LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Thuận Phương, một nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Trong bài viết này, cô giáo Thuận Phương chỉ ra nỗi khổ của những giáo viên tiểu học khi không thể làm đúng lương tâm trong việc đánh giá học sinh vì căn bệnh thành tích.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Gặp chúng tôi, cô chưa hết bức xúc, ngồi lặng hồi lâu để lấy lại sự bình tĩnh. Cô mới chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đã làm cô và một số đồng nghiệp băn khoăn, trăn trở suốt cả tuần nay.
Đó là việc nên để một số học sinh yếu kém lên lớp hay cho các em được quyền lưu ban?
Đắn đo, cân nhắc bởi vì cô biết quyết định của mình sẽ vô cùng quan trọng hoặc là phá nát tương lai học hành của một đứa trẻ hoặc là vùi lấp bao công sức phấn đấu của bản thân mình trong suốt cả năm học.
Cô kể rằng, trường mình có 4 lớp một. Trong những lớp ấy có khoảng 6 học sinh học mà không biết gì. Suốt cả năm học, cô và đồng nghiệp đã phải tốn biết bao công sức kèm cặp các em nhưng vẫn không tiến bộ bao nhiêu.
Nhận thấy học sinh của mình có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ vì các em cứ học trước quên sau nên cô và nhà trường đã mời phụ huynh lên động viên, thuyết phục gia đình đưa các em đi bệnh viện để khám.
Phần do sĩ diện, phần không muốn thừa nhận gia đình mình lại có người con như vậy nên phụ huynh cương quyết từ chối đề nghị ấy.
Vì thành tích mà nhà trường và giáo viên đánh giá không đúng năng lực của học sinh. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Thương các em, thương cả chính mình nên các giáo viên phải tận tình, kiên nhẫn dạy hàng ngày. Bất kể lúc nào cũng có thể tranh thủ để ngồi bên các em hướng dẫn từng âm vần, viết từng con chữ.
Ngày nào cũng vậy, cô và đồng nghiệp thường đến lớp sớm hơn quy định gần một tiếng để gọi các em lên bàn giảng giải từng tí.
Rồi giờ ra chơi, những tiết học chuyên, thầy cô luôn nhẫn nại ngồi bên các em với hy vọng có thể cải thiện học sinh hiểu tí nào mừng tí ấy.
Có hôm mãi kèm trò học nên chiều buông xuống lúc nào chẳng hay. Thế rồi, cô lại lóc cóc đưa các em về tận nhà.
Khi gặp phụ huynh học trò, cô nói “Gia đình cần phối hợp với giáo viên để hỗ trợ thêm cho các em mới hy vọng các em biết chữ”.
Chẳng một lời cám ơn, nhận ngay tiếng sỗ sàng đáp lại “Việc dạy học sinh trên trường là việc của thầy cô. Nó học không biết chữ là tại thầy cô dạy, gia đình tôi không chịu trách nhiệm chuyện đó”.
Cô nói mình bất ngờ thì ít mà thất vọng thì nhiều, thương cho những học trò sinh ra trong gia đình phụ huynh như thế.
Dù giáo viên có nỗ lực là thế, nhưng cuối năm những em này vẫn chỉ ê a tiếng được tiếng mất.
Đợt thi học kì cuối năm 6 em này vẫn không làm bài được. Theo dự định, giáo viên sẽ cho các em ở lại một năm học nữa để học cho chắc chắn.
Thế nhưng đâu phải muốn là được. Cô và đồng nghiệp đã bị Ban giám hiệu mời lên trao đổi đến vài lần. Nghe thì rất nhẹ nhàng, nhưng hiểu ra thâm ý lại chẳng đơn giản chút nào.
Phó Hiệu trưởng lên tiếng “Thầy cô cứ đánh giá thực chất. Nếu các em thi lại không qua được đợt này, hè này giáo viên chủ nhiệm đưa các em về nhà mà kèm để thi lần 2, lần 3, thi chừng nào đậu mới thôi”.
Nghe thế, có giáo viên lo sợ “Nghỉ hè mà phải chở học trò về nhà dạy kèm hóa ra mình chẳng còn hè sao?”.
Có người nói thẳng “Chẳng qua là muốn ép mình cho học sinh lên lớp nhưng không muốn nói toẹt ra vì sợ trách nhiệm về sau”.
Thế là, đã có giáo viên “tặc lưỡi”, “nhắm mắt” để các em không được ở lại cho khỏi rắc rối đến bản thân.
Nhưng có thầy cô vẫn cương quyết không thỏa hiệp vì “làm như thế là hại cuộc đời các em. Cứ đẩy học sinh lên lớp nhưng không biết gì con đường học tập của các em sẽ kết thúc hết bậc tiểu học”.
Những giáo viên này chấp nhận bản thân bị nhà trường liệt vào danh sách cứng đầu, chống đối, không hoàn thành nhiệm vụ.
Đứng giữa “hai dòng nước” buộc phải chọn “một dòng” không đem đến điều thiệt cho bản thân thì lại đổ gánh nặng lên cuộc đời các em và gia đình chúng.
Điều mong muốn duy nhất của giáo viên lúc này không phải chọn “dòng nước nào” mà mong mỏi ngành giáo dục hãy xóa bỏ căn bệnh thành tích như hiện nay.
Hãy để thầy cô dạy thật và đánh giá học trò một cách thật chính xác và khách quan.