Việc thay “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học đang nhận được nhiều ý kiến quan tâm của xã hội.
Trước nội dung này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyên gia đã lên tiếng.
Những bất cập, hạn chế về cách tính học phí
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, cơ chế thu học phí được quy định tại luật Luật Giáo dục và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021.
Trong đó, quy định “Học phí là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục”.
Tuy nhiên do mức thu học phí thấp, nên ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ phần lớn chi phí giáo dục đào tạo.
Trong khi đó, trước đây Pháp lệnh phí, lệ phí quy định học phí là một loại phí thuộc ngân sách nhà nước, thực hiện cơ chế thu, quản lý, sử dụng học phí theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí, theo đó học phí phải được ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước, phải nộp vào kho bạc nhà nước để theo dõi, quản lý theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quy định hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế bất cập như:
Mức thu học phí thấp chưa tính đủ chi phí đào tạo, trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, vì vậy các trường khó khăn về kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục đào tạo.
Năm 2015 Quốc hội đã ban hành Luật phí, lệ phí, trong đó chuyển học phí ra ngoài danh mục phí, lệ phí do nhà nước quản lý, và coi học phí là giá dịch vụ giáo dục và đào tạo.
Theo đó, học phí thuộc phạm vi điều chỉnh bởi Luật Giá, và cơ chế thu, quản lý sử dụng học phí được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá và được tính đúng tính đủ chi phí, vì vậy cơ chế thu và sử dụng học phí hiện hành chưa phù hợp với Luật Giá…
Từ các hạn chế bất cập nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần thiết phải bổ sung sửa đổi quy định về học phí cho phù hợp với thực hiện và các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.
Chính vì vậy, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã sửa đổi Điều 105 Luật Giáo dục theo hướng:
Quy định rõ giá dịch vụ giáo dục đào tạo tính đủ chi phí là toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phi quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục, đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo.
Tuy nhiên do giá dịch vụ giáo dục ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, và mức học phí hiện nay rất thấp, vì vậy chưa thể chuyển ngay học phí sang cơ chế giá tính đủ chi phí mà phải có lộ trình.
Vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi tại Điều 105 vẫn từ Học phí và quy định chia sẻ chi phí giáo dục đào tạo giữa người học và nhà nước.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Học phí và Giá dịch vụ đào tạo có nội hàm khác nhau |
Cụ thể, học phí là khoản tiền mà người học hoặc gia đình người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo, (còn lại Ngân sách hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá).
Mức học phí này sẽ được chuyển dần sang cơ chế giá dịch vụ tính đủ chi phí và sẽ giao cho Chính phủ quy định cụ thể lộ trình tính giá dịch vụ phù hợp với Nghị quyết 19 và Nghị định 16/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó đến năm 2020-2021 sẽ tính đủ chi phí đào tạo.
Quy định này sẽ giúp các trường có thêm nguồn thu đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đào tạo.
Đối với các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như tuyển sinh, khảo thí, kiểm định … có thể chuyển ngay sang thực hiện theo cơ chế tính giá để bù đắp đủ chi phí.
Cách gọi “giá dịch vụ đào tạo” mới chính xác
Đây là quan điểm của ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.
Theo ông Hạ, Nghị quyết của Đảng đã nói, trong lĩnh vực đào tạo là một dịch vụ đặc biệt.
Nếu mở rộng tự chủ cho các cơ sở giáo dục thì bài toán tính đúng, tính đủ cho chi phí đào tạo là đương nhiên.
Khi đó giá dịch vụ đào tạo sẽ là tổng chi phí đào tạo, trong đó học phí chỉ là một mục - điều này phù hợp với Luật Giá.
“Chúng ta cũng biết suất đầu tư cho một học sinh, sinh viên đâu phải chỉ có học phí mà còn rất nhiều chi phí khác cộng lại.
Việc chuyển đổi từ “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo” ban đầu có thể khiến nhiều người không quen nhưng việc gọi tên “giá dịch vụ đào tạo” là chính xác. Tôi đồng tình với sự chuyển đổi này” ông Hạ bày tỏ.
Tuy nhiên, theo ông Hạ, việc khi chuyển sang giá, các cơ sở cần phải tính toán sao cho phù hợp với người học. Giá dịch vụ phải thể hiện được chất lượng giáo dục.
Cách gọi “giá dịch vụ đào tạo” đang khiến nhiều người chưa hiểu và phản ứng với cách gọi này do đâu?
Ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Ông Tạ Văn Hạ cho rằng, dư luận có quyền đặt ra những vấn đề họ cần quan tâm, cần hiểu hơn. Việc dư luận phản biện trước các chính sách là rất quan trọng và cần thiết.
Vấn đề là ngành giáo dục phải thông tin đầy đủ và trao đổi, tiếp thu những thông tin hợp lý.
Đồng thời cần phản hồi lại để dư luận hiểu và đồng thuận. Điều này cũng sẽ tốt hơn cho quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Cũng theo ông Hạ, hiện nay, kinh phí nhà nước không thể lo cho toàn bộ hệ thống giáo dục từ mầm non cho tới đại học nên về cơ bản mới chỉ tập trung vào bậc phổ thông. Vì vậy, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục là tất yếu.
“Tôi cho rằng, việc chuyển đổi từ tính “học phí” sang tính “giá dịch vụ đào tạo” để tính đúng, tính đủ sẽ tạo thuận lợi cho đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, cũng là tạo điều kiện cho người học có thêm sự lựa chọn phù hợp.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh, giáo dục không cho phép thương mại hóa. Vì vậy, sự đổi tên này không bao hàm yếu tố thương mại hóa vì giáo dục là hoạt động liên quan đến con người nên vẫn có sự điều tiết và quản lý của nhà nước.
Phương châm của chúng ta rất rõ rồi, đẩy mạnh xã hội hóa nhưng không thương mại hóa giáo dục” ông Hạ nêu quan điểm.