Chương trình mới khó triển khai ngay từ năm 2018

25/05/2017 03:24
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu thực hiện Chương trình mới trong năm học 2018-2019 là quá sớm, trong khi, công tác đào tạo giáo viên chưa thể đáp ứng nhu cầu đổi mới.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đa số chuyên gia đều đánh giá dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được xây dựng theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện mà Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra. 

Về lộ trình thực hiện chương trình mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, trong năm học 2018 - 2019, triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10.

Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6; dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Với cách thực hiện “cuốn chiếu” này, đến năm học 2022 - 2023 chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra. 

Tuy nhiên, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) cho rằng: 

Đến tháng 5/2017, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới hoàn thành việc xin góp ý từ nhân dân nên nếu thực hiện chương trình mới ngay từ năm học 2018-2019 là quá vội vàng và khó khả thi. 

Thạc sĩ Đặng Danh Hướng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Hướng phân tích, năm học 2016-2017 chuẩn bị kết thúc nhưng chúng ta vẫn chưa chuẩn bị được điều kiện tối thiểu nhất về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực thi chương trình phổ thông mới. 

Còn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoài những thiết bị dạy học hiện có trong các nhà trường để tiến hành các thí nghiệm, tìm tòi nghiên cứu để khám phá kiến thức khoa học, rèn luyện kĩ năng, phát triển các năng lực... thì hiện tại, vẫn chưa có sự đầu tư về cơ sở vật chất và thiết bị cần thiết đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình phổ thông mới. 

Do vậy, nếu thực hiện ngay từ năm học 2018-2019 sẽ thiếu cơ sở thuyết phục bởi chương trình phổ thông mới chưa được chuẩn bị kĩ như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chưa bắt tay vào xây dựng nội dung môn học, chưa viết sách giáo khoa...

Chương trình mới khó triển khai ngay từ năm 2018 ảnh 2

Sáu lưu ý cho Dự thảo Chương trình tổng thể mới

Đồng thời, hiện nay chương trình mới chưa nhận được sự nhất trí cao của đại đa số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, vẫn còn nhiều ý kiến không đồng thuận về chương trình phổ thông mới như: Mơ hồ về đánh giá phẩm chất, năng lực; Hoài nghi tính hiệu quả của các môn học.... 

Đặc biệt, đội ngũ giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, kinh tế và pháp luật chưa được đào tạo, bồi dưỡng để phù hợp với đặc điểm và trình độ nhận thức của học sinh trung học phổ thông trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn...

Chính vì vậy, theo thầy Hướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban soạn thảo Chương trình tổng thể cần rà soát lại chương trình và tốt nhất nên triển khai chương trình mới từ năm học 2019-2020 để tránh tình trạng “dục tốc bất đạt". 

Cùng quan điểm này, tại hội thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và yêu cầu đổi mới bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức ngày 18/5 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, các điều kiện và sự chuẩn bị cho việc thực hiện thí điểm chương trình này khá rõ ràng nhưng nếu thực hiện ngay trong năm học 2018-2019 dễ dẫn đến kém khả thi và chưa thuyết phục.

Chương trình mới khó triển khai ngay từ năm 2018 ảnh 3

Môn trải nghiệm sáng tạo nhìn từ góc độ nhà trường phổ thông

Bởi chương trình mới có rất nhiều môn học mới so với chương trình hiện hành.Vậy vấn đề đặt ra là những giáo viên nào sẽ dạy các môn mới?

Hiện nay chưa có trường sư phạm nào đào tạo giáo viên chuyên về các môn học này, vậy trong thời gian tới việc giảng dạy các môn học này sẽ như thế nào? 

Bên cạnh đó là các điều kiện phục vụ cho việc thực hiện các môn học mới như tài liệu, thiết bị, môi trường, kinh phí, cơ sở vật chất… là vấn đề cần được quan tâm và định hướng.

Theo cô Thanh, những điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện chương trình như trong dự thảo thì các trường tư có nhiều khả năng và điều kiện thực hiện chương trình này hơn là các trường công, do đó cần thêm thời gian để các trường công, đặc biệt trường công vùng khó khăn thêm thời gian tiếp cận và chuẩn bị.

Thùy Linh