Môn trải nghiệm sáng tạo nhìn từ góc độ nhà trường phổ thông

20/05/2017 07:00
Nguyễn Quang
(GDVN) - Thời lượng chương trình không thay đổi, số hoạt động trải nghiệm sáng tạo tăng lên, đòi hỏi học sinh và giáo viên hoạt động nhiều hơn.

LTS: Trao đổi, đóng góp ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, thầy giáo Nguyễn Quang, giáo viên Trường Trung học cơ sở Lê Lợi, Thành phố Bắc Giang chỉ ra những khó khăn trong việc triển khai hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường phổ thông.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Dự thảo chương trình cải cách giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố và đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học và toàn xã hội. 

Trong đó có một nội dung có ý nghĩa quan trọng là hoạt động trải nghiệm sáng tạo được ban soạn thảo quan tâm coi trọng trong lần cải cách lần này. 

Xét về bản chất đây vốn là một hoạt động giáo dục mà các trường từ tiểu học đến trung học đã đang thực hiện. Nhưng vì sao đến thời điểm này lại được các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô, phụ huynh và cả học sinh quan tâm. 

Đứng ở khía cạnh của một giáo viên đã, đang đứng lớp và từng trải qua nhiều môi trường giáo dục (vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, đồng bằng và cả đô thị). Tôi xin có một vài ý kiến:

Trước hết, lần này ban soạn thảo đã chỉ rõ và đưa ra một cái tên cụ thể cho hoạt động này là hoạt động trải nghiệm sáng tạo; dành cho môn học này thời lượng là 105 tiết/ năm học. 

Nếu thực hiện 35 tuần học/ năm tức là sẽ thực hiện 3 tiết/tuần; đồng thời chú ý nhiều cho nó trong mối tương quan với các môn học khác và trong tổng thời lượng chương trình. 

Đây là một bước tiến về nhận thức giáo dục kỹ năng sống và giáo dục kiến thức, giáo dục phẩm chất học sinh thông qua hoạt động thực tế.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh trả lời báo Dân trí ngày 28/04/2017: một lần nữa khẳng định:

Trải nghiệm sáng tạo là một hoạt động giáo dục, không thuần túy là một môn học. Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thiết kế theo nguyên tắc tích hợp. Các chủ đề được xây dựng mang tính mở”.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. (Ảnh: thptlocphat.edu.vn)
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. (Ảnh: thptlocphat.edu.vn)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa - chuyên gia giáo dục, hoạt động trải nghiệm sáng tạo vẫn là những hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp sẽ phong phú cả nội dung, phương pháp, hình thức hoạt động và nó phù hợp với mục tiêu, phát triển phẩm chất năng lực. 

Ở đây học sinh được học từ trải nghiệm bằng học thông qua làm, thực hành, kinh nghiệm và cảm xúc cá nhân.

Theo quan điểm trên thì hoạt động trải nghiệm sáng tạo gồm 5 nhóm: khám phá, triển khai dự án, trình diễn, hình thức có tính cống hiến tuân thủ.

Về cụ thể, đó là một số hoạt động mà các trường tiểu học và phổ thông đang làm: tham quan du lịch kết hợp ngoại khóa; cắm trại; nói chuyện chuyên đề (văn học, an toàn giao thông, sức khỏe) các cuộc thi văn nghệ,

Thể dục thể thao, hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường, nhân đạo đền ơn đáp nghĩa, trung thu, các cuộc thi khoa học kĩ thuật, liên môn. 

Với các trường ở thành phố hoạt động đa dạng hơn như gói và luộc bánh trưng, giao lưu quốc tế. 

Những hoạt động đó quy vào hai mối: một là do nhà trường tổ chức theo yêu cầu giáo dục; hai là nhà trường tham gia vào các hoạt động do các ban ngành khác đề ra có sự tham gia của nhà trường (giáo viên và học sinh).

Để thực hiện có hiệu quả hoạt động này, trước khi triển khai cụ thể Bộ Giáo dục cần có một đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm những mặt làm được và những mặt còn hạn chế của công tác giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa mà chương trình giáo dục hiện hành đang thực hiện. 

Môn trải nghiệm sáng tạo nhìn từ góc độ nhà trường phổ thông ảnh 2

Chương trình tổng thể không cần giáo viên chuyên dạy trải nghiệm sáng tạo

Chú ý tới đặc trưng vùng miền, điều kiện kinh tế và văn hóa. Từ đó có sự kế thừa và phát triển và điều chỉnh phù hợp.

