Cậu học trò vượt ngàn cây số từ Tây Nguyên về Thủ đô tri ân thầy cô

18/11/2015 07:37
Đức Hướng
(GDVN) - Cựu sinh viên Học viện Báo chí Ngô Hoàng Anh nghe tin chương trình “Mãi mãi tri ân” đã liền từ Kon Tum ra Hà Nội để được gặp thầy cũ của mình.

Tối 17/11, hội trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền chật kín sinh viên của 10 trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình thầy – trò nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày nhà giáo Việt Nam, từ lâu đã trở thành ngày hội cho thầy và trò, ngày để lớp lớp học trò nói lời tri ân thầy cô, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn.

Sáng ngày 17/11, các sinh viên đến thăm bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh Đức Hướng
Sáng ngày 17/11, các sinh viên đến thăm bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh Đức Hướng

Để tạo điều kiện cho sinh viên trên địa bàn Hà Nội gửi lời tri ân chân thành đến thầy cô giáo của mình, Công ty Habeco đã tài trợ cho chương trình “Mãi Mãi Tri Ân” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền kết hợp với 10 trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội phối hợp tổ chức.

Trên bước đường trưởng thành của mỗi người, chắc hẳn ai cũng mang trong mình một tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với những người thầy, đặc biệt là những người có ảnh hưởng đến suy nghĩ và dìu dắt chúng ta thành người. 

Trong buổi sáng ngày 17/11, sinh viên và thầy cô giáo của 10 trường đại học, cao đẳng đã có chuyến thăm bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (vị Bộ trưởng Giáo dục có thời gian công tác lâu nhất với 28 năm) tại Kim Chung – huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đây là hoạt động uống nước nhớ nguồn, dâng hoa ơn thầy và tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cũng như cống hiến, hy sinh của thầy Nguyễn Văn Huyên đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. 

Các bạn sinh viên chăm chú đọc các thông tin về thầy Nguyễn Văn Huyên, ảnh Đức Hướng.
Các bạn sinh viên chăm chú đọc các thông tin về thầy Nguyễn Văn Huyên, ảnh Đức Hướng.

Nhưng xúc động nhất vẫn là buổi gặp gỡ, tri ân diễn ra vào tối cùng ngày. Các thầy cô được tri ân đã nhận những món quà vô cùng bất ngờ từ những học trò của mình, đó là những kỷ niệm thời đi học mà không nghịch không phải là học trò. Nghe trò kể lại những kỷ niệm đó, nhiều thầy cô bật cười hạnh phúc trong sung sướng, tự hào.

Câu chuyện cảm động nhất được nhiều người ghi nhận đến từ anh Ngô Hoàng Anh, một cựu sinh viên của Học viện Báo chí.

Lần này, được ban tổ chức thông báo sẽ có sự kiện tri ân thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, anh Hoàng Anh liền từ Kon Tum trở ra Hà Nội để mong muốn được gặp lại người thầy cũ đáng kính của mình - GS. Dương Xuân Ngọc, nguyên Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Câu chuyện cảm động về tình thầy trò của anh Ngô Hoàng Anh (người cầm micro), quê ở Kon Tum.
Câu chuyện cảm động về tình thầy trò của anh Ngô Hoàng Anh (người cầm micro), quê ở Kon Tum.

Trong giây phút xúc động, anh không khỏi bồi hồi: “Thật quá bất ngờ, mừng vui, kỷ niệm với thầy thì nhiều, nhưng xin lỗi các bạn sinh viên vì có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất với người thầy của mình là một kỷ niệm buồn”.

Anh Hoàng Anh chậm rãi nói, câu chuyện xảy ra cách đây 16 năm khi anh và một sinh viên khác trong lớp nằm trong danh sách được kết nạp Đảng, tự hào có, vui có.

Nhưng niềm vui chưa được lâu thì tin dữ từ gia đình thông báo có người thân ốm nặng. Anh phải về gấp, và về đúng ngày học tập chính trị trước khi kết nạp Đảng, thế rồi trường hợp của anh bị hoãn lại.

Nhưng khi biết tin hoàn cảnh gia đình như vậy, bất ngờ anh Hoàng Anh nhận được lời chúc từ thầy Dương Xuân Ngọc rằng đã chính thức được kết nạp. Mừng, vui lẫn lộn, anh không bao giờ quên câu nói của GS. Ngọc: “những gì là khoa học thì cố gắng phấn đấu rồi sẽ thành công”.

Câu chuyện tình thầy trò của Nhà báo Minh Tiến (ngồi giữa) khiến cả hội trường bật cười.
Câu chuyện tình thầy trò của Nhà báo Minh Tiến (ngồi giữa) khiến cả hội trường bật cười. 

Nhận xét về cậu học trò cưng của bình, GS. Dương Xuân Ngọc cho biết, trong 38 năm dạy học của mình thì phần lớn là dạy trong kháng chiến, chứng kiến nhiều sinh viên trưởng thành trong gian khó, nhưng với Hoàng Anh thì đó là một gương vượt khó cần cù.

Câu chuyện thứ hai của Nhà báo Vũ Minh Tiến đối với người thầy của mình là PGS. Ngô Văn Giá (Đại học Văn hóa) khiến cả hội trường bật cười về những kỷ niệm tinh nghịch của anh và các bạn trong lớp.

Đó là khoảng thời gian năm thứ nhất sinh viên, trong tiết học Văn hóa Việt Nam do PGS. Ngô Văn Giá giảng dạy, theo nhận xét của Nhà báo Minh Tiến thì do PGS. Giá dạy quá hay, truyền cảm, và đôi khi đắm chìm trong tiết giảng.

Các tiết mục văn nghệ bày tỏ sự tri ân của sinh viên đối với các thầy, các cô.
Các tiết mục văn nghệ bày tỏ sự tri ân của sinh viên đối với các thầy, các cô.

Anh và bạn bè muốn trêu tức thầy, muốn phá vỡ không gian yên tĩnh của lớp học, và đã nghĩ ra cách dùng một vật phát ra tiếng kêu như tiếng dép trẻ con mỗi bước chân.

Mỗi lần thầy Giá giảng bài đến đoạn hay thì cả nhóm bấm kêu bíp bíp, nhiều lần như vậy khiến thầy tỏ ra khó chịu vì tiếng động lạ. Biết là sinh viên nghịch nhưng việc giảng bài vẫn còn đó nên PGS. Ngô Văn Giá vẫn tiếp tục giảng, mặc kệ tiếng động. Nhiều lần thấy thương thầy nên cả nhóm quyết “tha” cho thầy.

Nghe lại câu chuyện này, PGS. Ngô Văn Giá bật cười và bất ngờ với cậu học trò cũ. PGS. Ngô Văn Giá cho biết, khi đã đứng trên bục giảng thì không còn tâm trí đâu để nghĩ thứ khác, nên cứ hết mình với bài giảng. 

Trong buổi tối tri ân các thầy cô, vẫn còn nhiều câu chuyện hay và đẹp về tình thầy trò. Hơn hết, các thầy cô đã cảm nhận được tình cảm yêu thương, kính trọng của nhiều lớp học trò. Điều ý nghĩa nhất đối với một nhà giáo là được học trò dù có làm gì, ở đâu vẫn nhớ về người thầy của mình.

Đức Hướng