Chuyển trường - mảnh đất màu mỡ của quan tham, cửa ải gian nan của nhà giáo

25/09/2017 15:31
Phan Tuyết
(GDVN) - Không ít người trong cuộc úp mở rằng muốn xuôi chèo mát mái phải biết “chạy”, đây là mảnh đất màu mỡ cho các quan tham xà xẻo vào đồng lương còm của giáo viên.

LTS: Chuyện luân chuyển đã gây ra nhiều bức xúc trong giáo viên. Có giáo viên đã phản đối quyết định điều chuyển bằng việc tự tử.

Vậy lý do vì sao nhiều giáo viên ở nhiều địa phương trên cả nước lại bức xúc về việc luân chuyển đến vậy?

Cô giáo Phan Tuyết, một giáo viên nhiều năm đứng lớp, sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những khuất tất trong việc này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Câu chuyện luân chuyển giáo viên hàng năm trong ngành giáo dục bao năm qua đã có nhiều khuất tất.

Không ít người trong cuộc úp mở rằng: “Muốn xuôi chèo mát mái phải biết “chạy”, đây là mảnh đất màu mỡ cho những quan tham xà xẻo vào đồng lương còm cõi của giáo viên”.

Thực hư chuyện này ra sao cũng khó mà kiểm chứng được. Chỉ biết rằng, việc luân chuyển giáo viên về vùng thuận lợi rất dễ dàng với người này nhưng lại vô cùng khăn với người khác.

Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân vì sao lại thế?

Những điều khuất tất trong việc luân chuyển

Mới đây, Báo Lao động Nghệ An có phản ánh “ồn ào” chuyện luân chuyển giáo viên tại Trường Tiểu học Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An) giữa hai cô giáo là Cao Thị Tâm và cô Trương Thị Ngọc Diệp.

Dư luận đang đặt ra những câu hỏi trước quyết định của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Trung.

Tại sao qua một đêm, người luân chuyển được thay đổi? Nếu cô Diệp được ở lại vì bố chồng ốm đau, thì cô Tâm sao lại phải đi trong lúc chính cô bị bệnh tật? [1]

Chuyện luân chuyển giáo viên còn đó nhiều khuất tất khiến giáo viên bức xúc. (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Quảng Ngãi)
Chuyện luân chuyển giáo viên còn đó nhiều khuất tất khiến giáo viên bức xúc. (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Quảng Ngãi)

Cô giáo Hoàng Thị Thủy - giáo viên Trường Mẫu giáo Trà Giác (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ về câu chuyện của mình:

“Tôi công tác tại vùng cao Trà Giác (Bắc Trà My) cũng 7 năm rồi. Biết bao nhiêu nỗ lực phấn đấu, cống hiến trong giáo dục.

Vậy mà giờ đây, sau 7 năm đi dạy, sau 10 năm tôi mới có cơ hội để được làm mẹ...

Nhà trường lại phân công tôi đi dạy ở một điểm thôn cực kỳ khó khăn của trường, phải đi bộ cả ba giờ đồng hồ đường rừng mới tới lớp.

Không sóng điện thoại, không điện, không một thức ăn tươi nào lên trên đó...

Đường đi bộ quá xa, khi tôi đi dạy từ điểm thôn về trường xã để họp, tôi bị động thai ra máu.

Biết bao nhiêu lần kêu cứu lên Ban giám hiệu, lên lãnh đạo phòng xem xét để có thể về điểm gần hơn trong thời gian tôi mang thai… Kết quả có thay đổi được gì đâu?...”.[2]

Chuyển trường - mảnh đất màu mỡ của quan tham, cửa ải gian nan của nhà giáo ảnh 2

Gặp lãnh đạo huyện, cô giáo phải vào viện cấp cứu

Đó là trường hợp của thầy giáo Trần Kim Mậu (43 tuổi, dạy Trường Trung học cơ sở Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi).

Thầy Mậu nói vui:

Cái số mình ở miết trong rừng sâu thôi. Lớn tuổi rồi, đi lại vất vả quá nên xin chuyển về đồng bằng cho gần nhà.

Nhưng chao ôi, năm nào nộp hồ sơ vẫn không xin được việc”.  

Chẳng biết ngành giáo dục hằng năm tuyển dụng, luân chuyển đội ngũ giáo viên thế nào, trong khi người thầy giáo đã cống hiến 22 năm cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, đã phải trải qua biết bao nhiêu gian khó nhọc nhằn trên hành trình gieo chữ, vậy mà vẫn không được xem xét bố trí công tác mới ở đồng bằng? [3]

Một số giáo viên đang công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) bất bình vì trước ngày khai giảng năm học mới khoảng 1 tuần, họ bất ngờ nhận quyết định của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu H. (một giáo viên giỏi nhiều năm liền của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai), bức xúc:

Lãnh đạo điều chúng tôi đi một cách bất ngờ.