Đặc biệt là lắng nghe ý kiến từ các cơ sở giáo dục, các thầy cô và các bậc phụ huynh.

Vì đây là một hoạt động mang tính chuyên môn cao đòi hỏi thời gian, công sức, phương tiện, an ninh, nhân lực, vật lực để hỗ trợ, tư vấn, thực hiện. 

Nhưng các cơ chế điều chỉnh cụ thể còn hạn chế và rất chung chung. Vì thế các trường học khi thực hiện “mò mẫm” làm, “lựa cơm gắp mắm”, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau dựa trên điều kiện thực tế nên thiếu một kế hoạch. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định với báo Dân trí ngày 11/5/2017:

Trên cơ sở đó mỗi nhà trường căn cứ vào yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông xây dựng được các chủ đề hoạt động tích hợp, liên môn để tổ chức cho học sinh thực hiện”. 

Điều này có mặt thuận lợi là các nhà trường chủ động linh hoạt, nhưng nếu cán bộ quản lý và giáo viên không tích cực dễ dẫn đến làm qua loa đại khái, hình thức. Và như thế dễ dẫn đến khoán trắng cho cấp dưới.

Các lực lượng ngoài nhà trường tham gia vào hoạt động này còn hạn chế. Chủ yếu ở việc cấp phép, tham dự, chứ ít ra tham gia bài bản từ đầu tới cuối. 

Hoạt động diễn ra tốt đẹp thì không sao, nhưng lỡ khi xảy ra sự cố thì nhà trường bị chê bai, phê bình, bị động phối hợp và có khi ngoài chuyên môn của giáo viên và nhân viên nhà trường. 

Ở những nơi có điều kiện kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn như miền núi, vùng sâu vùng xa thì cơ sở vật chất hạn chế, phụ huynh chủ yếu là hoạt động nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nên việc huy động mặt kinh tế còn rất hạn chế nếu như không muốn nói là bất khả kháng. 

Tôi lấy một minh chứng cho hoạt động ngoại khóa cụ thể cho các em học sinh trong một ngày giáo dục truyền thống lịch sử về di tích Đền Hùng (khoảng cách di chuyển bằng ô tô là 300km cả đi và về) thì riêng phần kinh phí chưa tính tiền ăn của học sinh là khoảng trên dưới 300.000 đồng. 

Về việc mời các chuyên gia, nghệ nhân, huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương... thì nguồn kinh phí ra sao? 

Với học sinh thành phố và nơi có điều kiện kinh tế xã hội thì không sao, nhưng những nơi miền núi vùng sâu vùng xa là điều cực kì khó khăn. 

Môn trải nghiệm sáng tạo nhìn từ góc độ nhà trường phổ thông ảnh 3

Trải nghiệm sáng tạo và Người thầy

Khi khó có nguồn khác bổ sung liệu chúng ta có bổ đầu học sinh bằng những khoản “tự nguyện”. 

Vì thế cần nghiên cứu sao cho đừng để những khó khăn về tài chính mà chúng ta phải chấp nhận bỏ đi những cơ hội có thể giúp giáo dục chấn hưng và làm động lực phát triển cho dân tộc thay đổi về chất tiến lên một tầm cao.

Với lực lượng trong nhà trường, nòng cốt là Ban giám hiệu và giáo viên thì sao? 

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thành nhận định: “Như vậy có thể hình dung với cơ cấu giáo viên như hiện nay, việc thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã có thể được thực hiện tốt. 

Trong đó giáo viên các bộ môn tham gia xây dựng các chủ đề hoạt động, chịu trách nhiệm đưa ra mục tiêu, nội dung, phương thức và sản phẩm hoạt động; tham gia đánh giá kết quả hoạt động của học sinh”. 

Như vậy tức là giáo viên bộ môn sẽ là người tham gia soạn thảo lên ý tưởng, kế hoạch, thực hiện, đánh giá kết quả hoạt động. 

Điều này có chủ quan và có là quá sức cùng năng lực với giáo viên bộ môn. Khi chế độ làm việc giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết, trung học cơ sở là 19 tiết/ tuần (dự thảo mới là 17 tiết/ tuần). 

