Chặn những cuộc đua ngầm vào trường chuyên, lớp chọn

06/10/2016 09:06
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Những cuộc đua ngầm thường xuất hiện khi các học sinh, phụ huynh muốn vào các trường chất lượng cao, làm phát sinh các hiện tượng như “chạy trường, chạy lớp”.

LTS: Lệnh cấm thi tuyển lên lớp 6 đã được bộ Giáo dục và đào tạo áp dụng từ năm 2015 với mục đích hạn chế tình trạng học thêm, dạy thêm, chạy trường, chạy lớp vốn xảy ra phổ biến ở bậc Tiểu học.

Thầy giáo Bùi Minh Tuấn (một giáo viên dạy học ở trường Trung học Phổ thông Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) có bài viết thể hiện quan điểm cho rằng cần xóa bỏ luôn mô hình trường chuyên, lớp chọn và có kế hoạch luân chuyển giáo viên từ các trường này sang các trường khác phù hợp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Chỉ thị cấm thi tuyển lên bậc Trung học Cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo được xem là sẽ góp phần “gỡ rối” cho khâu tuyển sinh ở những trường vốn được xem là “trọng điểm, chất lượng cao” đồng thời giảm áp lực đáng kể đối với phụ huynh, học sinh.

Trên thực tế, những trường chuyên núp bóng “chất lượng cao” ở bậc Trung học Cơ sở vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, góp phần tạo ra một cuộc “đua ngầm” về thành tích.

Với mong muốn tạo điều kiện cho con em được học tập ở những môi trường tốt nhất, ngay ở những năm học đầu tiên của bậc Tiểu học, không ít phụ huynh học sinh đã tạo áp lực học thêm nhằm tìm kiếm một “suất” trong “trường trọng điểm chất lượng cao” ở bậc học Trung học Cơ sở.

Biếm họa bệnh thành tích trên thethaovanhoa.vn.
Biếm họa bệnh thành tích trên thethaovanhoa.vn.

Ngoài việc ngày hai buổi học chính khóa trên lớp, các em được các bậc phụ huynh đưa đến các trung tâm Tiếng Anh, luyện Toán, Tiếng Việt… bên cạnh đó, còn học thêm tại nhà riêng của các giáo viên “có tiếng”.

Việc phải học thêm quá nhiều với cường độ cao khiến nhiều học sinh Tiểu học không có thời gian để vui chơi, “đánh mất” tuổi thơ và thậm chí rơi vào tình trạng bị rối loạn tâm lý.

Mặc dù thời gian qua, ngành giáo dục đã có những giải pháp cương quyết trong việc cấm dạy thêm dưới mọi hình thức ở bậc Tiểu học, tuy nhiên, có “cầu” ắt có “cung”.

Chặn những cuộc đua ngầm vào trường chuyên, lớp chọn ảnh 2

Giáo viên trường chuyên phải là người đào tạo được học sinh giỏi hơn mình

Khi có lệnh cấm rốt ráo việc dạy thêm tại nhà riêng thì không ít giáo viên lại tìm đến thuê, mượn địa điểm khác để “hành nghề”, đổi cách gọi từ “dạy thêm” sang “kèm cặp thêm”, “phụ đạo thêm” trên cơ sở được phụ huynh đề nghị.

Với những mánh khóe trên, việc các ngành chức năng phát hiện kịp thời để xử lý các trường hợp vi phạm là rất khó.

Những cuộc đua ngầm thường xuất hiện khi các học sinh, phụ huynh muốn vào các trường chất lượng cao, đây chính là mảnh đất màu mỡ để làm phát sinh các hiện tượng tiêu cực như “chạy trường, chạy lớp”.

Một trong những lý do đưa ra nhằm duy trì hệ thống trường “trọng điểm chất lượng cao” hàng chục năm qua là cần phải có mô hình trường học như vậy để nâng cao chất lượng mũi nhọn, có được một đội “gà nòi” tham gia các kỳ thi, mang lại thành tích cho ngành giáo dục các địa phương.

Tuy nhiên, thực tế bấy lâu nay, trường Trung học Cơ sở mang danh nghĩa “chất lượng cao” không phải là nguồn tuyển duy nhất của trường chuyên ở bậc Trung học Phổ thông và các đội tuyển học sinh giỏi.

Mặt khác, khi không còn quá chú trọng đầu tư về nhân lực, vật lực vào trường trọng điểm chất lượng cao bậc Trung học Cơ sở, ngành giáo dục ở các địa phương sẽ có cơ hội dành nhiều nguồn lực hơn cho việc nâng cao chất lượng đại trà, đảm bảo công bằng trong giáo dục giữa các đơn vị trường học khác trên cùng một địa bàn.

Chặn những cuộc đua ngầm vào trường chuyên, lớp chọn ảnh 3

Mô hình trường chuyên thúc đẩy dạy thêm nở rộ

Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định, việc xóa bỏ mô hình “trường chuyên lớp chọn” ở bậc Trung học Cơ sở là quyết định phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Vấn đề còn lại là đội ngũ giáo viên giỏi, có kinh nghiệm lâu nay vẫn được tập trung phân về các trường Trung học Cơ sở “chất lượng cao” cần “cơ cấu” lại sao cho phù hợp?

Liệu có thể luân chuyển quay vòng những giáo viên này về các trường Trung học Cơ sở khác trên địa bàn để nâng cao chất lượng đại trà?, bởi nếu vẫn giữ nguyên đội ngũ giáo viên cộng với cơ sở vật chất hiện có, trường “chất lượng cao” vẫn là ngôi trường “mơ ước” của nhiều người và có thể lại xuất hiện tiếp một “cuộc đua ngầm” để được vào học trái tuyến ở những ngôi trường này.

Và như vậy, khi đó, việc chuyển giao, thay đổi phần nào chỉ mang tính hình thức, tình thế, “bình mới rượu cũ” mà thôi!

Bùi Minh Tuấn