Điều này chứng tỏ lãnh đạo không tôn trọng người lao động; không có sự trao đổi, đả thông tư tưởng trước; không giải thích cho chúng tôi biết vì sao lại điều chuyển chúng tôi;

Không xem xét hoàn cảnh của từng người mà làm theo cảm tính, theo kiểu cưỡng chế chúng tôi khiến chúng tôi thấy mình bị xúc phạm, bị tổn thương rất lớn về tinh thần.

Khi chúng tôi hỏi Ban giám hiệu trường thì Ban giám hiệu cho biết quyết định điều động công tác do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng ký, lãnh đạo nhà trường không biết ai đi, ai ở;

Thậm chí đã phân công dạy lớp rồi nhưng khi có quyết định điều động của Phòng giáo dục và đào tạo, trường đành chịu và phân công lại giáo viên”…[4]

Cái lý của các “quan”

Lý giải về việc bất ngờ luân chuyển nhiều giáo viên trước khai giảng 1 tuần, bà Dương Thị Ngọc Diễm - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng cho biết, việc điều chuyển giáo viên là do nhu cầu của ngành, theo đề nghị của hiệu trưởng nhà trường.

Năm học mới thành phố Sóc Trăng xây dựng thêm trường mới nên cần điều chuyển giáo viên giỏi ở các trường khác về trường mới để tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Chuyển trường - mảnh đất màu mỡ của quan tham, cửa ải gian nan của nhà giáo ảnh 3

Vì sao cô giáo ở Hải Phòng phải tự tử?

Đồng thời điều động giáo viên còn để giãn học sinh, tránh quá tải ở trường có chất lượng cao, trong khi các trường mới, trường vùng ven lại ít học sinh (!?)…[4] 

Cô Đặng Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Trung giải thích việc luân chuyển giáo viên của mình:

Quan điểm của trường là lấy những người công tác lâu năm đi trước”.

Trong thực tế cũng vậy, khi họ chuyển một giáo viên dạy giỏi, có bề dày thành tích cao, người ta toàn dùng từ “tăng cường” để nói rằng đơn vị mới cần thêm giáo viên giỏi để phát triển nên phải chọn người có nhiều kinh nghiệm.

Chuyển giáo viên bình thường đi, họ lại biện minh “ở một nơi không phát huy được năng lực, đến môi trường mới chắc chắn sẽ phát huy hết năng lực của mình”.

Hoặc là lấy lý do giáo viên (tiểu học) chưa có bằng đại học trong khi bằng chuẩn yêu cầu chỉ là trung cấp sư phạm “Năm nay trường lên chuẩn quốc gia phải cần giáo viên vượt chuẩn”…

Những nghịch lý

Do cấp trên có muôn vàn lý do để biện minh cho việc làm của mình, nên mới có nhiều chuyện trái ngang, nhiều nghịch lý xảy ra trong việc thực hiện luân chuyển.

Điển hình như chuyện giáo viên bị kỉ luật lại được chuyển về gần, giáo viên đau ốm lại bị chuyển đi xa.

Gần đây nhất là trường hợp của cô Lê Thị Thu Hà, trong năm học 2016-2017 là Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng (Hưng Nguyên, Nghệ An), cuối năm 2016 đã bị kỷ luật cảnh cáo (cả về mặt Đảng và chính quyền) vì đã chỉ đạo thu nhiều khoản trái quy định, sau đó được chuyển về Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Chuyển trường - mảnh đất màu mỡ của quan tham, cửa ải gian nan của nhà giáo ảnh 4

Cô giáo cầu cứu vì bị điều động đến điểm trường xa, dẫn đến động thai (!?)

Nhưng chưa đầy 1 năm sau, cô Hà lại được giao về làm quyền Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Tiến ở ngay xã bên cạnh. [1].

Trong khi cô Lưu Mai Yến, giáo viên Trường Tiểu học Hòa Bình (xã Hưng Phúc) từ ngày ra trường đã có thời gian dài công tác tại miền núi.

Bất ngờ năm học này lại được điều về công tác tại Trường Tiểu học Nam Yên (xã Hưng Yên Nam), cách điểm cũ khoảng hơn 22km.

Cô Yến không phàn nàn chuyện luân chuyển, nhưng cô cho rằng việc chuyển cô đi quá xa trong khi sức khỏe cô không đảm bảo là việc làm “nhẫn tâm” của lãnh đạo huyện Hưng Nguyên.

