Trên đây là một góc nhìn của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc với vấn đề cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Ông không đổ lỗi cho xã hội, ông nhìn thấy nguyên nhân tự thân của vấn đề.
Đó là một góc nhìn rất đáng quan tâm. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Nhiều năm nay, số lượng cán bộ công chức, giáo viên, sinh viên… có nhu cầu học lên bậc thạc sĩ ngày càng gia tăng. Có thể nói, nhiều cán bộ, giáo viên, sinh viên… có ý thức tốt trong việc học tập thêm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, để có cơ hội phấn đấu, nâng lương, thăng tiến, ổn định trong công việc, cuộc sống. Dẫu cho việc học tập đó có tốn kém đến hàng chục triệu đồng hoặc hơn nữa nhưng họ vẫn rất nỗ lực để hoàn thành mục tiêu.
Hơn nữa, các cơ quan, đơn vị nhà nước rất quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận cho cán bộ, công chức có nguyện vọng học tập lên cao nhằm chuẩn hóa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của công việc, của đơn vị.
Có nhiều đơn vị, cơ quan còn đưa việc đi học nâng cao trình độ, chuyên môn của cán bộ, công chức thành Nghị quyết, chỉ tiêu phấn đấu của mình. Mặt khác, bây giờ, nhiều phụ huynh, cán bộ có đời sống kinh tế, lương bổng ổn định, khấm khá hơn, không ngại tốn kém tiền bạc, thời gian, sẵn sàng đầu tư cho con em, bản thân học tiếp.
Các cơ sở đào tạo, các trường đại học cũng mở thêm nhiều khóa học, loại hình đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu thực tế của người học. Thống kê hiện nay, có 29 chuyên ngành thạc sĩ và 18 chuyên ngành tiến sĩ. Riêng số lượng học viên thạc sĩ mới mỗi năm trên dưới 1.000 người cho 2 đợt tuyển sinh.
Nhiều trường đại học dân lập đăng ký đào tạo sau đại học, mở thêm hàng loạt mã ngành theo nhu cầu đào tạo, sử dụng. Nhờ vậy, những năm nay, các đơn vị, cơ quan nhà nước bổ sung, tuyển mới được nhiều cán bộ, giáo viên, sinh viên có trình độ thạc sĩ. Sau khi được đào tạo, học lên cao, nhiều cán bộ, giáo viên, sinh viên đã phát huy tốt được năng lực, kết quả học tập của mình vào công việc, nhiệm vụ thực tế đặt ra.
Đây kết quả đáng mừng của việc học lên thạc sĩ.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet) |
Bên cạnh cái được, việc học thạc sĩ trong thời gian gần đây cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế và bất cập.
Trước hết, về bản thân người đi học chưa nhận thức, đánh giá đầy đủ được ý nghĩa, giá trị của việc học lên cao học. Vẫn còn mang tính chất phong trào, thấy người ta đi học mình cũng đi học, trong khi khả năng, trình độ thực tế của mình chưa đáp ứng được yêu cầu.
Song ở quá trình học, họ lại rất “giỏi” trong việc “ quan hệ” với thầy cô, nhà trường để dễ dàng vượt qua mọi cửa ải, từ thi tuyển đến làm đề tài luận văn… Thậm chí có tình trạng lo lót, chạy chọt; nhờ, thuê người khác học thay, làm thay luận văn, cái kiểu "học giả, bằng thật”… từng gây bức xức dư luận.
Lệch lạc hơn ở chỗ, không ít người, trong đó có cán bộ, công chức coi việc học thạc sĩ, kể cả tiến sĩ không phải để phục vụ, làm việc mà cốt để khoe mẽ, ra oai, để giữ ghế, thăng tiến…
Gần đây, văn bản của một số địa phương có quy định, cán bộ nguồn, cán bộ quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh trong bộ máy Nhà nước phải là đại học chính quy, nếu tại chức, từ xa là không được, phải dừng lại.
Để “thoát khỏi” quy định mới này, nhiều cán bộ có bằng tại chức nằm trong diện “quy hoạch” ở nhiều địa phương, sở ban ngành hiện nay đua nhau đi học thạc sĩ. Có tình trạng trớ trêu, học chuyên ngành không thuộc chuyên môn của mình đang làm, đang làm văn phòng lại đi học ngành thú y.