Hơn nữa với các trường không có giáo viên chuyên trách công tác đội thì giáo viên bộ môn vừa dạy bộ môn lại vừa kiêm luôn dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo. 

Trong khi yêu cầu của chương trình mới có thể nhẹ hơn về kiến thức thì những yêu cầu về giáo dục phẩm chất, kỹ năng, phương tiện cho môn học hiện đại, đa dạng, có phần nặng hơn. 

Còn giáo viên chủ nhiệm lớp thì vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục môn học vừa làm công tác chủ nhiệm (được tính 4 tiết/ tuần). 

Trong điều kiện môi trường xã hội và giáo dục thay đổi hiện nay, nhiều giáo viên khẳng định làm công tác chủ nhiệm quả là một vấn đề không đơn giản, nếu không muốn nói là nặng nề. 

Thời lượng chương trình không thay đổi, số hoạt động trải nghiệm sáng tạo tăng lên. Đòi hỏi học sinh và giáo viên hoạt động nhiều hơn. 

Các mục tiêu khác về thi văn hóa, văn nghệ các ngành, các cấp đòi hỏi nhà trường, giáo viên, học sinh tham gia dù muốn hay không.

Về công tác đánh giá, đây là một hoạt động đòi hỏi tham gia chung của toàn xã hội, hạt nhân trung tâm là nhà trường. 

Nếu như hoạt động truyền đạt kiến thức, vốn được định hướng, định lượng bởi chương trình sách giáo khoa, chuẩn kiến thức kĩ năng, thời gian địa điểm, khảo thí kiểm định chất lượng; cùng đó là những yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, giáo viên. 

Thì hoạt động trải nghiệm sáng tạo đòi hỏi rộng lớn nhưng, linh hoạt, phức tạp hơn. 

Mà kết quả đánh giá thì lại đa dạng (hồ sơ, cảm xúc…), “sản phẩm đó không theo khuôn mẫu nào”. 

Vậy công tác đánh giá sẽ giao cho ai thực hiện, theo dõi để đảm bảo tính chính xác, khách quan, kế thừa? Ban giám hiệu, Đoàn, Đội, giáo viên bộ môn hay giáo viên chủ nhiệm? Đánh giá định tính hay định lượng?

Thời gian hoạt động linh động nhưng phải có trọng tâm có một định hướng cụ thể, mang tính tiếp nối qua từng lớp từng cấp, mở rộng không gian và thời gian tích hợp, chứ không thể hoạt động mạnh lớp nào lớp ấy làm, cấp nào cấp ấy làm. 

Nó cũng cần phù hợp với điều kiện kinh tế, thời gian tâm sinh lý học sinh, chứ không thể đánh đồng, hay cùng thực hiện. 

Từ xưa đến nay các trường chủ yếu dựa vào một số ngày hoạt động 20/11; 26/3… chứ chưa có một nghiên cứu về thời lượng chương trình, kế hoạch, thời tiết, đặc thù thành thị hay nông thôn, miền núi. 

Môn trải nghiệm sáng tạo nhìn từ góc độ nhà trường phổ thông ảnh 4

Dạy sáng tạo, chuyện từ lớp chồi cho đến lớp 10

Sự tích hợp sẽ ra sao để không chồng chéo giữa các môn học, lớp học và cấp học. 

Đó là không kể lợi ích riêng của một số cá nhân hay nhóm nào đó lợi dụng việc hoạt động để ăn tiêu, để thu vén, bắt tay nhau trục lợi chia trác. 

Điều này không phải là không có khi các công ty lữ hành du lịch bắt tay với một cá nhân hay tổ chức nào đó trong và ngoài nhà trường vì lợi nhuận cá nhân mà không quan tâm nhiều đến lợi ích và mục tiêu giáo dục của học sinh.

Mục tiêu ý tưởng là tốt, khó khăn sẽ rất nhiều, là những giáo viên, chúng tôi không ngại khó khăn và luôn cố gắng có niềm tin về lần cải cách cho sự nghiệp trồng người lần này.  

Nhưng cần có cái nhìn thực tế, tổng thể, có một kế hoạch khoa học để chương trình thành công ban đầu và lan tỏa. 

Chứ không thể hô hào, mệnh lệnh hành chính dễ dẫn đến đẩy học sinh và thầy cô ra sân, ra ngoài đường và rồi gật đầu vỗ tay nhau rằng có một hoạt động sáng tạo.

Nguyễn Quang