Bản thân cô Yến bị đa nhân xơ tử cung, bướu cổ và bị bệnh tim, từng nhiều lần bị ngất trên lớp phải cấp cứu. [1]

Cô giáo Hoàng Thị Thủy – giáo viên Trường Mẫu giáo Trà Giác (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) bị điều đi dạy ở điểm trường quá xa trong khi đang mang thai hiếm muộn nên dẫn đến bị động thai…

Có hay không chuyện “bằng lòng vẫn hơn bằng cấp”?

Thầy H. (đề nghị giấu tên), hiện đang dạy ở một trường trung học phổ thông của huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, vẫn còn lắc đầu, lè lưỡi. 

Sau gần 6 năm "ăn đậu, ở nhờ" để dạy học tại một trường miền núi cách nhà hơn 70km, do cha mẹ hay đau yếu, còn anh chị em lại ở xa... nên thầy H. xin chuyển về dạy tại huyện nhà.

Thế nhưng phải gần 2 năm sau, với hàng trăm lần đi lại rồi nhờ "tác động" tốn không biết bao công sức, tiền bạc mới được chuyển về. Có nhiều người còn đi mòn cả dép, tốn tiền bạc, nhờ vả còn chưa được nữa là. [5]

Thực tế cho thấy giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn nếu muốn xin chuyển công tác về đồng bằng thì phải tự “bơi”.

Chuyển trường - mảnh đất màu mỡ của quan tham, cửa ải gian nan của nhà giáo ảnh 5

Cô Tuyết, cô "chạy" hết bao nhiêu?

Nói như một cán bộ làm công tác tổ chức ở Phòng Giáo dục trên địa bàn miền núi thì giáo viên phải tự “chạy” hồ sơ.

Người nào “chạy giỏi” sẽ nhanh chóng xin được chỗ dạy ở đồng bằng.

Một giáo viên có thâm niên công tác ở miền núi hơn chục năm, bộc bạch:

Có mấy anh bạn bảo sao mày không thử chạy hồ sơ. Muốn xin về đồng bằng đều có giá cả, độ vài chục triệu. Nghe thì cũng muốn chạy thử, nhưng sợ.

Giáo viên lương ba cọc ba đồng, đưa cho họ chẳng biết có chắc ăn không. Rủi tiền mất tật mang thì khổ…”. 

Mà không riêng gì thầy giáo này nói đến chuyện “chạy chọt” khi xin thuyên chuyển về đồng bằng, nhiều người khác cũng “thì thầm” chuyện tiền bạc khi giáo viên đi xin việc.

Tôi nghe sao thì hay vậy, chẳng biết thực hư thế nào. Chỉ thấy một thực tế rành rành ra đó là hồ sơ giáo viên công tác lâu năm ở miền núi xin được thuyên chuyển về đồng bằng cứ chất chồng lên nhau vì chưa được bố trí nơi công tác mới. [5]

Một số đồng nghiệp hiện đang dạy ở vùng Tây Nguyên cho biết, để đến trường phải vượt qua con đường lầy cát hơn 100 cây số nhưng thầy cô vẫn ráng bám trụ vì muốn xin về gần phải có đến vài trăm triệu lót tay.

Nghị định của Chính phủ quy định: “Thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam.

Hết thời hạn công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng”.

Chuyển trường - mảnh đất màu mỡ của quan tham, cửa ải gian nan của nhà giáo ảnh 6

Lãnh đạo thích quà sinh ra nhiều giáo viên cơ hội

Thế nhưng trong thực tế chẳng nơi nào làm được như thế.

Thay vì vui mừng khi Nghị định 61 của Chính phủ mới được ban hành thì nay mỗi khi nghe nhắc đến không khỏi buồn lòng.

Nhiều người bảo, chính sách luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn được thực thi theo kiểu “hên, xui”.

Có người mới “chân ướt chân ráo” dạy ở vùng cao đã được chuyển về đồng bằng.

Thế nhưng, nhiều người hàng chục năm công tác nơi núi rừng, xin luân chuyển mãi nhưng chẳng nơi nào tiếp nhận.

Có nhiều giáo viên nữ mải chăm lo mang ánh sáng tri thức cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện để xây dựng mái ấm hạnh phúc cho riêng mình”. [6]

Vẫn còn nhiều khuất tất

Những ví dụ nêu trên chỉ là một số trường hợp được báo chí nhắc đến, ngoài thực tế vẫn còn nhiều, rất nhiều những khuất tất trong việc luân chuyển giáo viên hàng năm mà ở bất cứ tỉnh thành hay địa phương nào cũng có.

Không ít giáo viên đã giảng dạy tại vùng khó khăn hàng chục năm nhưng vẫn chưa được điều động về trường gần nhà.

Ngược lại, một số giáo viên cứ vài ba năm lại được luân chuyển một lần quanh địa phương chỉ vì trường nào có lợi cho bản thân thì chính thần cô ấy đều được đáp ứng.

