Chi tiết dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

14/04/2017 05:55
Thùy Linh
(GDVN) - Giảm số môn học, dạy Ngoại ngữ có thể bắt đầu từ lớp 1, lớp 10 học sinh được định hướng nghề nghiệp... là những điểm mới của dự thảo chương trình tổng thể.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể.

Tổng chủ biên chương trình – Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết:

Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; 

Biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Và hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn, môn học tự chọn bắt buộc.

Chi tiết dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ảnh 1
Lớp 10 học sinh được định hướng nghề nghiệp... là một trong những điểm mới của dự thảo chương trình tổng thể. (Ảnh: VTV)

Trong một năm học, thời gian thực học các môn học của chương trình giáo dục phổ thông tương đương với 37 tuần, gồm: 35 tuần thực học dành cho các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hoá và môn học tự chọn bắt buộc; 2 tuần thực học dành cho các môn học tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.

Đồng thời, chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi như:

Chi tiết dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ảnh 2

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Sở nào cũng viết sách giáo khoa thì loạn

- Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;

- Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý từ nay cho đến ngày 29/4/2017. 

Xem và tải về toàn bộ dự thảo TẠI ĐÂY

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các thầy cô qua hòm điện tử toasoan@giaoduc.net.vn

Thùy Linh