LTS: Từ câu chuyện thật của cuộc đời mình, với mong muốn giúp cho mọi người và các bạn đồng nghiệp có cái nhìn khác về việc giáo dục học sinh bằng đòn roi, tác giả Sơn Quan Huyền đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Nhà tôi có hai chị em, hơn kém nhau đúng ba tuổi. Ngày chị đi học “vỡ lòng” tôi cũng đi học ké, ngồi cạnh chị. Cô giáo xếp chị ngồi ngoài cùng bên phải của bàn để tiện “trông em”.
Tôi học đọc, học viết cùng chị, kể từ đó có thói quen viết tay trái, tay “không thuận” của mình.
Đủ tuổi, tôi được học “vỡ lòng”, cô giáo dạy tôi cũng là cô giáo dạy chị.
Lên lớp một, tôi đọc thông, làm toán thạo, duy chỉ có “cái chữ” nó không theo ý tôi, vẫn cực kỳ “đẹp”.
Bài chính tả đầu tiên, tôi được “nêu gương” về thành tích ấy.
Hôm sau, thầy giáo gọi tôi lên bảng, thầy cầm cây bút giơ về phía tôi:
- Con cầm lấy.
Tôi giơ tay phải ra cầm cây viết. Thầy lại hỏi:
- Con thuận tay phải à?
- Dạ, vâng ạ.
- Vậy từ nay trở về sau con phải tập viết tay phải nhé.
Tôi hứa với thầy nhưng rồi cũng đâu vào đấy, lại viết tay trái. Một hôm thầy gọi tôi lên, bảo đặt tay trái lên bàn.
- Từ nay trở đi nếu còn viết tay trái thầy sẽ đánh tay em cho chừa.
Cùng với tiếng “chừa” là cây thước lim trên tay thầy vung xuống, hai đầu ngón trỏ và ngón giữa tay tôi tóe máu.
Mọi đứa trẻ ở tình huống như vậy đều đã rụt tay lại, riêng chị em tôi được giáo dục từ nhỏ nên chấp nhận, vì vậy “lãnh đủ” đòn hù dọa của thầy.
- Sao con không rút tay lại như các các bạn?
Thầy rút vội sợi dây thun quần của mình, quấn quanh hai ngón tay tôi cho bớt chảy máu, cõng tôi băng cánh đồng trước trường đến trạm xá.
Lưng thầy túa mồ hôi, thở hổn hển, tôi thích chí không chịu xuống mà vẫn ở trên lưng bắt thầy cõng để “trả thù”.
Băng bó xong, thầy đưa tôi về nhà, vừa đến ngõ đã thấy bố tôi cầm cái roi mây “gia pháp”, tôi nghĩ phen này thầy ăn roi là cái chắc. Thầy vào ngõ, bố tôi khoanh tay, cúi người:
- Chào thầy ạ, con xin lỗi thầy, để cháu làm khổ thầy.
Té ra thằng bạn hàng xóm đã phóng như bay về nhà báo cho bố tôi biết.
Bố tôi đã nấu một nồi khoai và ấm trà xanh để đón thầy vào trưa hôm đó nhưng không ngờ thầy đã đưa tôi về ngay.
Tôi bị phạt đứng vào góc nhà vì tội “bắt thầy đánh” và “bắt thầy cõng”.
Ngón trỏ và ngón giữa móng tay mọc vẹo sang phải kể từ ngày ấy (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Tôi giận bố tôi lắm vì không bênh con, mà lại bênh thầy.
Thầy về, bố cầm cái tay băng trắng của tôi lên xem, bố ôn tồn bảo:
- Bố biết con đau, bố cũng đau lắm, nhưng thầy đánh là muốn con nên người, muốn sau này bố còn có con mà nhờ, phải cảm ơn thầy con ạ.
Cũng từ lần đấy, tôi không thấy thầy dùng cây thước lim nữa.
Nhờ vậy tôi chuyển sang viết tay phải, chữ ngày một đẹp dần lên. Đôi lúc nhớ chuyện cũ, nhìn hai ngón tay “bị tật” của mình tôi lại thầm cảm ơn thầy.
Số phận run rủi, lớn lên, đi bộ đội tôi lại làm “thầy giáo quân hàm xanh”, ra quân tôi chọn nghề dạy học.
Đã ba mươi năm đứng lớp, tôi chưa hề dùng đến một hình phạt nào cho học trò của mình. Mỗi khi quá giận, tôi lại nhớ đến lời thầy nói với bố tôi:
- Với thầy không có học trò dốt, mà chỉ có học trò chưa học. Không có học trò hư, mà chỉ tại mình chưa tìm ra phương pháp dạy thích hợp.
Thầy chỉ dọa thằng Cu nhà con thôi, nhưng mà nó không rụt tay lại như những đứa khác.
Trong dạy học, tôi luôn cố gắng tìm ra những ưu điểm dù nhỏ nhất của học sinh mình, chan hòa nhưng không quá trớn với chúng.
Với bọn trẻ cũng như mọi người lớn, được khen thưởng thì vui vẻ mà phấn đấu, mà dấn thân, mà hy sinh.
Khen thưởng đúng, là “hình phạt” tốt nhất trong dạy học.
Mỗi đứa con là một báu vật của cha mẹ, thế nhưng cha mẹ không nên biến con thành “vua con”, cha mẹ hãy làm gương “tôn sư, trọng đạo” thì lúc đó con cái mình mới “học đạo” để sau này có “hiếu” với mình được.
Thầy tôi đã mất, tôi vẫn tiếc nuối chưa một lần được khấu đầu trước mặt Thầy. Cảm ơn Thầy đã đánh con! Thầy ơi.