giáo;

Từ đó, đưa vào Chương nhà giáo những quy định cụ thể về hệ thống chính sách dành cho nhà giáo với những quy định cần cụ thể hơn như từng quy định trong Hiến chương Nhà giáo.

Ví dụ như tại Điều 3, Hiến Chương Nhà giáo quy định, nhà giáo có quyền có các thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ họ chống lại quyết định tùy tiện ảnh hưởng đến nhiệm kỳ công việc và nghề nghiệp của họ.

Cụ thể, các biện pháp bảo vệ cần được thực thi để chống lại các quyết định tùy tiện về tuyển dụng, tập sự, bổ nhiệm, đề bạt, hay các biện pháp kỷ luật bãi nhiệm.

Tại Điều 8 quy định, nhà giáo được hưởng tiền lương phù hợp với tầm quan trọng của chức năng xã hội và giáo dục mà họ đảm nhận, để có thể cống hiến hoàn toàn cho nghề nghiệp mà không phải lo lắng về tài chính.

Đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh:“Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhà giáo hơn”.

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi nhà giáo, vị Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đề nghị: “Cần mở rộng khái niệm nhà giáo bao gồm cả những cán bộ quản lý giáo dục vì thực tế cho thấy đội ngũ này đa phần đều là giáo viên, giảng viên giỏi được điều chuyển sang vị trí quản lý và vẫn có danh xưng là Thầy, cô.

Vì vậy, để huy động được đội ngũ cán bộ quản lý từ đội ngũ nhà giáo giỏi để đáp ứng yêu cầu mới, yêu cầu về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo thì cần thiết nghiên cứu mở rộng khái niệm nhà giáo, bảo đảm cán bộ quản lý cũng được hưởng các chế độ, chính sách dành cho nhà giáo”.

Một vấn đề nữa mà Đại biểu Quốc hội Mai Hoa rất tâm đắc chính là vấn đề miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở (Điều 105).

Theo vị đại biểu Quốc hôi này thì cần mở rộng đối tượng miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở và trẻ mầm non 5 tuổi.

Lý giải về đề xuất của mình, bà Mai Hoa cho rằng, Luật giáo dục hiện hành đã quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

Đồng thời cũng xác định trách nhiệm Nhà nước trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước.

Về bản chất, khi đã phổ cập nghĩa là mọi học sinh trong độ tuổi đều được quyền đến trường, được tạo điều kiện để hoàn thành phổ cập.

Tuy nhiên đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh Tiểu học, đây là một hạn chế lớn, cần được khắc phục trong sửa đổi Luật Giáo gục lần này.

Một nghiên cứu của Bộ Giáo dục – Đào tạo về chính sách của 18 nước, đại diện cho 4 châu lục cho kết quả là 33% các nước miễn học phí mầm non, 61% các nước miễn học phí cấp trung học cơ sở và 44% các nước miễn học phí hoàn toàn cấp Trung học phổ thông.

Cũng có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chính sách. Tuy nhiên, theo tính toán của ngành giáo dục, mức thu học phí của trung học cơ sở sẽ khoảng trên 2000 tỷ đồng, con số này chưa phải là áp lực lớn đối với ngân sách nhà nước – Đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Mai Hoa chia sẻ thêm: Tôi được biết, có những địa bàn khó khăn, có tình trạng học sinh bỏ học vì không có tiền đóng học phí;

Và để bảo đảm duy trì sỹ số học sinh hàng năm, không ít thầy cô đã phải trích lương để đóng học phí thay cho trò, phải vất vả đến từng nhà để vận động trò nghèo quay lại lớp.

Nếu mở rộng đối tượng miễn giảm học phí trong lần sửa đổi Luật Giáo dục này thì có thể thấy đây là một chính sách có ý nghĩa xã hội rất lớn;

Cũng là 1 điều kiện để thực hiện mục tiêu “triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020” theo Nghi quyết 29; rất mong được Quốc hội và Chính phủ ủng hộ chính sách này”.

Một vấn đề hiện cũng thu hút sự tranh luận của nhiều đại biểu Quốc hội đó là chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm.

Còn nhiều em nhỏ không được đến trường vì thiếu tiền đóng học phí ảnh 3Thật đáng hổ thẹn khi giáo dục con trẻ nói dối từ những năm tháng đầu đời

Hiện trong dự thảo, chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm được thay bằng những chính sách tín dụng (Khoản 3 Điều 89).

Bàn về chính sách này, theo bà Mai Hoa, chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm đã từng là một giải pháp hiệu quả thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm cũng như giải quyết bài toán thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm hiện nay đang bị giảm hiệu lực:

Về phía người học, số thí sinh giỏi lựa chọn ngành sư phạm rất ít, và điểm chuẩn đầu vào thấp dần qua từng năm.

Về góc độ hiệu quả đầu tư của Nhà nước, hàng năm ngân sách phải cấp bù cho đào tạo sư phạm lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng hiệu quả đầu tư thấp, không thực hiện được mục tiêu thu hút người giỏi;

Nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có cơ hội trở thành giáo viên, gây lãng phí ngân sách.

Về phía các cơ sở đào tạo sư phạm, ngân sách cấp bù vẫn không đủ để bảo đảm hoạt động, bát buộc phải huy động từ nhiều nguồn khác…

Do đó bà Mai Hoa ủng hộ việc thay chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm bằng chính sách tín dụng nhằm bảo đảm đầu tư hiệu quả ngân sách nhà nước (Tuy nhiên, cần được thực hiện theo lộ trình thích hợp để hạn chế tác động tiêu cực tới các trường sư phạm).

Đồng thời bà Mai Hoa còn đề nghị nghiên cứu để bổ sung những quy định về quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm;

Tính toán chặt chẽ chỉ tiêu đào tạo mới; ưu tiên ngân sách cho những trường sư phạm có chất lượng đào tạo tốt, uy tín;

Tạo cơ chế bố trí việc làm cho những sinh viên sư phạm giỏi, có năng lực chuyên môn cao.

Đây chính là kinh nghiệm của những nước có nền giáo dục phát triển như Singapore, Hoa Kỳ, Pháp, Phần Lan, và gần nhất là Campuchia… mà chúng ta có thể tham khảo.

Trinh Phúc