LTS: Chia sẻ cảm xúc của một số giáo viên dạy môn Ngữ văn tham gia vào công tác chấm thi của kì thi trung học phổ thông Quốc gia, tác giả Sông Trà đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Đến hết ngày 4/7, nhiều hội đồng chấm thi trung học phổ thông Quốc gia đã chấm được một nửa hoặc một phần ba trong tổng số bài thi tự luận môn Ngữ văn.
Đáp án và hướng dẫn chấm của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay tương đối mở.
Một số thầy cô giáo dạy văn băn khoăn, đáp án, hướng dẫn chấm mở như thế dễ dẫn đến tình trạng tính điểm khác nhau ở các hội đồng chấm thi, thậm chí giữa những người chấm khác nhau trong cùng bài thi.
Các thầy cô giáo tham gia công tác chấm thi (Ảnh minh họa: TNO). |
Thầy Nguyễn Viết Hòa, giám khảo môn Ngữ văn tại hội đồng chấm thi tỉnh Quảng Ngãi lại cho rằng:
“Đề mở - đáp án, hướng dẫn chấm mở là phù hợp với đặc trưng của môn học.
Nó thuận lợi cả cho thí sinh (dễ có điểm) và người chấm (không bị gò bó, ràng buộc).
Giám khảo chấm văn, bên cạnh bám sát với đáp án và hướng dẫn của Bộ song trước những bài làm cụ thể phải có cách xử lý linh hoạt riêng.
Chấm chặt, chấm lỏng đều không được mà mỗi thầy cô giáo cần chấm đúng.
Do tính đặc thù của môn học, của việc chấm văn nên trong Quy chế 04/2007 của Bộ nêu ra những tình huống lệch điểm thường gặp và cách xử lý cụ thể để giám khảo giải quyết, tìm tiếng nói thống nhất”.
Đề Văn mở nên đáp án cũng mở, chỉ cần không trái thuần phong mỹ tục |
Thông tin từ các giám khảo chấm cho biết, năm nay đã xuất hiện những bài văn đạt điểm 9, điểm 9.5 song cũng có một ít bài bị điểm liệt từ 1 điểm trở xuống.
Trong hơn 920 ngàn bài thi môn Ngữ văn, tất nhiên sẽ có những bài làm tốt, nhận thức các vấn đề một cách sâu sắc, câu chữ, diễn đạt, lập luận chặt chẽ, khúc chiết.
Giám khảo chấm phấn khởi, hứng thú biết bao khi được đọc, thẩm định những bài văn như thế.
Song cũng có không ít bài làm sơ sài, hời hợt, nhận thức sai nội dung, vấn đề, câu chữ, diễn đạt rối rắm, lộn xộn, tối nghĩa… khiến giám khảo vất vả, căng thẳng.
Thầy cô giáo rất cân nhắc, đắn đo khi hạ bút, thống nhất cho điểm liệt đối với những bài làm lạc đề hoặc gần như bỏ giấy trắng.
Thầy Bùi Văn Thuận, giáo viên môn Ngữ văn, Trường trung học phổ thông Trường Chinh (Chư Sê, Gia Lai) từng nhiều năm làm giám khảo chấm thi trung học phổ thông Quốc gia chia sẻ:
“Cách ra đề tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học môn Ngữ văn trước đây thường có chỉ 1 một đến 2 câu, thuộc nghị luận văn học, yêu cầu thí sinh làm thành những bài văn hoàn chỉnh.
Còn nay, cách ra đề theo hướng đổi mới, cải tiến, giúp thí sinh rất dễ có điểm hơn, với 3 câu hỏi, câu đọc - hiểu- câu viết đoạn văn nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học cùng các mức độ khác nhau: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
Thế mà, một số học sinh bây giờ vẫn không làm được bài, bỏ giấy trắng, bị điểm liệt.
Thật buồn cho sự học văn của một bộ phận con trẻ hôm nay.
Tuy nhiên, trong đó còn có một phần trách nhiệm không nhỏ những nhà biên soạn, thiết kế chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ thầy cô giáo dạy văn ở nhà trường phổ thông”.
Làm gì để các em yêu, thích bộ môn Ngữ văn, đáp ứng được yêu cầu cơ bản của môn học qua các bài kiểm tra, bài thi ở nhà trường phổ thông, phải chăng vẫn là một câu hỏi quá khó dành cho tất cả chúng ta.