Tiếp đến, việc quy hoạch, quản lý, đánh giá, cấp bằng ở các trường đại học đối với bậc thạc sĩ…trong thời gian qua chưa có quy chuẩn cụ thể và có biểu hiện buông lỏng, dễ dãi, nhẹ nhàng, dễ tạo kẽ hở cho học viên “ qua mặt”, nảy sinh tiêu cực.
Chất lượng đào tạo thạc sĩ của nhiều cơ sở giáo dục chưa đảm bảo. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đang tồn tại một số vấn đề đáng quan ngại. Qua thực tiễn, nhiều vị thạc sĩ ( kể cả tiến sĩ) ở ta thuộc dạng “ hữu danh vô thực”, chẳng nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến, đổi mới được gì.
Mặt khác, cách đánh giá, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhân viên ở ta vẫn làm theo cái kiểu tư duy cũ, thường trọng vọng, đánh giá cao, cộng điểm cho những người học cao, có bằng cấp nhiều; hơn là những người có thực lực thật sự.
Cho nên bây giờ có thêm phong trào, sinh viên tốt nghiệp đại học; thất nghiệp, không xin được việc làm; tranh nhau học lên cao học. Vì họ có suy nghĩ chỉ có học lên cao mới có cơ hội xin việc làm, khiến vòng luẩn quẩn tốt nghiệp- thất nghiệp tái diễn. Có bằng thạc sĩ rồi mà không biết phát huy chuyên môn để làm việc, kiếm sống, chứng tỏ năng lực, bằng cấp của anh có “ vấn đề”. Đấy là lỗi của người học.
Thí sinh phải chịu thiệt thòi, ngang trái khi thi viên chức ở Vĩnh Phúc
(GDVN) -Cuộc thi tuyển bất ngờ chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh, nhiều người thi tưởng mình đã đỗ thì có thể sẽ bị trượt vì phương án thi tuyển mới, có sau khi thi.
Chúng tôi thiết nghĩ, tình trạng thạc sĩ thất nghiệp đang là một vấn đề đáng quan ngại, báo động cho công tác đào tạo hiện nay.
Các nhà đào tạo, tuyển dụng cần nâng cao tính trách nhiệm xã hội. Thực tế, ngành giáo dục vẫn chưa kiểm soát hết được nhu cầu xã hội để đưa ra những chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo phù hợp. Trong khi đó, chất lượng đào tạo, đầu ra thạc sĩ như thế nào vẫn chưa có một khung chuẩn, thẩm định.
Quyền học là của mọi người, và tuyển dụng như thế nào là quyền của các đơn vị tuyển dụng. Nếu không có tiếng nói chung thì tình trạng đào tạo tràn lan, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng phổ biến. Chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của ta cũng cần xem xét lại. Cả nước, hiện có 24.300 tiến sĩ, trên 100.000 thạc sĩ …nhưng công trình nghiên cứu, sáng kiến khoa học lại quá ít. So với các nước xung quanh ta, khả năng nghiên cứu, bằng sáng chế được quốc tế công nhận của chúng ta rất khiêm tốn, thảm hại lắm.
Như vậy, đào tạo chạy theo số lượng nhiều để làm gì đâu? Rất lãng phí và tốn kém. Đáng lo, khâu đầu tư, coi trọng chất xám, khoa học của ta vẫn chưa có lời giải thấu đáo, làm suy giảm ý chí, tinh thần đam mê khoa học của không ít người có thực lực thật sự.
Đến khâu đánh giá, phân loại, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức Nhà nước cần đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, theo hướng chọn lựa, trọng dụng những người có năng lực, làm được việc, chứ không đặt nặng, ưu ái quá nhiều cho đối tượng người học cao, nhiều bằng cấp mà năng lực làm việc lại có hạn.
Tất nhiên, không phải tất cả người học của chúng ta đều là như thế, nhưng bộ phận "có vấn đề" cũng không phải ít. Độc giả có quan điểm về câu chuyện này, đề nghị tiếp tục góp ý với tác giả, với tòa soạn qua mục bình luận bên dưới, hoặc email toasoan@giaoduc.net.vn.