Dư luận cũng chỉ biết bàn tán vào ra và đặt câu hỏi theo kiểu “Vì sao mà thầy (cô) ấy lại được ưu ái như thế?

Chuyển trường - mảnh đất màu mỡ của quan tham, cửa ải gian nan của nhà giáo ảnh 7

 Giáo viên miền núi mòn mỏi được thuyên chuyển về đồng bằng

Một đồng nghiệp kể cho chúng tôi nghe, chuyện một giáo viên mà mọi người gọi là “số đỏ”.

Chẳng là, cô giáo ấy liên tục được chuyển trường mà toàn là trường “ngon”.

Như việc công tác tại trường ấy, hưởng xong chế độ thu hút (100% lương) lại được chuyển qua trường hưởng chế độ bãi ngang (70%) lương.

Khi những chế độ này hết, cô giáo này lại được chuyển qua trường dạy một buổi gần nhà. Vài năm sau, trường lên 2 buổi cô lại được chuyển tiếp sang một ngôi trường khác cùng khu vực cũng chỉ dạy một buổi thôi…

Có giáo viên vi phạm kỉ luật như gây mất đoàn kết nội bộ hoặc sinh con thứ 3 bị chuyển trường xa nhưng ngày về chưa biết khi nào.

Ngược lại, có giáo viên cũng bị kỉ luật như thế nhưng trường chuyển đến còn “ngon” hơn trường đang dạy hiện tại nên nhiều người đùa vui là “kỉ luật êm ái”.

Một số giáo viên lỡ làm phật lòng lãnh đạo, lợi dụng chính sách luân chuyển hàng năm đã bị đẩy đi xa gây nên cảm giác lo sợ và thủ thế để tự bảo vệ mình.

Cách nào khắc phục tình trạng này?

Ông Vũ Đức Tế - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng:

Việc luân chuyển giáo viên giữa miền núi và đồng bằng phải thực hiện giống như nghĩa vụ quân sự.

Giáo viên dạy lâu năm ở đồng bằng lên dạy ở miền núi, hết thời gian quy định sẽ về dạy ở trường trước khi luân chuyển.

Còn giáo viên mới ra trường về dạy trước tiên ở đồng bằng để học hỏi kinh nghiệm, sau đó lên dạy ở miền núi”.[7]

Có thể nói đây là giải pháp hay nhưng thực hiện có khả thi hay không lại phụ thuộc vào người cầm cân nảy mực.

Hiện nay, nhiều địa phương vẫn đang thực hiện việc luân chuyển giáo viên giữa các trường trong cùng một địa bàn ngay đầu năm học gây nên sự xáo trộn trong đội ngũ giáo viên, gây tâm lý bất an cho nhiều thầy cô giáo.

Một số cán bộ cứ lấy việc luân chuyển để hù dọa, trấn áp giáo viên để dễ bề thao túng. Không ít thầy cô vì sợ bị chuyển đi trường xa đã “im hơi lặng tiếng” dù thấy bất công xảy ra ngay trước mặt.

Cũng có không ít cán bộ lợi dụng việc luân chuyển này để “làm tiền” giáo viên dẫn đến đời sống của nhà giáo đã nghèo lại càng khốn khổ hơn nữa.        

Bởi thế, việc luân chuyển giáo viên hàng năm ở các trường đồng bằng trong cùng một địa bàn với nhau có thật sự cần thiết nếu thầy cô không có nhu cầu?

Nếu hạn chế được điều này cũng đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ không bị chuyện chuyển trường khống chế như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://laodongnghean.vn/van-hoa-giao-duc/on-ao-chuyen-luan-chuyen-giao-vien-21824.html

[2] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Co-giao-cau-cuu-vi-bi-dieu-dong-den-diem-truong-xa-dan-den-dong-thai-post179837.gd

[3] http://www.baoquangngai.vn/channel/2027/201012/luan-chuyen-giao-vien-o-vung-dac-biet-kho-khan-bao-gio-het-trai-khoay-1-1972287/

[4] http://cand.com.vn/giao-duc/Luan-chuyen-giao-vien-loi-bat-cap-hai-365316/

[5] http://www.baoquangngai.vn/channel/2027/201012/luan-chuyen-giao-vien-o-vung-dac-biet-kho-khan-bao-gio-het-trai-khoay-2-1972401/

[6] http://www.baoquangngai.vn/channel/2027/201309/luan-chuyen-giao-vien-o-vung-dac-biet-kho-khan-can-su-quyet-tam-2264494/

[7] http://www.baoquangngai.vn/channel/2027/201110/luan-chuyen-giao-vien-ve-xuoi-muon-nhung-dang-mung-2102898/

Phan Tuyết