LTS: Việc phụ huynh bắt con đi học hè cũng xuất phát từ nhiều lý do, tuy nhiên, để các con có những tháng nghỉ hè ý nghĩa, thầy giáo Sông Trà đưa ra một số ý kiến về vấn đề này.
Theo thầy, phụ huynh và đoàn thể địa phương cần có những hoạt động thú vị để các em cảm thấy thích thú khi tham gia.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, một số tỉnh thành có chủ trương học sinh được nghỉ hè trọn vẹn ba tháng đã nhận được sự đồng tình cao từ phía phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.
Thực tế, bao nhiêu năm qua, nhiều thanh thiếu niên từ khu vực thành phố đến khu vực nông thôn không còn cái cảm giác của kỳ nghỉ hè nữa, vì phải tiếp tục vùi đầu vào các lớp học thêm, do tác động của phụ huynh, bạn bè, thầy cô giáo…
Làm thế nào để học sinh chúng ta có được những tháng nghỉ hè đúng nghĩa, bớt áp lực về chuyện học hành thi cử?
Anh Nguyễn Văn Tùng, 45 tuổi, ở xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh) cho biết: "Nhà tôi có hai cháu, năm học tới, một cháu lên lớp 12, một cháu lớp 5.
Mặc dù cuối năm học nhà trường, thầy cô giáo có gợi ý các em nên đi học hè, củng cố kiến thức, để chuẩn bị tốt cho sang năm, nhưng vợ chồng tôi thấy không cần thiết.
Cứ để các cháu ở nhà, vừa chơi, vừa coi nhà, lúc các cháu thích học thì tự lấy sách vở cũ và mới ra tự học, chứ chúng tôi chẳng ép.
Tôi chỉ mong các con tôi luôn được thoải mái, có sức khỏe tốt, còn việc học hành cũng rất quan trọng đối với con trẻ nhưng mấy ngày hè mà ép con em học hành, nhiều lúc lợi bất cập hại".
Phụ huynh, địa phương cần giúp con trẻ có những tháng nghỉ hè ý nghĩa, bổ ích. (Ảnh minh họa: thethaovanhoa.vn) |
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn rất nhiều phụ huynh không nghĩ và làm được như anh Tùng. Họ quá coi trọng việc học hành, bằng cấp, việc làm của con cái sau này.
Họ vẫn trĩu nặng tư tưởng phải “hy sinh đời bố, để củng cố đời con”. Cho nên lúc nào phụ huynh cũng thúc giục, theo dõi, ép buộc quá mức chuyện học tập của con cái.
Đến thời gian hè, các em rất muốn được nghỉ ngơi, vui chơi nhưng trước mệnh lệnh, sức ép của các ông bố, bà mẹ nên cực chẳng cùng mới tham gia các lớp học thêm, chủ yếu dạy trước chương trình ở trường, ở nhà thầy cô giáo.
Thấy con chơi nhiều, ít học, có phụ huynh lại lo lắng, "lên lớp" đủ điều với con: nào là “mày không lo học ngày đêm thì đời mày sau này sẽ khổ”, nào là “có đỗ đạt, bằng cấp thì con mới có địa vị cao trong xã hội”, nào là “tất cả các đứa cùng trang lứa với con ở khu phố này có đứa không đi học hè, học thêm đâu".
Có những mùa hè như thế |
Bên cạnh đó, cũng có số phụ huynh biết việc ép buộc con em đi học hè, học thêm nhiều là điều không tốt, song có những lý do khiến học cha mẹ không thể làm khác được.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, ở quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) phân trần: "Vợ chồng tui bận làm việc tối này, rất ít có thời gian để quan tâm, giám sát con cái, nhất là thời gian hè.
Hơn nữa lại sợ con ra đường bị tai nạn giao thông, sợ con mình dễ bị bạn xấu lôi kéo vào tệ nạn xã hội, nên cách tốt nhất là “đẩy” con đi học thêm, được chữ nào hay chữ ấy, cho đỡ lo".
Năm nào cũng vậy, cuối năm học, các em học sinh, đoàn viên bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ở mọi tỉnh thành được nhà trường, tổ chức đoàn, đội bàn giao về cho các Đoàn thanh niên xã, phường.
Đoàn thanh niên xã, phường có trách nhiệm lên kế hoạch, tổ chức các hoạt động cho các em.
Kết quả cho thấy, nhiều tổ chức đoàn năng động, tích cực, sáng tạo và được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện đã tạo được các hoạt động, sân chơi, phong trào có ý nghĩa, bổ ích, thiết thực, thu hút, lôi cuốn được các em tham gia.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi hình thức, qua loa, thiếu quan tâm, tổ chức hoạt động được một vài tiếng là xong, khiến học sinh, đoàn viên chán nản, thất vọng mỗi khi có thông báo tham gia hoạt động hè.
Hãy để cho trẻ được hưởng 3 tháng hè, đừng bắt đi học nữa |
Mặt khác, có phụ huynh lại chẳng mặn mà, tha thiết gì mấy khi cho em tham gia sinh hoạt tập thể, xã hội ở địa phương.
Hơn nữa, sự phối hợp và biện pháp chế tài, nhắc nhở những đoàn viên, học sinh lơ là, bỏ sinh hoạt giữa nhà trường và các đoàn thanh niên xã, phường còn lỏng lẻo, không có tác dụng thúc đẩy, răn đe.
Tóm lại, để có những mùa hè thật sự có ý nghĩa, bổ ích đối với các em học sinh chúng ta hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm, mối quan tâm lớn của cha mẹ và cách tổ chức của địa phương.
Trước hết các bậc phụ huynh cần tạo môi trường và dành thời gian dẫn dắt trẻ, giúp trẻ có những hoạt động vui chơi theo từng độ tuổi.
Hướng trẻ vào những hoạt động như: chơi thể thao, học bơi lội, học các môn năng khiếu nhạc, họa, thể thao hoặc đọc sách báo, nghe nhạc, xem những bộ phim ưa thích do chính các em lựa chọn dưới sự hướng dẫn của cha mẹ.
Luôn ủng hộ và khuyến khích con em mình tham gia sinh hoạt xã hội, với sự tổ chức của các đoàn thể địa phương, các tổ chức tình nguyện.
Chỉ bày, hướng dẫn các con làm được các việc trong nhà hoặc các kỹ năng khác như: sửa máy tính, tạo blog, dịch sách… rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp như thăm bà con, thầy cô, bạn bè cũ… hay cùng gia đình về quê thăm ông bà, đi du lịch, chụp ảnh, quay phim, tạo album, viết lách...
Các ban chỉ đạo hoạt động hè ở nhà trường, địa phương, đặc biệt đoàn thanh niên xã, phường cần làm việc thực chất, tổ chức được một số “sân chơi”, nội dung, hoạt động phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và có sức thu hút lớn các em tham gia.
Tránh tình làm qua loa, hời hợt, chỉ giỏi báo cáo hay, tô hồng thành tích.